Thừa Thiên Huế ghi nhận lũ lớn nhất trong vòng 10 năm qua. Nhiều nơi hứng lượng mưa trên 1.000mm. Mưa lớn ở miền Trung sẽ giảm từ trưa và chiều 17/11, do đó lũ trên các sông cũng hạ dần.
Ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia vừa có những chia sẻ liên quan đến đợt mưa lũ lớn vừa qua ở miền Trung.
Theo đó, ông Đại cho biết, nguyên nhân chính của đợt mưa lớn ở miền Trung là do không khí lạnh kết hợp với nhiễu động gió Đông trên cao. Đây là hình thế thời tiết điển hình gây mưa lớn cho các tỉnh miền Trung.
Chỉ trong vòng các ngày 14-16/11, khu vực từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và phía đông Tây Nguyên có lượng mưa 200-400mm, có nơi trên 500mm; riêng khu vực Quảng Trị đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to với lượng mưa 300-600mm.
Đặc biệt, một số điểm ghi nhận lượng mưa cực đoan trên 1.000mm, tập trung chủ yếu ở Thừa Thiên Huế.
“Thừa Thiên Huế là khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất do tâm mưa lớn nằm ở đây. Mực nước lũ trên các trạm Kim Long, Phú Ốc đều trên báo động 3 và được xác định là lớn nhất trong vòng 10 năm gần đây, lớn thứ 5 trong vòng 30 năm qua. Các hồ chứa liên tục điều tiết để giảm lũ và ngập lụt hạ du”, ông Đại đánh giá.
Cũng theo Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đợt lũ lần này có diễn biến phức tạp. Mực nước trên các sông từ Quảng Bình đến Ninh Thuận phổ biến ở mức trên báo động 2 đến trên báo động 3. Đặc biệt, tại khu vực mưa lớn từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, lũ trên các sông ở mức xấp xỉ báo động 3 đến trên báo động 3.
Trước diễn biến trên, ngập lụt diện rộng diễn ra ở khắp khu vực hạ du của các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, trong đó nặng nhất ở hạ lưu các sông thuộc Thừa Thiên Huế.
Đồng thời, lũ quét và sạt lở đất cũng xảy ở nhiều nơi, trọng tâm ven các đường quốc lộ trung du, miền núi tại Thừa Thiên Huế (các huyện Nam Đông, Phú Lộc, thị xã Hương Thủy), Quảng Nam (gồm huyện Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn).
Theo nhận định của Trung tâm, trong ngày 16 và 17/11, trên khu vực từ Nam Nghệ An đến Quảng Bình xảy ra mưa từ 20-50mm, có nơi trên 50mm; cao nhất là từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi với 70-150mm, có nơi trên 200mm; Quảng Trị, Bình Định – Ninh Thuận xảy ra mưa từ 40-70mm, có nơi trên 100mm.
Nguồn: VP Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thừa Thiên Huế
Ông Đại nhấn mạnh: “Với lượng mưa dự báo như trên, trong ngày 16 và 17/11, lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi sẽ có xu thế xuống chậm và dao động ở mức báo động 1 – báo động 2. Riêng lũ trên các sông ở Khánh Hòa, Ninh Thuận có khả năng lên lại và dao động ở mức báo động 2 và trên báo động 2. Các sông ở Bình Định, bắc Phú Yên ở mức báo động 1 – báo động 2.
Tình hình ngập lụt tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi, Khánh Hòa giảm nhanh sau ngày 17/11.
Tuy nhiên, ông Đại lưu ý, hiện nay, trên các sông, suối dòng chảy xiết, độ ẩm đất đã bão hoà, do đó rất dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất nên người dân cần hết sức cẩn thận khi di chuyển. Cần rà soát các khu vực sinh sống những dấu hiệu như nứt, sạt, trượt. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai để có phương án phòng, chống kịp thời.
Ngoài ra, theo Đài khí tượng thủy văn tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày và đêm 17/11, tại địa phương tiếp tục có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to với lượng 30-60mm, có nơi trên 80mm. Từ 18/11, mưa giảm nhanh và kết thúc đợt mưa này. Từ 19/11, không có khả năng xuất hiện mưa lớn trên diện rộng.
Từ nay (17/11) đến 18/11, lũ trên các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận có khả năng lên lại, các sông ở Phú Yên tiếp tục lên, đỉnh lũ trên các sông ở mức BĐ1-BĐ2, có sông trên BĐ2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Ninh Thuận. Cần có các giải pháp đảm bảo an toàn đối với các hồ chứa thủy điện, thủy lợi nhỏ xung yếu. |
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến tối 16/11, mưa lũ trong 3 ngày qua ở Thừa Thiên Huế và Quảng Trị đã khiến 2 người chết và 3 người mất tích. Hiện còn gần 13.000 căn nhà còn ngập ở mức 0,2-0,6m; trong đó chỉ riêng Thừa Thiên Huế đã có gần 10.500 ngôi nhà bị ngập. Nhiều tuyến đường tại Thừa Thiên Huế bị ngập lụt gây ách tắc giao thông. Lúc 18h chiều 16/11, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với tỉnh Thừa Thiên Huế về ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ. |
Nguồn: vietnamnet