Thượng viện Mỹ hôm thứ 6/3 đã chính thức thông qua dự luật kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD do Tổng thống Joe Biden đề xuất.

Theo hãng thông tấn Reuters, dự luật cuối cùng sẽ trích ra 400 tỷ USD cho các khoản chi trả một lần trị giá 1.400USD cho hầu hết người dân Mỹ, và trợ cấp 300 USD/tuần cho 9,5 triệu người bị mất việc do dịch Covid-19. Ngoài ra, 350 tỷ USD sẽ được bổ sung vào ngân sách của các chính quyền cấp địa phương và tiểu bang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Dự luật đã được Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua với tỷ lệ 50-49, trong đó không có thành viên đảng Cộng hòa nào bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, do Thượng nghị sĩ Cộng hòa Daniel Sullivan không tham gia bỏ phiếu để về nhà dự tang lễ gia đình, nên đảng Dân chủ không cần sự can thiệp của Phó Tổng thống Kamala Harris để phá vỡ thế bế tắc.

Thượng viện Mỹ duyệt gói cứu trợ khổng lồ, Tổng thống Venezuela tiêm vắc-xin Covid-19
Thượng viện Mỹ chính thức thông qua gói cứu trợ Covid-19 của Tổng thống Joe Biden. 

Thượng viện Mỹ đã lập kỷ lục về thời gian bỏ phiếu dài nhất trong lịch sử hiện đại, với thời gian lên tới hơn 11 giờ 50 phút, trong bối cảnh nội bộ đảng Dân chủ cũng gặp phải nhiều mâu thuẫn về số tiền trợ cấp thất nghiệp cũng như các điều khoản về nâng mức lương tối thiểu.

Phía Hạ viện yêu cầu mức trợ cấp thất nghiệp 400 USD/tuần, nhưng Thượng viện muốn giảm xuống chỉ còn 300 USD/tuần. Bên cạnh đó, đề xuất nâng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ của Hạ viện cũng bị Thượng viện bác bỏ.

Sau cùng, các Thượng nghị sĩ Dân chủ phải sử dụng một quy trình được gọi là hòa giải, để có thể thông qua dự luật mà không cần đủ 60/100 phiếu bầu theo quy định thông thường của Thượng viện.

Trong một nhận xét ngắn gọn hôm 6/3, Tổng thống Joe Biden cho biết việc sớm thông qua dự luật sẽ giúp người dân Mỹ nhận được các tấm séc trợ cấp bắt đầu từ tháng này. Ông cũng hy vọng Hạ viện Mỹ sẽ nhanh chóng thông qua dự luật để ông có thể sớm ký phê chuẩn.

Theo Reuters, gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD vốn là ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Biden, trong bối cảnh hơn 520.000 người dân Mỹ đã tử vong bởi Covid-19. Đây được xem là một trong những gói kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử nước này.

Tổng thống Venezuela tiêm vắc-xin Covid-19 của Nga

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và Đệ nhất phu nhân Cilia Flores đã được tiêm liều đầu tiên vắc-xin Sputnik V của Nga, truyền hình nhà nước Venezuela đưa tin hôm 6/3.

Hình ảnh cả Tổng thống Maduro và Phu nhân Flores nhận được liều vắc-xin đầu tiên đã được phát trên truyền hình nhà nước. Người đứng đầu Venezuela nói rằng ông “cảm thấy ổn” sau khi được tiêm phòng.

“Trên khắp thế giới, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng vắc-xin của Nga là một loại vắc-xin tuyệt vời trong việc tạo ra khả năng miễn dịch. Chúng tôi sẽ đảm bảo cung cấp tất cả vắc-xin cho người dân Venezuela”, ông Maduro cho biết.

Venezuela đã nhận được khoảng 100.000 liều vắc-xin Sputnik V vào ngày 13/2. Quốc gia Nam Mỹ này từng đầu tư khoảng 200 triệu USD để mua 10 triệu liều vắc-xin được sản xuất bởi Nga.

Bên cạnh đó, Venezuela cũng đã nhận được 500.000 liều vắc-xin Sinopharm Covid-19 của Trung Quốc vào đầu tuần này.

Thêm một loại dược phẩm có triển vọng ngăn ngừa virus corona

Hãng dược phẩm Mỹ Merck & Co Inc hôm 6/3 cho biết, thuốc kháng virus molnupiravir, do hãng đồng phát triển với Ridgeback Bio, đang làm suy giảm nhanh hơn lượng virus corona trên các bệnh nhân mới mắc Covid-19 được hãng này nghiên cứu ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

“Các phát hiện mang tính khách quan trong nghiên cứu thứ 2 này, về sự suy giảm nhanh hơn lượng virus lây nhiễm ở những người mới mắc Covid-19 được điều trị bằng molnupiravir, là rất hứa hẹn”, William Fischer, Phó giáo sư Y khoa tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), cho biết trong một tuyên bố của Merck.

Theo hãng thông tấn Reuters, thuốc kháng virus molnupiravir hiện đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 trên người, và dự kiến sẽ hoàn tất 2/3 giai đoạn vào tháng 5 năm nay.

Merck quyết định tập trung vào các phương pháp điều trị sau khi 2 loại vắc-xin Covid-19 của họ không thể tạo ra các phản ứng miễn dịch như mong muốn, và khiến hãng phải từ bỏ chương trình nghiên cứu vắc-xin của mình ngay trong tháng 1 năm nay.

Một số tin tức đáng chú ý khác

Theo thống kê của Worldometers, tính đến sáng 7/3 (giờ Việt Nam) thế giới hiện có khoảng 117.038.828 ca nhiễm Covid-19. Số ca tử vong là 2.598.510, nhưng số ca bình phục đã lên đến 92.582.230.

Báo Financial Times đưa tin Liên minh châu Âu sẽ thúc giục Mỹ tiếp nhận hàng triệu liều vắc-xin Covid-19 xuất khẩu của AstraZeneca, trong bối cảnh Mỹ vẫn đang phải vật lộn với sự thiếu hụt nguồn cung vắc-xin trong nước.

Giới chức y tế bang California (Mỹ) hôm 5/3 đã đặt ra các quy định mới, cho phép các sân vận động, công viên Disneyland và các điểm giải trí ngoài trời khác mở cửa trở lại sớm nhất là vào ngày 1/4 tới, sau gần một năm đóng cửa vì dịch Covid-19.

Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha hôm 6/3 cho biết, hành khách trên các chuyến bay gián tiếp từ Anh hoặc Brazil đến nước này phải xuất trình xét nghiệm âm tính với Covid-19 trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành, và sẽ bị cách ly trong vòng 2 tuần sau khi nhập cảnh từ hôm 7/3 trở đi.

Chính phủ Ấn Độ hôm thứ 6/3 đã yêu cầu chính quyền các địa phương nên ưu tiên việc tiêm vắc-xin Covid-19 ở một số quận của 8 bang, bao gồm cả thủ đô New Delhi, nơi đang phải chứng kiến sự gia tăng đột biến số ca nhiễm mới trong những tuần gần đây.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : COVID-19gói cứu trợThượng viện Mỹvenezuela

Các tin liên quan đến bài viết