Cần xây dựng những doanh nghiệp dân tộc vững mạnh, những ‘sếu đầu đàn’ tạo sự lan tỏa kết nối với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước và tạo việc làm cho người dân.

Thúc đẩy doanh nghiệp sếu đầu đàn - Ảnh 1.

Cầu Văn Lang vượt sông Hồng nối Hà Nội với Phú Thọ là công trình tư nhân đầu tư 

Báo Tuổi Trẻ trân trọng giới thiệu ý kiến của ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), về vấn đề này:

Năm 2018 ghi nhận nhiều dấu ấn với các con số kỷ lục của nền kinh tế. Đóng góp cho thành quả đó là sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân, doanh nghiệp tư nhân khi hàng loạt tập đoàn tư nhân lớn mở rộng đầu tư, rót vốn vào nhiều lĩnh vực quan trọng.

Đặc biệt, trong bối cảnh các tập đoàn kinh tế nhà nước vẫn đang tái cấu trúc, đổi mới cơ cấu để nâng cao hiệu quả, sự phát triển của kinh tế tư nhân mà tâm điểm là các tập đoàn tư nhân đang ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế khi chiếm tới 40% GDP, là lực lượng chính tạo việc làm cho người dân.

Lịch sử đổi mới kinh tế hơn 30 năm qua đã chứng minh: những lúc khó khăn nhất của nền kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân đã tham gia tích cực, có hiệu quả khi huy động nguồn vốn, trí tuệ vào phát triển kinh tế.

Mặc dù có tới gần 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, song sự linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử đã giúp các doanh nghiệp này hội nhập, đưa sản phẩm ra thế giới, góp phần vào việc đưa kim ngạch thương mại lần đầu đạt vượt tới trên 450 tỉ USD.

Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu, vai trò của doanh nghiệp tư nhân lớn rất quan trọng. Bởi đây sẽ là lực lượng dẫn dắt nền kinh tế, là những “con sếu đầu đàn”, bước tiên phong vào cuộc cách mạng 4.0.

Công cuộc cải cách thể chế cần được tiếp tục, tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp tư nhân. Mọi thủ tục hành chính cần đơn giản hóa đến mức tối đa, các thiết chế bảo vệ doanh nghiệp cần phải tin cậy

Ông Vũ Tiến Lộc

Thực tế từ năm 2018, sự đầu tư mở rộng của hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lớn như Vingroup đầu tư vào lĩnh vực ôtô, phát triển hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ; Sungroup đầu tư hạ tầng với các khu du lịch, sân bay; Trường Hải phát triển chuỗi cung ứng linh phụ kiện ở miền Trung… đã cho thấy tầm quan trọng, vai trò của những “con sếu đầu đàn”.

Những doanh nghiệp này đang và sẽ là trung tâm, lan tỏa, lôi kéo các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào hệ thống để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng thực cho Việt Nam.

Vấn đề quan trọng là làm sao để thúc đẩy các doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh. Từ đó kéo các doanh nghiệp nhỏ vào quỹ đạo phát triển, hình thành nên mối liên kết giữa doanh nghiệp lớn và nhỏ để phát huy có hiệu quả cho nền kinh tế.

Bởi ngay cả khối đầu tư nước ngoài (FDI) và cả khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn chưa làm được, khi tính kết nối chưa mang lại hiệu quả.

Theo đó, công cuộc cải cách thể chế cần được tiếp tục, trọng tâm là tạo thuận lợi cho khu vực doanh nghiệp tư nhân với môi trường kinh doanh thân thiện, an toàn.

Mọi thủ tục hành chính cần đơn giản hóa đến mức tối đa, các thiết chế bảo vệ doanh nghiệp cần phải tin cậy.

Vừa qua, như đánh giá xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) về môi trường kinh doanh cho thấy thủ tục doanh nghiệp gia nhập thị trường được cải thiện nhiều, nhưng các thủ tục bảo vệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường đang là khâu yếu.

Đặc biệt trong bối cảnh thị trường cùng diễn biến kinh tế thế giới và trong nước thay đổi nhanh, tái cấu trúc nền kinh tế diễn ra mạnh mẽ hơn nên quá trình rút khỏi thị trường cần phải nhanh chóng hơn để doanh nghiệp có khởi động mới, sáng tạo mới.

Bên cạnh việc Nhà nước tạo môi trường, khuôn khổ và thiết chế để thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân, còn phải cùng tham gia vào sự phát triển theo công thức đối tác công tư.

Như với lĩnh vực công nghiệp, cần hình thành các ngành trọng điểm, có thế mạnh để có chiến lược, cơ chế thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phù hợp với cam kết WTO.

Nhìn vào ngành công nghiệp ôtô, công nghiệp phụ trợ, hàng loạt doanh nghiệp tư nhân lớn đầu tư vào như VinFast hay Trường Hải, bước đầu đạt hiệu quả.

Song nếu Nhà nước có thể tham gia vào việc cùng nghiên cứu sự phát triển, hỗ trợ đầu tư nguồn nhân lực chất lượng cao… thì chắc chắn hiệu quả sẽ cao hơn.

Với tiến trình hội nhập, thúc đẩy phát triển những doanh nghiệp tư nhân trở thành những “con sếu đầu đàn” là rất cần thiết.

Có như vậy, cộng đồng doanh nghiệp tư nhân mới tự nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh, tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho nền kinh tế, tạo việc làm cho người dân.

Bởi vậy, việc xây dựng đội ngũ các doanh nghiệp dân tộc vững mạnh là yêu cầu đặt ra trong tương lai, cũng là để tăng thêm nội lực cho nền kinh tế Việt Nam.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : doanh nghiệpkinh tế tư nhânsếu đầu đànthương mại điện tử

Các tin liên quan đến bài viết