Xót xa trước những vườn tiêu bị bệnh vàng lá, thối rễ dẫn đến chậm lớn và từ từ chết dần sau vài tháng, ông Cao Văn Ruyến, 61 tuổi, ở ấp 6, xã Tân Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã tìm ra phương thuốc đặc trị được dùng từ những nguyên liệu gần gũi, dễ tìm là than củi, tro và một số chất phụ gia đi kèm.
Vàng lá, thối rễ là một loại bệnh thường gặp trên cây tiêu. Cụ thể, thời kỳ sau khi đôn phần dây chôn dưới đất ở giai đoạn nhạy cảm này rất dễ bị tổn thương. Chỉ cần sâu hại tấn công một phần trong số mắt rễ nếu không bảo vệ kịp thời, để cây bị sâu hại hay nấm tấn công… cây sẽ phát triển rất kém. Đây là hai bệnh khiến cho người nông dân trồng tiêu gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm phương thuốc trị loại bệnh này.
Từ khó khăn đó, ông Cao Văn Ruyến đã tìm ra giải pháp trị bệnh vàng lá, thối rễ cho cây tiêu từ than và tro củi kết hợp một số chất phụ gia đi kèm. Theo ông Ruyến, tro và than chứa rất nhiều nguyên tố như kali, can xi, magiê, sắt, phốt pho, lưu huỳnh, bo… Tro và than có thể thay thế phân phốt pho và phân kali. Bản thân tro và than không diệt được sâu bệnh, nhưng tro và than tạo ra một môi trường “khó nhằn” cho sâu bệnh, làm cho lá trở nên cứng cáp.
Bên cạnh đó, than và tro còn có tác dụng thoát nước nhanh chóng trong nước và làm tăng độ PH trong đất. Tro và than có nhiệm vụ tiêu độc, giữ độ ẩm cung cấp ngược lại cho cây khi gặp thời tiết nắng nóng, chỉ còn 1kg than hay tro là giữ được khoảng 3 lít nước, từ đó góp phần tiêu diệt mầm bệnh cho gốc, rễ và tạo điều kiện cho rễ phát triển.
![]() |
Ông Cao Văn Ruyến (ngồi) kiểm tra tình trạng cây tiêu sau khi được chữa trị |
Ông Ruyến cho biết, cách làm rất đơn giản là dùng máy đào 4 lỗ xung quanh gốc tiêu bị bệnh với chiều rộng khoảng 15cm, chiều sâu hố khoảng 80cm. Sau đó, đổ đầy tro hay than công nghiệp đã được nghiền nhỏ đổ đầy các hố, mỗi hố khoảng 2,2 kg tro hay than. Tiếp theo dùng hỗn hợp XR44 (dung dịch này được ông Ruyến tự pha chế ra) pha với 200 lít nước xịt vào thân, gốc cây để vệ sinh gốc, mỗi gốc xịt 5 lít, sau đó vun gốc đường kính khoảng 40cm nhằm giúp thoát nước nhanh trong mùa mưa. Tuyệt đối không được phun trong khi trời mưa. Sau 3 ngày cần bón phân cho tiêu bị bệnh mỗi gốc 2kg phân hữu cơ kết hợp với 0,4kg NPK kết hợp với tưới nước.
Thêm vào đó, trong quá trình chờ tiêu hết bệnh cần phun phân bón lá định kỳ để hỗ trợ cho phục hồi nhanh. Trong 10 tuần không bón bất cứ loại phân nào trên gốc, chỉ tưới nước để giữ độ ẩm cho cây khi trời nắng nhằm đảm bảo cho bộ rễ phát triển tránh trường hợp rễ mới ra non vì bón phân vào sẽ bị cháy rễ. Thời gian sau 30 ngày rễ tiêu sẽ khỏi bệnh và mọc rễ mới.
Dù chưa được công bố trên thị trường, nhưng phương pháp của ông Ruyến đã được nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh áp dụng chữa bệnh cho cây tiêu thành công dưới sự chứng kiến của các cơ quan chức năng.
Ông Dương Văn Cù, ở thôn 6, Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước chia sẻ: “Vườn tiêu của gia đình tôi đến năm thứ 2 thì bị bệnh vàng lá và thối rễ, rất may được ông Ruyến lên tận nơi để trị bệnh cho 80 gốc, sau hơn 1 tháng vườn tiêu của tôi đã lành bệnh và phát triển tốt”.
Có thể nói, việc dùng than, tro và một số chất phụ gia đi kèm là giải pháp tốt giúp người nông dân khắc phục bệnh vàng lá, thối rễ trên cây tiêu. Hy vọng cách làm của ông Cao Văn Ruyến sẽ được nhân rộng nhằm giảm bớt khó khăn cho người nông dân.
Nguồn khoahocthoidai.vn