Đã có nhiều học sinh bị loạn thần, ảo giác hoặc suy hô hấp, thậm chí suýt tử vong sau khi hút thuốc lá điện tử. Dẫu vậy, thực trạng học sinh hút thuốc lá điện tử vẫn đang gia tăng vì được cho rằng “sang chảnh, vô hại”.
Bệnh nhân hôn mê, tổn thương đa tạng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử
Các bác sĩ cảnh báo, ở lứa tuổi học sinh, do thể chất đang phát triển nên khả năng gây ra tác hại đối với sức khỏe khi hút thuốc lá điện tử sẽ nhiều hơn so với người trưởng thành.
Hôn mê, suy đa tạng vì thuốc lá điện tử
Tháng 7-2022, bệnh nhân nữ K.N. (20 tuổi) cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê sâu, mất ý thức sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Qua kiểm tra đánh giá, N. có tổn thương đa cơ quan nặng nề, suy tim, não có tổn thương, tổn thương gan, thận, tình trạng rất nặng. Trước đó, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh.
Mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng đã được gửi đi xét nghiệm tại Viện Pháp y quốc gia. Qua xét nghiệm, các chuyên gia tìm thấy một chất cần sa tổng hợp là ADB – BUTINACA.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – giám đốc Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai – cho biết gần như ngày nào bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân ngộ độc nhập viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử, chủ yếu là giới trẻ.
Bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật, vã mồ hôi, tụt huyết áp, tổn thương đa tạng, tổn thương não, những biểu hiện của ngộ độc ma túy.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử, chưa nói đến ma túy, đã chứa 60 dạng hóa chất chưa đốt cháy, ở dạng khói có khoảng hơn 50 hóa chất.
Trong đó, có rất nhiều loại hóa chất khác nhau và có thể gây tổn hại các cơ quan khác nhau, làm tăng khả năng mắc ung thư.
Đặc biệt, trong thuốc lá điện tử có thành phần vitamin E, khi đốt cháy sẽ tạo nên thành phần độc gây tổn thương phổi.
Tại Việt Nam, qua kiểm nghiệm cũng phát hiện trong dung dịch thuốc lá điện tử có chứa vitamin E. Vì vậy, khi sử dụng lâu dài trong tương lai sẽ là mối nguy hại lớn cho sức khỏe cộng đồng.
Tại Bệnh viện Nhi trung ương cũng từng tiếp nhận trường hợp bệnh nhi 12 tuổi nhập viện trong tình trạng khó thở, co giật, chóng mặt, run tay chân sau khi hút thuốc lá điện tử tự mua trên mạng.
Bác sĩ Ngô Anh Vinh – phó trưởng khoa sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi trung ương – cho biết thuốc lá điện tử chứa nicotine là chất gây nghiện, vì thế trẻ có thể vật vã khó chịu khi sử dụng.
“Nicotine có thể gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng đến trí tuệ do não bộ của trẻ chưa hoàn thiện. Thậm chí có thể gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ, suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng” – bác sĩ Vinh cho hay.
BS Nguyễn Hải Công – chủ nhiệm khoa lao và bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) – cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân đến khám và điều trị các vấn đề về hô hấp có liên quan đến thuốc lá như viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, xơ phổi, giãn phế quản…
Đặc biệt trong các bệnh nhân trên có cả học sinh, thanh thiếu niên và ghi nhận số lượng này có xu hướng tăng. Phần lớn họ nhập viện cấp cứu do tổn thương đường hô hấp cấp tính hoặc đến khám vì mắc các bệnh lý viêm phế quản, viêm phổi có liên quan đến hút thuốc lá điện tử.
Các mẫu dung dịch có trong thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng được lưu trữ tại Bệnh viện Bạch Mai
Lượng nicotine rất cao, giảm khả năng học tập
Bác sĩ Trần Thị Thúy Tường – khoa thăm dò chức năng hô hấp Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy các sản phẩm thuốc lá đều độc hại và đến nay ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy thuốc lá điện tử cũng gây nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng tương tự thuốc lá thông thường.
Kết quả của một cuộc nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra hàm lượng nicotine của thuốc lá điện tử có thể lên đến 24mg, trong khi đó, lượng nicotine trong thuốc lá truyền thống lại ở mức 4mg.
“Thuốc lá điện tử rất có hại cho sức khỏe” – bác sĩ Tường khẳng định và cho hay thuốc lá điện tử dễ khiến người hút trở thành người nghiện, nguy hiểm hơn khi một số nơi còn trộn lẫn cả cần sa hoặc một chất nào đó vào tinh dầu.
Đặc biệt, các hoạt động mua bán thuốc lá điện tử ngày nay vẫn chưa được cơ quan kiểm duyệt quan tâm đúng mức nên người bán vẫn có thể pha trộn tùy thích.
Ở lứa tuổi học sinh, bác sĩ Tường cho hay do thể chất đang phát triển nên khả năng gây tác hại còn nhiều hơn so với người trưởng thành.
Nguy hiểm hơn, lứa tuổi này lại có tâm lý thích tò mò nên càng dễ bị sa lầy. Nếu hút trong thời gian dài, các em sẽ giảm đi sự chú ý, thay đổi tính cách và có nhiều hành động thất thường, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất chính là suy giảm khả năng học tập.
Trà trộn ma túy
Một vấn đề mà các chuyên gia lo lắng hơn cả đó chính là việc trà trộn ma túy vào thuốc lá điện tử. Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên cho hay dung dịch sử dụng trong thuốc lá điện tử có thể tự gia giảm, dễ dàng để đưa các loại ma túy vào để sử dụng.Việc kiểm soát các loại chất trong thuốc lá điện tử rất khó. Các hỗn hợp này chứa các loại ma túy, cần sa tổng hợp (không phải cần sa cổ điển, tự nhiên, khó xét nghiệm) và chứa hàng trăm chất thay đổi khác nhau, mỗi ngày có một chất mới.Những trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử được tiếp nhận tại bệnh viện sau khi kiểm nghiệm dung dịch đều phát hiện có chứa ma túy tổng hợp.
Độc hại sao vẫn hút?
Một học sinh ở Hà Nội đang sử dụng thuốc lá điện tử
Nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến, phản hồi về loạt bài “Thuốc lá điện tử tấn công học trò”, bày tỏ sự lo ngại đồng thời đề xuất giải pháp để ngăn chặn hiểm họa “cái chết thơm”. Xin trích đăng một số ý kiến.
* Tại sao đến giờ này ta vẫn chưa ra luật cấm thuốc lá điện tử? Nó độc hại như thế nào, đã có bài học trước mắt với việc nhiều em học sinh phải nhập viện, nhiều người trẻ sốc thuốc, nhiều gia đình khốn khổ… Nhiều nước đã cấm tiệt loại sản phẩm độc hại này, mà nực cười thay chúng ta vẫn có người đề nghị đưa vào diện quản lý – tức là đề nghị cho bán và quản lý! Là một phụ huynh có hai con nhỏ, tôi đề nghị cấm tiệt thuốc lá điện tử. (voki****@…)
* Mặc dù đã được cảnh báo nhiều về nguy hại của thuốc lá điện tử nhưng tình trạng người trẻ, trong đó có học sinh, hút thuốc lá điện tử vẫn ngày càng gia tăng. Học sinh phát triển trong tổng hòa các mối quan hệ, gia đình, nhà trường và xã hội. Muốn con em mình không mắc tệ nạn nghiện hút thì phụ huynh phải phối hợp với nhà trường cùng xã hội để ngăn chặn. (hungphamthiet0401@…)
* Chúng đem cả vào trường cấp I rồi, mời các con hút, dụ dỗ hút các mùi vị rất ngon. Trẻ cấp I chưa hiểu biết, rất dễ bị rủ rê cùng hút. (tranmychi45@…)
* Thuốc lá độc hại, gây rất nhiều bệnh tật. Hiện nay người Việt vô tư vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng, khói thuốc lá bao vây từ ngoài đường về đến nhà… (daot****@…)
Nguồn: tuoitre.vn