Đơn vị đặc nhiệm 525 được trang bị hiện đại nhất quân đội Triều Tiên, có nhiệm vụ bảo vệ lãnh đạo nước này trước mọi mối đe dọa.
Triều Tiên lần đầu tiên công khai Đơn vị đặc nhiệm số 525 trong lễ duyệt binh hoành tráng hồi tháng 4/2017, nhân dịp kỷ niệm 105 năm ngày sinh cố chủ tịch Kim Nhật Thành. Đây được coi là đơn vị tinh nhuệ nhất của quân đội Triều Tiên, sẵn sàng xả thân bảo vệ lãnh đạo Kim Jong-un trước mọi mối đe dọa, theo National Interest.
Các thành viên đội đặc nhiệm 525 được trang bị vũ khí, khí tài không thua kém các lực lượng đặc nhiệm phương Tây, như kính nhìn đêm, áo chống đạn, mũ sắt. Vũ khí tiêu chuẩn của họ là khẩu súng trường tấn công Type-98-1 lắp băng đạn hình trụ đặc biệt, có thể chứa hơn 100 viên đạn, tạo hỏa lực chế áp đáng sợ khi tác chiến tầm gần trong đô thị.
“Một khi Lãnh đạo Tối cao Kim Jong-un ra lệnh, họ sẽ quyết tấn công nhằm thọc lưỡi gươm vào trái tim kẻ thù như tia chớp trên Đỉnh Paektu”, truyền hình nhà nước Triều Tiên bình luận về đơn vị này, nhắc đến ngọn núi cao nhất trên bán đảo Triều Tiên.
Theo NI, Triều Tiên có lực lượng đặc nhiệm quy mô nhất thế giới với quân số lên đến 200.000 người, bao gồm cả nam và nữ, được đào tạo trong điều kiện đặc biệt. Lực lượng này được huấn luyện để có thể hoạt động trên khắp bán đảo Triều Tiên và bên ngoài để tấn công các đối thủ của Bình Nhưỡng.
Theo NI, Bình Nhưỡng phát triển 25 lữ đoàn đặc nhiệm và 5 tiểu đoàn đặc nhiệm chuyên làm nhiệm vụ tấn công ở vùng phi quân sự – DMZ hoặc đổ bộ bằng dù và ám sát.
Cục huấn luyện bộ binh hạng nhẹ, thuộc Quân đội Triều Tiên có chức năng tương đương với Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt Mỹ, chuyên điều phối các lực lượng đặc biệt của quân đội, từ không quân cho đến hải quân.
Trong số 200.000 đặc nhiệm Triều Tiên, có 150.000 thuộc đơn vị bộ binh hạng nhẹ. Họ di chuyển đường bộ, nhiệm vụ trực tiếp là thâm nhập hoặc đánh thọc sườn đối phương để phủ đầu hoặc kết nối các cuộc tấn công đợt sau vào lực lượng địch.
Theo NI, địa hình đồi núi của Triều Tiên thích hợp với lối tấn công này, ngoài ra, họ còn sở hữu hệ thống đường hầm chằng chịt, phức tạp quanh khu vực DMZ.
Trong số đặc nhiệm Triều Tiên, có 8 lữ đoàn bắn tỉa, 3 cho lục quân, 3 cho không quân và 2 cho hải quân. Mỗi lữ đoàn có khoảng 3.500 binh sỹ, được chia thành 7-10 tiểu đoàn. Những đơn vị này có các nhiệm vụ khác nhau nhưng tương đối giống Ranger, Đặc nhiệm và SEAL của quân đội Mỹ.
NI cho biết, các lữ đoàn bắn tỉa này được huấn luyện để làm nhiệm vụ thám sát chiến lược và các nhiệm vụ trực tiếp như ám sát, tấn công mục tiêu cao cấp, mục tiêu kinh tế, phá hủy vũ khí hoặc ngăn chặn các cuộc tấn công của đối phương.
Tạp chí quân sự này nói thêm, các đặc nhiệm Triều Tiên thường mặc thường phục hoặc thậm chí là đồng phục của quân đội Mỹ hay Hàn Quốc. Trong mỗi lữ đoàn bắn tỉa lại có một trung đội từ 30-40 nữ quân nhân, được đào tạo để chiến đấu trong trang phục của dân thường.
Trong lễ duyệt binh kỷ niệm 105 năm ngày sinh của Chủ tịch vĩnh viễn Kim Nhật Thành, lực lượng đặc nhiệm của Triều Tiên đã có lần xuất hiện hiếm hoi. Họ mặc quân phục rằn ri, vai đeo loại súng trường cải tiến Kalashnikov và miệng hô vang các khẩu hiệu ủng hộ nhà lãnh đạo Kim Jong Un khi diễu binh ngang qua quảng trường Kim Nhật Thành.
Khi đó, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin đây là lần đầu Triều Tiên thành lập lực lượng đặc nhiệm. Dù vậy, nhiều báo cáo về lực lượng này đã được đưa ra trong quá khứ.
Số lượng chính xác và năng lực tác chiến của lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên vẫn còn là bí mật. Dù vậy, theo một báo cáo năm 2015 do Bộ Quốc phòng Mỹ trình lên Quốc hội, Triều Tiên có ít nhất 180.000 đặc công, tương đương số lượng quân thường trực của Thủy quân Mỹ.
Theo Dân việt