Việt Nam chưa từng đưa thuốc kháng virus vào phác đồ điều trị Covid-19 do hiệu quả từ các kết quả thử nghiệm lâm sàng chưa rõ ràng.
Các nhà khoa học Viện hoá học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa báo cáo tổng hợp thành công thuốc Favipiravir trong phòng thí nghiệm.
Thuốc Favipiravir có tác dụng tương tự như Remdesivir nhằm ngăn chặn sự nhân lên của virus SARS-CoV-2. Nhiều quốc gia từng phê duyệt thử nghiệm lâm sàng thuốc này trong phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Favipiravir chưa có hiệu quả rõ ràng
Tuy nhiên tại Việt Nam, BS CKII Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, nước ta chưa sử dụng Favipiravir hay Remdesivir trong phác đồ điều trị bệnh nhân Covid-19.
Trong phác đồ mới nhất (phiên bản 5) vào cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Y tế khẳng định đã có nhiều thuốc kháng virus được thử nghiệm trên thế giới nhưng chưa có hiệu quả rõ ràng nên Bộ chưa có khuyến cáo áp dụng.
“Đến nay chưa có thuốc kháng virus nào được công nhận về hiệu quả trong thực tế điều trị. Các thuốc này chỉ giúp ngăn cản hậu quả tổn thương, làm giảm triệu chứng bệnh, không phải để ngăn cản virus”, BS Hà nhấn mạnh.
Thuốc Favipiravir từng được Nhật Bản bào chế thành công từ năm 2014, ban đầu được sử dụng để điều trị bệnh cúm
BS Hà dẫn chứng, Mỹ từng dùng Remdesivir trong phác đồ điều trị Covid-19, kết quả giúp giảm một vài ngày triệu chứng so với nhóm không điều trị và mức độ nhẹ trong khi chi phí điều trị cao nên không có ý nghĩa nhiều.
Phó Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam nhìn nhận, việc các nhà khoa học trong nước tổng hợp thành công Favipiravir là thông tin rất đáng mừng, khẳng định năng lực nghiên cứu của Việt Nam, song để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả của thuốc này cần phải thử nghiệm lâm sàng trên số lượng mẫu lớn, có so sánh mù đôi.
BS Hà cho biết, chiến lược điều trị bệnh nhân Covid-19 của Việt Nam đến làn sóng thứ 4 gần như không thay đổi so với trước. Thế giới có phương pháp gì Việt Nam cũng dùng phương pháp đó.
Thường xuyên hội chẩn các ca bệnh Covid-19 nặng, BS Hà cho biết, biến chủng Delta (biến chủng Ấn Độ) chủ yếu lây lan nhanh, tác động làm bệnh nặng lên chưa rõ ràng. Vì vậy trong điều trị, việc phân loại, sàng lọc bệnh nhân, theo dõi sát là quan trọng nhất. Trường hợp nào có diễn biến xấu phải can thiệp ngay. Đây là cứu cánh để hạn chế tăng bệnh nặng và tử vong.
Chỉ trong vòng 2 tháng qua, số lượng bệnh nhân Covid-19 đã lên trên 14.000 ca, gấp hơn 4 lần so với 3 đợt dịch suốt hơn 1 năm qua.
Dù tỉ lệ bệnh nặng không đổi nhưng khi bệnh nhân tăng lên, số lượng ca nặng phải điều trị tích cực cũng tăng lên.
“Khi có nhiều ca nặng thì cũng sẽ những ca trẻ nhưng thể nặng, đó là phản ứng của cơ thể với virus. Nhưng nếu rơi vào người già, bệnh nền, ung thư thì điều trị rất khó khăn”, BS Hà chia sẻ.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, biến chủng Delta khiến tỉ lệ bệnh nhân không triệu chứng giảm xuống còn khoảng 44% (trước đây là 80%), song số bệnh nhân có thể diễn tiến nặng vẫn chỉ khoảng 20%, các chiến lược điều trị tập trung vào nhóm này. Trong số này, 10% có thể diễn biến từ biểu hiện ho, sốt, khó thở sang cấp cứu; 5% diễn biến chuyển thành nặng và 5% thành rất nặng.
BS Hà cho biế, trước đây Việt Nam từng triển khai phương pháp dùng huyết tương của bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh để điều trị cho các bệnh nhân nặng. Tuy nhiên thế giới đã áp dụng nhiều, tại Mỹ đã điều trị vài nghìn ca nhưng hiệu quả không đáng kể nên tại phác đồ lần 5, Bộ Y tế không còn đề cập.
BS Hà lý giải, huyết tương phải sử dụng từ rất sớm, khi đó chưa biết bệnh nhân nào có thể diễn tiến nặng, nếu dùng cho bệnh nhẹ thì không cần thiết.
WHO khuyến cáo không dùng thuốc kháng virus
Cơn sốt các thuốc kháng virus, đặt biệt là Remdesivir bùng lên vào giữa năm 2020 và kéo dài trong khoảng nửa năm.
Thời điểm đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng từng dùng thuốc Remdesivir để điều trị Covid-19 sau khi một số thử nghiệm lâm sàng cho thấy dùng thuốc kháng virus rút ngắn thời gian có triệu chứng thêm vài ngày.
Trung bình mỗi bệnh nhân Covid-19 sẽ cần dùng 5-6 lọ Remdesivir, với giá trung bình 1,5 triệu đồng/lọ.
Tuy nhiên vào ngày 20/11, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra khuyến cáo: Không nên sử dụng thuốc Remdesivir trong quá trình điều trị người mắc Covid-19 nhập viện bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh do không có bằng chứng cho thấy Remdesivir làm tăng cơ hội sống của người bệnh Covid-19.
Kết quả dữ liệu nghiên cứu từ 7.000 người cho thấy, không có bằng chứng nào cho thấy thuốc Remdesivir có “tác động quan trọng” đến tỉ lệ tử vong, tỉ lệ dùng máy thở, thời gian để cải thiện về mặt lâm sàng cũng như các kết quả quan trọng khác của người bệnh.
Ngà 26/5 vừa qua, nhóm các nhà khoa học của Iran cũng công bố bài báo khoa học trên tạp chí Nature đánh giá về hiệu quả và độ an toàn của Favipiravir trong điều trị Covid-19 dựa trên 37 nghiên cứu.
Bài báo kết luận, Favipiravir giúp đào thải virus nhanh hơn sau 14 ngày nhập viện, tuy nhiên các mốc 7-10 ngày lại không khác biệt. Tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 phải điều trị tích cực cũng không chênh nhau giữa 2 nhóm dùng thuốc và không dùng. Trong khi đó, loại thuốc này lại khiến 13% người thử nghiệm gặp các phản ứng phụ như buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau ngực, tăng men gan và axit uric trong máu.
Nguồn: vietnamnet