Các chuyên gia cho rằng dù ở góc độ thông lệ quốc tế hay Luật Phòng chống Tác hại Thuốc lá (PCTHTL) Việt Nam, thì thuốc lá làm nóng (TLLN) vẫn nên được xếp vào nhóm “thuốc lá”.
Theo các luật sư, cơ sở về mặt luật pháp để xếp một sản phẩm thuộc hay không thuộc nhóm “thuốc lá” cần dựa trên việc sản phẩm đó có “được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá” hay không.
Căn cứ vào định nghĩa này, hiện tại chưa đủ cơ sở để xếp thuốc lá điện tử (TLĐT) thuộc nhóm “thuốc lá”, vì sản phẩm này không có nguyên liệu thuốc lá, mà chỉ làm hóa hơi dung dịch có chứa hoặc không có chứa nicotine.
Nhưng với TLLN, hoàn toàn có thể kết luận đây là một sản phẩm thuốc lá.
Và dù TLLN được chứng minh là sản phẩm có khả năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu đốt cháy, đó cũng không phải là một sản phẩm an toàn tuyệt đối để có thể “vô tư” nằm ngoài sự quản lý của Luật PCTHTL như hiện nay.
Luật PCTHTL của Việt Nam: Thuốc lá làm nóng là sản phẩm thuốc lá “dạng khác”
Ông Phạm Sĩ Hải Quỳnh, luật sư thành viên của Công ty Luật TNHH Quốc tế Việt Nam (VILAF- Hồng Đức, TP.HCM) dẫn định nghĩa của Luật PCTHTL Việt Nam: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”.
Theo đó, ông Quỳnh cho rằng, quy định này thể hiện, ngoài những dạng cơ bản được liệt kê, pháp luật Việt Nam còn thừa nhận thuốc lá ở “dạng khác”.
Phân tích về TLLN, luật sư Phạm Sĩ Hải Quỳnh cho hay, TLLN bao gồm sản phẩm thuốc lá đặc chế và hệ thống làm nóng sản phẩm này.
TLLN hoạt động bằng thiết bị điện để làm nóng nguyên liệu bên trong để tạo ra nicotine. Do có nguyên liệu thuốc lá chứa trong sản phẩm đặc chế và như giải thích ở trên nên về góc độ luật pháp, TLLN được xem là “dạng khác” theo định nghĩa tại của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.
Vậy tại sao Luật PCTHTL Việt Nam không quy định cụ thể với các sản phẩm TLLN, TLĐT như quy định đối với thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào,…?
Trả lời câu hỏi này, luật sư Tạ Minh Trình (Thành viên Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích rằng vào thời điểm năm 2012, các nhà lập pháp chưa dự liệu được hết các dạng của thuốc lá hiện đại.
Tuy nhiên, luật sư Tạ Minh Trình cũng khẳng định, Luật tại thời điểm này định nghĩa rõ thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá (…), và định nghĩa rõ nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng sợi hoặc tấm đã sơ chế.
Theo đó, luật sư Tạ Minh Trình nhận định, TLLN dù là thiết bị điện tử nhưng nguyên liệu được làm nóng để tạo ra nicotine là từ lá thuốc lá, nên thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật hiện hành.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO): Thuốc lá làm nóng là thuốc lá
Được biết, Hội nghị lần thứ 8 các nước thành viên (COP8) thuộc Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì năm 2018 cũng khẳng định sản phẩm TLLN là thuốc lá.
Theo đó, FCTC khuyến nghị các nước quản lý sản phẩm này theo Công ước khung và các luật kiểm soát thuốc lá của nước sở tại.
Ngoài ra, Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) cũng xếp thuốc lá làm nóng vào nhóm các sản phẩm thuốc lá, mặc dù phân biệt rõ với thuốc lá điếu đốt cháy.
Bên cạnh các tổ chức này, ngày càng nhiều tổ chức Y tế công xếp TLLN là sản phẩm thuốc lá, và đưa vào quản lý dưới luật phòng chống tác hại thuốc lá của nước sở tại. Đơn cử như tại Mỹ, tháng 7-2020, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã phê duyệt cho sản phẩm thuốc lá làm nóng đầu tiên được kinh doanh tại quốc gia này như là “Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ” (MRTP) cùng với chỉ định “Giảm thiểu phơi nhiễm”.
FDA nhấn mạnh sản phẩm chỉ dành cho người hiện đang hút thuốc có nhu cầu chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng các chất gây hại ít hơn so với thuốc lá điếu.
Các chuyên gia cho rằng, mặc dù số liệu cho thấy ít khả năng TLLN thu hút giới trẻ, nhưng cũng không nên chủ quan mà cần sớm đưa sản phẩm này vào quản lý dưới luật, và điều này là hoàn toàn phù hợp với điều kiện quốc tế lẫn quốc gia.
Theo các chuyên gia, TLLN và TLĐT đều có sự hỗ trợ của phụ kiện điện tử để làm nóng thuốc lá (đối với TLLN) và dung dịch nicotine (đối với TLĐT) mà không diễn ra quá trình đốt cháy và không tạo khói.
TLĐT gồm thiết bị điện tử có chức năng làm nóng dung dịch, tạo ra khí hơi (aerosol) có chứa nicotine. TLĐT có hai dạng là hệ thống đóng và hệ thống mở.
Trong sản phẩm TLĐT hệ thống mở, người dùng có thể bổ sung các hợp chất theo ý muốn. Đối với TLĐT hệ thống đóng, người dùng phải sử dụng đầu chứa dung dịch được nhà sản xuất thiết kế dành riêng cho thiết bị mà không thể thêm bớt hay điều chỉnh thiết bị.
TLLN khác biệt so với TLĐT ở hai điểm mấu chốt. Thứ nhất TLLN làm nóng nguyên liệu thuốc lá thay vì làm nóng dung dịch nicotine như thuốc lá điện tử và thứ hai là người dùng không thể tự ý thay đổi thành phần cấu tạo hay trộn bất cứ thứ gì khi đưa sản phẩm thuốc lá vào trong thiết bị để làm nóng.
Nguồn: tuoitre.vn