Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu các NH và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hưởng ứng và tích cực triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt 16-6 năm nay.
Công văn nêu rõ triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia và nhằm đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước; tiếp nối thành công hai năm 2019, 2020 của chuỗi sự kiện “Ngày không tiền mặt 16-6” và theo đề nghị của báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Nhà nước đề nghị các NH và tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán hưởng ứng và tích cực triển khai các hoạt động thiết thực trong khuôn khổ Ngày không tiền mặt (16-6) năm nay.
Miễn, giảm phí dịch vụ… cho khách
Ngân hàng Nhà nước cũng đề nghị các ngân hàng nghiên cứu áp dụng các chính sách ưu đãi hợp lý như miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán, tặng quà… để khuyến khích khách hàng, đặc biệt là khách ở khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa tiếp cận trải nghiệm dịch vụ NH như mở thẻ NH, mở mới tài khoản thanh toán…
Các hoạt động chuyển khoản, chi trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán hóa đơn bằng các phương thức thanh toán không tiền mặt như bằng thẻ hay qua ứng dụng điện thoại di động, mã QR, trích nợ tự động… cũng cần có chính sách ưu đãi.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần phối hợp với các đơn vị chấp nhận thanh toán dịch vụ như điện, nước, dịch vụ viễn thông, trang thương mại điện tử, siêu thị, nhà hàng, trung tâm mua sắm… thực hiện các chương trình khuyến mãi, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng.
Để khuyến khích khách hàng thanh toán không dùng tiền mặt, các hình thức khuyến mãi có thể áp dụng như tặng quà, hoàn tiền, giảm giá hàng hóa dịch vụ, tặng điểm thưởng…
Ngoài ra, các ngân hàng cũng nên xem xét ưu đãi phí chiết khấu đối với các đơn vị chấp nhận thanh toán tham gia các chương trình khuyến mãi, quảng bá dịch vụ, tri ân khách hàng trong thời gian diễn ra sự kiện.
Sẽ sớm thí điểm “tiền di động”
Ông Phạm Tiến Dũng, vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, song hoạt động thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng cao. Tính đến cuối tháng 3, thanh toán qua Internet, điện thoại di động, QR code đã thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng.
So với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet đạt 156,2 triệu món với giá trị 8,1 triệu tỉ đồng. Giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt trên 395 triệu món với giá trị hơn 4,6 triệu tỉ đồng. Giá trị giao dịch qua kênh QR code tăng mạnh nhất, lên tới 146% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.479 tỉ đồng với 5,3 triệu món.
Các hệ thống thanh toán quan trọng của Ngân hàng Nhà nước đã xử lý khoảng 25 tỉ USD mỗi ngày. Bên cạnh đó, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán trực tuyến vẫn tiếp tục được Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng triển khai nhằm phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Trong thời gian tới, ông Dũng cho hay Ngân hàng Nhà nước sẽ trình Thủ tướng ban hành Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025. Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thí điểm “tiền di động” (mobile-money), dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ…
Với các tổ chức trung gian thanh toán, Ngân hàng Nhà nước đề nghị phối hợp với các tổ chức liên quan để nghiên cứu, áp dụng các chính sách ưu đãi, khuyến khích như giảm giá, chiết khấu, hoàn tiền, tích điểm thưởng… cho khách hàng sử dụng dịch vụ trung gian thanh toán không dùng tiền mặt.
Riêng các tổ chức trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử nên xem xét miễn, giảm phí, phiếu quà tặng… cho khách hàng đăng ký thành công tài khoản ví với tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng.
Nguồn: tuoitre.vn