Hiện có nhiều cơ sở sản xuất thuốc gia truyền quảng cáo tràn lan trên tivi, mạng xã hội vượt vi phạm cho phép, thế nhưng tại TP.HCM chỉ kiểm tra 30 trong 1.548 cơ sở y học cổ truyền tư nhân.
Chiều 26-1, Sở Y tế TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết kế hoạch hành động về phát triển y, dược cổ truyền TP.HCM giai đoạn 2012 – 2020 tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Báo cáo tại hội nghị, ông Đỗ Văn Dũng – trưởng phòng nghiệp vụ dược Sở Y tế TP.HCM – cho biết, sau 5 năm, số lượng các bệnh viện quận có bộ phận y học cổ truyền; phòng y tế có cán bộ chuyên trách y học cổ truyền đều tăng. Riêng hệ thống y học cổ truyền tư nhân là 1.548 cơ sở.
Về các lô dược liệu, tất cả đều được kiểm soát 100%, có giấy chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, giấy chứng nhận đầu vào, phiếu kiểm nghiệm. Kiểm tra 1.801 mẫu, kết quả không có mẫu vi phạm chất lượng.
Tuy nhiên, ông Dũng cho hay ngành y tế TP còn thiếu cán bộ chuyên trách quản lý y học cổ truyền; cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn các khoa y học cổ truyền chưa đáp ứng yêu cầu điều trị. Đặc biệt tỉ lệ sử dụng thuốc y học cổ truyền còn thấp, lệ thuộc nguồn dược liệu nhập khẩu và bài thuốc y học cổ truyền bị thất lạc.
Trước khó khăn và thuận lợi nêu trên, Sở Y tế TP.HCM kiến nghị Bộ Y tế ban hành đầy đủ tiêu chuẩn dược liệu và vị thuốc cổ truyền, cơ chế kiểm soát dược liệu, khuyến khích nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực y học cổ truyền cũng như quy định về việc công nhận bài thuốc gia truyền.
Ông Nguyễn Thế Thịnh – Cục Quản lý y, dược cổ truyền Bộ Y tế – cho rằng hiện có rất nhiều cơ sở sản xuất thuốc gia truyền, cổ truyền quảng cáo tràn lan trên mạng xã hội, truyền hình vượt phạm vi cho phép. Theo ông Thịnh, TP.HCM kiểm tra 30 trong 1.548 cơ sở y học cổ truyền tư nhân là quá ít.
“Quảng cáo các bài thuốc gia truyền khắp nơi, nào điều trị tận gốc, không gây hại. Chúng tôi rất đau đầu. Vấn đề là làm sao xây dựng các bài thuốc gia truyền ngày càng phát triển trên khoa học, bằng chứng” – ông Thịnh nói.
Ông Thịnh cho biết thêm, một cơ sở sản xuất thuốc gia truyền sau khi được Sở Y tế địa phương cấp giấy phép, chỉ lưu hành trong phạm vi tỉnh. Nếu bài thuốc gia truyền được lưu hành toàn quốc thì phải do Bộ Y tế và cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý y dược cổ truyền cấp phép.
Sắp tới, Bộ Y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và phát triển y học cổ truyền nhằm truy xuất nguồn thuốc và dược liệu y học cổ truyền một cách rõ ràng, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra ngành y dược cổ truyền tư nhân.
Nguồn: tuoitre.vn