Năm học 2015-2016, cùng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, Bình Phước cũng thí điểm thực hiện mô hình trường học mới (VNEN) ở bậc THCS. Sau gần 2 năm thực hiện mô hình ở khối 6 và 7 đã có nhiều ý kiến trái chiều. Phần lớn cán bộ, giáo viên cho rằng đây là mô hình mới, có nhiều tín hiệu tích cực, tiến bộ, phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay. Tuy nhiên mô hình này vẫn còn bộc lộ những khó khăn, bất cập cần tìm giải pháp khắc phục.


Trường THCS Quang Trung (Bù Đăng) là một trong 5 trường thực hiện mới mô hình VNEN khối lớp 6 năm học 2016-2017

HỌC SINH MẠNH DẠN, TỰ TIN

Em Đoàn Ngọc Tường Vi, lớp 7A8, Trường THCS Lương Thế Vinh, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành) cho biết: Học theo mô hình VNEN giúp chúng em dễ dàng chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập. Mỗi nhóm khi thảo luận các bạn có thể đưa ra nhiều ý kiến tranh luận rồi tìm ra ý kiến chung nhất, từ đó giáo viên đưa ra nhận xét, kết luận. Phương pháp này giúp các bạn nhanh hiểu bài và mạnh dạn, tự tin trong phát biểu, thảo luận. Vào đầu năm học lớp 6, lớp có 2 bạn nhút nhát, rụt rè ít phát biểu, tham gia các hoạt động của lớp. Từ khi tham gia học nhóm các bạn tự tin, mạnh dạn và kỹ năng giao tiếp cũng tiến bộ hơn. Còn em Nguyễn Công Hậu, lớp 6A9, Trường THCS Minh Hưng (Chơn Thành) chia sẻ: Học theo nhóm tạo điều kiện để mỗi học sinh được thể hiện khả năng của mình, đồng thời giúp các bạn nhanh nhẹn, mạnh dạn, tự tin hơn. Đặc biệt, do là tự học, tự tìm tòi, sáng tạo nên chúng em hiểu bài nhanh, kết quả theo đó cũng cao hơn cách học truyền thống.

Cô Đào Thị Cường, giáo viên môn Văn, Trường THCS Lương Thế Vinh đánh giá: Học theo mô hình VNEN, giáo viên với học sinh và giữa học sinh với nhau dễ dàng tương tác. Các em từ chỗ cắm cúi học đã làm quen với cách học nhóm, dưới sự hướng dẫn của hội đồng tự quản, nhóm trưởng. Từ đó, học sinh học tập sôi nổi, hào hứng hơn.

PHÙ HỢP VỚI XU THẾ PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC HIỆN NAY

Năm học 2015-2016, Trường THCS Lương Thế Vinh là một trong 24 trường THCS trên địa bàn tỉnh thí điểm thực hiện mô hình VNEN ở khối 6. Năm nay, trường có 8 lớp/345 học sinh khối 6 và 8 lớp/330 học sinh khối 7 học theo mô hình VNEN. Cô Phạm Thúy Hằng, Hiệu trưởng cho biết: Mô hình VNEN đem lại phương pháp dạy học hướng vào phát triển con người, biến hoạt động giáo dục của nhà trường thành hoạt động tự giáo dục của học sinh. Với phương pháp này, học sinh tích cực, chủ động, sáng tạo hơn; giáo viên là người cố vấn về tổ chức và tự quản, hướng dẫn tự học, hỗ trợ kịp thời học sinh vượt qua khó khăn trong học tập, rèn luyện. Thành công của mô hình ngoài sự nỗ lực của thầy và trò còn có sự đóng góp tích cực của phụ huynh qua việc đóng góp kinh phí trang trí lớp học, mua sắm sách vở cho con.

Dù còn khó khăn về cơ sở vật chất nhưng năm học 2015-2016, Trường THCS Minh Hưng vẫn mạnh dạn triển khai mô hình VNEN ở khối 6. Đến nay, trường có 9 lớp/314 học sinh khối 6 và 8 lớp/268 học sinh khối 7 học theo mô hình VNEN. Thầy Nguyễn Sỹ Trọng, Hiệu trưởng cho rằng, nội dung của chương trình trường học mới đã lược bỏ những vấn đề rườm rà không cần thiết thông qua xu hướng học tích hợp các môn khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, điều này phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay.

​​​​​​​Học theo mô hình VNEN học sinh mạnh dạn, tự tin và chủ động lĩnh hội kiến thức thông qua hoạt động nhóm. Trong ảnh là học sinh lớp 7A8, Trường THCS Lương Thế Vinh đang được kiểm tra bài cũ môn Văn

Thầy Lê Văn Hoàng, Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Chơn Thành cho biết: Toàn huyện có 3/7 trường THCS dạy học theo mô hình VNEN với tổng số 21 lớp/752 học sinh khối 6 và 19 lớp/687 học sinh khối 7. Với những tín hiệu tích cực từ mô hình, các trường THCS còn lại dù chưa thực hiện nhưng phòng vẫn triển khai đến tất cả giáo viên để được tiếp cận, làm quen dần với phương pháp mới. Khi Sở GD-ĐT cho phép, phòng sẽ mở rộng trong toàn huyện.

VÀ NHỮNG BẤT CẬP

Năm học 2015-2016, toàn tỉnh có 24 trường tham gia mô hình VNEN ở khối 6 và duy trì 100% các lớp này ở khối 7 năm học 2016-2017. Năm học 2016-2017, có thêm 5 trường triển khai thực hiện ở khối 6 nhưng có 14/24 trường ở năm học trước không nhân rộng ở khối 6 mà chỉ duy trì khối 7. Nguyên nhân phần lớn do phụ huynh không ủng hộ. Tại các trường THCS đã thí điểm ở khối 6 năm học 2015-2016 như An Lộc B, An Lộc, Thanh Lương (Bình Long); Lộc Điền, Lộc Hiệp, Lộc Thái (Lộc Ninh); Tân Lập (Đồng Phú), năm học 2016-2017, các trường này vẫn duy trì ở khối 7, nhưng không nhân rộng ở khối 6. Ban giám hiệu các trường cho biết do phần lớn phụ huynh không đồng ý nên không tiếp tục nhân rộng. Cô Nguyễn Thị Kim Yến, Hiệu trưởng Trường THCS An Lộc (Bình Long) cho biết: Vào đầu năm học 2016-2017, trường phát phiếu cho hơn 200 phụ huynh khối 6 đăng ký học lớp VNEN, nhưng chỉ có 2 phiếu đồng ý, còn lại là không. Vì thế, trường không nhân rộng ở khối 6. Đồng thời trường ra thông báo, những học sinh lớp 7 đang học mô hình VNEN có nhu cầu chuyển sang lớp 7 bình thường nhưng không có em nào chuyển.

Ở những đơn vị được phụ huynh ủng hộ, nhưng khi triển khai vẫn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nằm trên địa bàn khu công nghiệp, nơi tập trung đông dân cư nên một số trường THCS ở huyện Chơn Thành luôn quá tải, sĩ số học sinh/lớp luôn vượt quá quy định, như Trường THCS Lương Thế Vinh ở khối 6 trung bình từ 43-44 em/lớp, khối 7 trung bình từ 41-42 em/lớp; Trường THCS Minh Hưng ở khối 6 trung bình 34-35 em/lớp, khối 7 từ 33-34 em/lớp. Ngoài ra, nhiều trường vẫn chưa trang bị đủ bàn ghế 2 chỗ ngồi cho các em, gây khó khăn trong hoạt động nhóm.

Cô Trần Thị Mỹ Thành, Trưởng phòng GD-ĐT thị xã Bình Long cho rằng, nếu đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất và dạy học đúng phương pháp thì mô hình trường học mới rất tốt, phù hợp với xu thế giáo dục hiện nay.

Trả lời câu hỏi tại sao nhiều địa phương khác và cả trên diễn đàn Quốc hội phản đối, thậm chí ngưng thực hiện mô hình VNEN nhưng ở Bình Phước vẫn thực hiện, thầy Trần Ngọc Thắng, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD-ĐT cho rằng, mô hình VNEN chỉ thực hiện được ở những nơi có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, con người và thực hiện trên tinh thần tự nguyện. Thực tế, Bình Phước mới chỉ thí điểm ở một số trường có điều kiện, sau khi tổng kết đánh giá kết quả cụ thể mới tính đến việc nhân rộng hay không. Cái gì mới mà chẳng khó, nhưng khắc phục như thế nào mới là vấn đề.

Nguồn baobinhphuoc.com.vn

Từ khóa : 24h Bình Phướchiệu quả từ mô hình VNENmô hình VNEN

Các tin liên quan đến bài viết