Rồi mọi người nhắn nhủ nhau thưởng Tết ‘có còn hơn không’ và tự an ủi ‘khéo co thì ấm’. Bởi trông lên chẳng bằng ai nhưng nhìn lại cũng may mắn hơn nhiều người: bao người mất việc, thất nghiệp, giảm thu nhập…
Khi mai vàng, đào thắm bung nở, các khoản thưởng Tết cuối năm lại chộn rộn khắp các phương tiện truyền thông. Mấy năm quay quắt vì dịch bệnh dội thêm muôn vàn khó khăn.
Thật mừng vì nhiều nơi vẫn ưu ái dành khoản tiền cuối năm để tặng thưởng cho người lao động ấm êm hơn trong mấy ngày Tết.
Lương tháng 13, mỹ từ đem lại nguồn vui và niềm an ủi lớn cho bao người mơ về một cái Tết đủ đầy: tấm áo mới cho con trẻ, ít tiền mừng tuổi mẹ cha, rồi mứt bánh, thịt thà.
Trăm thứ phải mua, phải sắm và phải chi đều chờ đợi mấy khoản thưởng Tết cuối năm để trang trải. Niềm vui và nỗi muộn phiền cũng theo những con số đó mà nhân lên.
Dõi theo mức thưởng Tết của các ngành, nhà giáo nơi nơi không khỏi ao ước thầm và bật thốt “giá như”.
Bởi lẽ năm nào giáo viên cũng ngậm ngùi bằng lòng với khoản thưởng Tết ngót nghét… vài trăm nghìn đồng. Cũng gọi là “lương tháng 13” nhưng mức thưởng chỉ cần chạm mốc hơn nửa triệu đồng là đã đủ khiến người thầy phơi phới vui.
Từ khi thực hiện chế độ khoán tài chính cho nhà trường và quy chế chi tiêu nội bộ, nhiều trường học đã cố gắng tiết kiệm để cuối năm có khoản dôi dư cho giáo viên ấm lòng.
Người người ôm ấp niềm mong chờ một khoản nho nhỏ để dăm ba ngày Tết đậm đà hương vị “Ngày ba mươi Tết thịt treo trong nhà”.
Thế rồi điện thoại báo tin nhắn và tài khoản cộng vào… 500.000 đồng. Lòng hụt hẫng chút xíu bởi khoản thưởng cuối năm quá khiêm tốn. 500.000 đồng chi tiêu thế nào trong thời buổi vật giá đồng loạt leo cao như thế này?
Rồi mọi người nhắn nhủ nhau “có còn hơn không” và tự an ủi “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Bởi trông lên chẳng bằng ai nhưng nhìn lại cũng may mắn hơn nhiều người.
Bao người mất việc, thất nghiệp, giảm thu nhập và cả nợ nần chồng chất. Rồi những nhà giáo công tác ở vùng sâu, vùng xa nữa, họ đã quen với việc thưởng Tết là “con số 0 tròn trĩnh”.
Dẫu là thế, lòng vẫn mong mỏi đến thiết tha về những đổi thay tích cực về chế độ lương thưởng được cải thiện phần nào để Tết đến xuân về, nhà giáo cũng ấm áp như người ta, bớt chộn rộn lo toan, bớt xoay xở đủ kiểu, bớt đắp đổi này kia…
Người thầy quanh năm suốt tháng vẫn bằng lòng với cuộc sống thanh đạm bởi mức lương khiêm tốn. Người thầy vẫn thường “lụy” ngân hàng mỗi khi có việc lớn: sửa nhà, sắm xe, bệnh tật và cặm cụi trả góp bằng lương.
Rồi cuối năm mong chờ một khoản kha khá sắm sửa đồ đạc, bày biện nhà cửa, lo mâm cúng gia tiên… Và chạnh lòng trước vài trăm nghìn thưởng Tết đối diện cảnh thiếu trước hụt sau.
Nghề giáo được mặc định là nghề “trồng người” phải an yên sống thanh cao, phải bằng lòng sống thanh đạm. Nhưng “có thực mới vực được đạo”, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả của nhà giáo cần được quan tâm san sẻ nhiều hơn.
Lương tháng 13 sẽ là niềm động viên lớn lao và nguồn động lực to lớn để người thầy an yên mỗi khi Tết đến xuân về! Mong lắm thay đời sống người giáo viên được chăm lo tốt hơn trong tương lai gần…
Nguồn: tuoitre.vn