Hệ lụy lớn nhất của nạn mua bán thuốc lá điện tử (TLĐT) lậu là những ảnh hưởng tới sức khỏe người sử dụng, nhất là thế hệ trẻ.
Nhiều chiêu trò khác nhau được giới mua bán TLĐT lậu sử dụng để thu hút giới trẻ.
Những ngày gần đây, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai liên tiếp tiếp nhận các ca bệnh là thiếu niên nhập viện do ngộ độc thuốc lá điện tử. Thậm chí có nhóm trẻ tiểu học ở Hà Nội bị ngộ độc sau khi dùng thuốc lá điện tử nhặt được trên đường, cho thấy sự phổ biến của sản phẩm này trên thị trường và cần những biện pháp ngăn chặn.
Mua là bán
Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP (có hiệu lực từ 15-10-2020), hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt tới 4 triệu đồng. Lợi dụng kẽ hở, các cá nhân, tổ chức buôn lậu phớt lờ quy định, cứ có người mua là bán, không cần quan tâm bao nhiêu tuổi.
Trên lý thuyết, TLĐT và tất cả các loại thuốc lá thế hệ mới(TLTHM) đều chưa được phép kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, đồng nghĩa với bị cấm. Thế nhưng trên thực tế sản phẩm này đang rất dễ mua, ngày càng phổ biến với chủng loại phong phú.
Chọn một website bán hàng online hiển thị ở nhóm kết quả đầu tiên khi tra Google, chúng tôi nhận thấy dưới website có dòng cảnh báo “Sản phẩm tại website này không dành cho trẻ vị thành niên, chỉ dành cho những người trên 18 tuổi”.
Tuy nhiên, khi thử liên lạc đặt hàng, thì quy trình mua – bán diễn ra hết sức nhanh gọn mà không hề có bất kì yêu cầu xác minh độ tuổi nào từ người bán hàng.
Tình trạng TLĐT được bày bán vô tư như kể trên không phải cá biệt, thậm chí trên các sàn thương mại điện tử lớn, người mua vẫn có thể dễ dàng đặt mua các sản phẩm này.
Tiktok trở thành chợ đen mua bán trái phép TLĐT
Cần biện pháp mạnh
Tại các nước thương mại hoá TLTHM, bao gồm cả TLĐT, chính phủ khuyến cáo và đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ cũng như đối với thuốc lá điếu để ngăn cấm giới trẻ tiếp cận. Tuy nhiên tại Việt Nam, có tình trạng các tay buôn lậu sẵn sàng dụ dỗ thanh thiếu niên, học sinh thử và sử dụng sản phẩm.
Như một hệ quả, tỉ lệ sử dụng TLĐT lậu trong giới trẻ tại Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 mới chỉ là 0.2% thì đến năm 2019, điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại 21 tỉnh, thành của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút TLĐT, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.
Nhiều trường hợp ngộ độc ma túy ẩn dưới vỏ bọc TLĐT lậu được phát hiện trong thời gian vừa.
Nhiều năm trước đó, các chuyên gia đã cảnh báo, nếu không sớm có biện pháp quản lý kịp thời, tỉ lệ này sẽ còn tăng lên. Thực tế cho thấy, trong thời gian vừa qua, đã xảy ra nhiều trường hợp học sinh THPT, thậm chí THCS bị ngộ độc ma túy và các chất cấm khác, sau khi sử dụng TLĐT trá hình mua trên mạng hoặc chuyền tay nhau.
Như vậy, bên cạnh các loại bánh kẹo, thức uống, sản phẩm chức năng…, TLĐT lậu đã trở thành vỏ bọc cho các loại ma túy thế hệ mới núp bóng tấn công người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Nói về vấn đề này trong hội thảo tổ chức tại Hà Nội cuối tháng 12-2022 vừa qua, ông Lê Đại Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật dân sự – kinh tế, Bộ Tư pháp cũng nêu rõ các cơ quan quản lý cần phân định rõ giữaTLĐT và ma túy. Sản phẩm chứa ma túy, chất cấm núp bóng dưới vỏ bọc TLĐT thì không còn được coi là sản phẩm thuốc lá nữa, và đương nhiên ma túy thì thuộc danh mục hàng hóa bị cấm.
Có thể thấy, hệ lụy của nạn buôn lậu TLTHM nói chung và TLĐT nói riêng là cực kỳ phức tạp. Cần thêm các chế tài nghiêm ngặt đối với nhà bán lẻ, nâng cao nhận thức cho giới trẻ về tác hại của thuốc lá nói chung và quản lý chặt, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu TLĐT.
Luật phòng chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) điều 9 cũng quy định không cho phép người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Còn tại điều 29 Nghị định 117/2020 ngày 28-9-2020 quy định các vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nêu rõ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.
Chính sự thiếu sót này đã vô hình trung tạo kẽ hở cho giới đầu cơ buôn lậu ung dung làm giàu bất chấp sức khoẻ cộng đồng.
Nguồn: tuoitre.vn