Sau khi Bộ GD-ĐT ban hành chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Lịch sử và Địa lý và môn Khoa học tự nhiên, giáo viên đã có nhiều băn khoăn.
Cụ thể, ngày 21/7, Bộ GD-ĐT ra Quyết định 2454 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455 về Chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS dạy môn Lịch sử và Địa lý.
Theo các quyết định này, thời gian bồi dưỡng là 3 tháng.
Chẳng hạn, với chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, việc bồi dưỡng có thể được thực hiện theo 1 trong 2 phương án:
Phương án 1: Học tập trung, liên tục (có thể học vào kỳ nghỉ hè hoặc mỗi tháng 1 đợt từ 3 đến 4 ngày vào cuối tuần).
Phương án 2: Theo hình thức tích lũy tín chỉ. Người học chỉ hoàn thành chương trình bồi dưỡng sau khi tích lũy đủ số tín chỉ quy định.
3 tháng để giáo viên Sử dạy Địa lý, giáo viên Địa lý dạy Lịch sử?
Nhiều giáo viên cho rằng, thời gian 3 tháng có phần gấp gáp khi chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là năm học mới bắt đầu. Trong khi đó, chương trình phổ thông mới đã được phê duyệt từ năm 2018.
Thầy M., giáo viên Lịch sử một trường THCS quận Ba Đình (Hà Nội) cho hay, thầy và nhiều đồng nghiệp không đồng ý với chủ trương tập huấn này. Lý do thầy M. đưa ra là “một người được học và đào tạo bài bản 4 năm trong trường đại học về chuyên môn của môn học khi ra trường dạy còn khó khăn, huống hồ giờ đây hy vọng chỉ bồi dưỡng trong 3 tháng để một giáo viên Lịch sử dạy Địa lý hoặc ngược lại”.
Còn Hiệu trưởng một trường THCS và cũng là giáo viên dạy Sử ở Nghệ An thì cho rằng: “Xem qua với chừng ấy nội dung bồi dưỡng thì thời gian 3 tháng có lẽ sẽ gấp gáp. Chúng tôi đang rất vất vả cho môn tích hợp sắp tới. Bồi dưỡng kiểu này khó mà mang lại hiệu quả ngay được, tôi nghĩ chỉ là giải pháp tình thế để các cơ sở giáo dục bố trí trong kế hoạch chuyên môn”.
Đặc biệt, riêng với giáo viên dạy lớp 6 với SGK mới, thì nhiều ý kiến cho rằng quá cập rập khi năm học mới sắp bắt đầu.
Giáo viên, giảng viên trong một buổi tập huấn cho chương trình phổ thông mới. |
Tuy nhiên, trên mạng xã hội, nhiều người còn xôn xao trước thông tin giáo viên phải tự trả kinh phí để theo học và có “chứng chỉ tích hợp”, thậm chí có người còn lo bị “tinh giản biên chế’ nếu không có chứng chỉ bồi dưỡng này.
Nguyên nhân là trong các quyết định của Bộ GD-ĐT, kinh phí của việc bồi dưỡng được xác định từ các nguồn: ngân sách nhà nước dành cho đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên của ngành, địa phương; từ nguồn kinh phí của các đơn vị cử người đi bồi dưỡng và do người học tự đóng góp.
Tuy nhiên, theo Quyết định 404/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông ngày 27/3/2015, thì giáo viên không phải đóng kinh phí khi ‘tập huấn, bồi dưỡng giáo viên để thực hiện chương trình mới, sách giáo khoa mới’. Nhà nước đã bố trí 778,8 tỷ đồng từ ngân sách cho thực hiện các nhiệm vụ của Đề án này, trong đó có việc bồi dưỡng giáo viên.
Bộ GD-ĐT: Nhiều người nhầm lẫn
Trao đổi với VietNamNet, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho hay, đây là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm.
“Có thể gọi là chuẩn chung, giáo viên dạy môn nào sẽ có chuẩn bồi dưỡng của môn đó. Theo quy định của Luật Viên chức, mỗi năm, giáo viên đều có khoảng thời gian nhất định để tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Những mô-đun này cho những người mới bắt đầu. Sau khi học xong các mô-đun này, ở các năm tiếp theo, giáo viên sẽ chỉ phải tham gia đào tạo theo hướng cập nhật những điểm mới mà thôi”, ông Đức nói.
Riêng với lớp 6 năm nay, Bộ GD-ĐT đã có khóa tập huấn riêng về việc dạy học, thay đổi SGK mới. Sau khi SGK được nghiệm thu, các nhà xuất bản cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên.
“Có thể các giáo viên khối lớp 6 năm nay sẽ cập nhật chương trình bồi dưỡng giáo viên THCS này sau. Chứ giờ vừa ban hành làm sao đủ 3 tháng mà chuẩn bị kịp cho năm học mới. Đây chỉ là chương trình bồi dưỡng giáo viên hằng năm, không phải ngay cho số giáo viên dạy lớp 6 năm học này”, ông Đức nói.
Do đó, theo ông Đức, nhiều người đang hiểu nhầm.
“Mọi việc vẫn đang tiến hành theo lộ trình. Khoảng 4 năm nữa, các trường sư phạm sẽ có lứa sinh viên tốt nghiệp đầu tiên là giáo viên dạy tích hợp liên môn. Còn hiện nay, giáo viên Địa lý sẽ được bồi dưỡng kiến thức Lịch sử để có thể dạy được và ngược lại; ở đâu, chất lượng không đáp ứng được thì buộc phải phân 2 giáo viên của 2 môn học để cùng dạy tích hợp”, ông Đức nói.
Ông Đức cho hay, các Sở GD-ĐT cũng đã giải thích, hướng dẫn để giáo viên yên tâm, triển khai, bởi môn học nào cũng sẽ có chương trình khung để bồi dưỡng giáo viên.
Về kinh phí, ông Đức khẳng định: “Nếu giáo viên được nhà trường cử đi học tập bồi dưỡng thì kinh phí do đơn vị cử đi bồi dưỡng chi trả. Chỉ trong trường hợp, giáo viên tự đi bồi dưỡng theo nguyện vọng cá nhân hoặc những người có bằng đại học ngành khác muốn đi học để dự tuyển làm giáo viên thì mới phải tự chi trả kinh phí”.
Nguồn: vietnamnet