Một số cơ sở kinh doanh bưởi ở ĐBSCL phản ánh, thời gian qua thương lái Trung Quốc thường có những yêu cầu lạ đời, cụ thể là đòi mua bưởi non hoặc dán tem có hình bản đồ Việt Nam (không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa)…
Ngày 19-5, tại TP.Cần Thơ, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) đã tổ chức tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để kinh doanh hiệu quả với thị trường Trung Quốc”.
Tại đây, ông Phan Hoài Phong – đại diện Cơ sở Hương Miền Tây ở tỉnh Bến Tre (chuyên bao tiêu sản phẩm GAP và cung cấp bưởi da xanh cho thị trường nội địa và xuất khẩu) thông tin, thời gian qua cơ sở này đón tiếp rất nhiều thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc.
Thương lái Trung Quốc đến ĐBSCL yêu cầu mua bưởi theo kiểu lạ đời (Trong ảnh, người dân thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long thu hoạch bưởi). Ảnh: H.X
Tuy nhiên, bên cạnh những thương lái, doanh nghiệp làm ăn chân chính, đàng hoàng cũng thường xuất hiện trường hợp thương lái Trung Quốc yêu cầu lạ đời, đòi mua bưởi non hoặc dán tem có hình bản đồ Việt Nam (không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa)…
“Có lúc, một số thương lái đến đặt mua 1 – 2 container bưởi non thay vì bưởi chín. Hoặc nhiều khi yêu cầu dán tem hình bản đồ Việt Nam nhưng không có hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa lên trái bưởi. Với những yêu cầu lạ đời trên, chúng tôi kiên quyết không làm” – ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, do từng làm ăn nhiều với thương lái, doanh nghiệp Trung Quốc nên có nhiều kinh nghiệm. Ông Phong lưu ý, với thị trường này, vấn đề tiền bạc phải sòng phẳng, trước mỗi đơn hàng, người mua phải đặt trước 50% giá trị, khi hàng đóng vào container thì phải giao đủ tiền, lúc đó chúng ta mới cho xe lăn bánh đi.
“Có trường hợp họ viện cớ là ngày cuối tuần, ngân hàng không làm việc nên xin vận chuyển trước, đến thứ hai sẽ thanh toán qua ngân hàng nhằm ăn gian” – ông Phong cho biết.
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, có khá nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh này từng vướng khó khăn khi làm ăn với Trung Quốc. Cụ thể là thương nhân Trung Quốc khi đàm phán mua gạo với doanh nghiệp Long An thì trả giá rất cao nhưng khi gạo sang đến biên giới thì họ lấy lý do rằng, giá gạo trong nước đang giảm để ép doanh nghiệp Việt Nam phải hạ giá hoặc hủy đơn hàng.
Theo TS Võ Hùng Dũng – Giám đốc VCCI Cần Thơ, khoảng 2 năm trở lại đây, nhất là 3 tháng đầu năm 2017, thị trường Trung Quốc nhập khẩu rất mạnh 4 mặt hàng nông sản của ĐBSCL là trái cây, lúa gạo, tôm và cá tra. Riêng đối với con cá Tra, Trung Quốc đã giành vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, ĐBSCL không hiểu lắm tập quán thị trường, hành vi của người Trung Quốc nên đã chịu tác động lớn của nhà nhập khẩu.
Theo Danviet.vn