Sáng 6-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và nói chuyện tại Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục đa ngành (ICISE) tại Quy Nhơn (Bình Định).
Đây là trung tâm được thành lập dựa trên đề xuất của GS Trần Thanh Vân và phu nhân là GS Kim Ngọc. Cả hai giáo sư đều đã được Tổng thống Pháp tặng huân chương cao quý “Bắc đẩu bội tinh”.
ICISE được thành lập cách đây 5 năm, là nơi giao lưu, trao đổi, chuyển giao khoa học công nghệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đây cũng là nơi tổ chức các khóa đào tạo, nghiên cứu khoa học chuyên ngành.
Nơi quy tụ nhiều nhà khoa học danh tiếng
Từ năm 2013 đến nay, ICISE đã tổ chức 40 hội nghị khoa học quốc tế đỉnh cao và 16 trường học khoa học chuyên đề với hơn 3.500 nhà khoa học quốc tế, trong đó có 12 giáo sư Nobel và nhiều nhà khoa học danh tiếng khác.
GS Vân kiến nghị Thủ tướng và Chính phủ 3 nội dung để ICISE phát triển hiệu quả, đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp và khoa học của Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vui mừng nói rằng khi ông còn là bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, năm 2009 đã ký văn bản hoan nghênh ý tưởng của GS Trần Thanh Vân và “Hội Gặp gỡ Việt Nam” về thành lập trung tâm hoặc TP khoa học ở Quy Nhơn.
Sau gần 10 năm, hình hài của một cơ sở nghiên cứu khoa học hoặc định hướng hình thành thành phố khoa học đã bước đầu hình thành ở TP Quy Nhơn.
Thủ tướng nói đất nước phát triển thì không thể không có khoa học. ICISE đã có những ý tưởng nghiên cứu khoa học cơ bản rất tốt, giúp Quy Nhơn là thành phố nhỏ của Việt Nam nhưng đã có hàng nghìn nhà khoa học đến đây và đặc biệt là đã quy tụ được hàng chục nhà khoa học đoạt giải Nobel.
Theo Thủ tướng, điều đặt ra là thời đại mới nhiều cơ hội và thách thức, đặc biệt cuộc cách mạng 4.0 hiện nay đặt ra nhiều vấn đề mà ở trung tâm này, dù là nghiên cứu những lĩnh vực khoa học cơ bản của Trái đất cũng nên hình thành tư duy để giới trẻ bước chân vào nghiên cứu phát triển địa phương, phát triển đất nước.
Nhà nước đầu tư kinh phí
Thủ tướng đề nghị ICISE kết hợp với các viện hàn lâm khoa học, các trường đại học, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, tạo được sự gắn kết và đoàn kết trong phát triển khoa học trong và ngoài nước để khai thác tối đa chất xám khoa học.
“Việt Nam đang tái cơ cấu mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế, khoa học công nghệ… Tôi rất mong các giáo sư, các nhà khoa học góp ý kiến cho Chính phủ để chuyển đổi mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, để có giá trị gia tăng tốt hơn, có nền tảng vững chắc hơn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi nghĩ hơn lúc nào hết, việc vận dụng các thành tựu khoa học công nghệ gúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới” – Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng đề nghị ICISE nên có phương thức hoạt động để bảo đảm sự bền vững và tính thiết thực trong tương lai. Nhà nước sẽ đầu tư kinh phí cần thiết để hình thành trung tâm nghiên cứu lớn của đất nước.
“Làm sao chúng ta có một TP khoa học nổi tiếng cho Bình Định, cho Việt Nam, đó là mục tiêu quan trọng. Chính phủ sẵn sàng lắng nghe, hỗ trợ để dự án đạt được mục tiêu.
“Tôi đồng ý là kết hợp tốt với Viện hàn lâm khoa học và công nghệ để trung tâm phát huy chất xám, tạo sự lan tỏa. Chính phủ đồng ý về nguyên tắc để tỉnh Bình Định xây dựng đô thị khoa học giáo dục mà lõi là thung lũng khoa học sáng tạo ICISE.
“TP khoa học ở Việt Nam chưa có, nhưng Bình Định đi trước một bước là mạnh dạn, là đột phá lớn. Đây nơi quy tụ nhiều nhà khoa học nổi tiếng thế giới”.
Thủ tướng cho rằng TP khoa học là một vấn đề lớn của tỉnh Bình Định, lãnh đạo tỉnh phải đề xuất bước đi, có lộ trình xây dựng mục tiêu thành phố khoa học của Việt Nam tại đây.
Thủ tướng cam kết Chính phủ sẽ sẵn sàng xử lý chính sách đặc thù trong nghiên cứu khoa học ở Việt Nam nói chung và ở Bình Định nói riêng trên cơ sở của những đề xuất cụ thể.
Theo GS Vân, sắp đến hướng đi của trung tâm là không ngừng thúc đẩy phát triển khoa học và giáo dục cho Việt Nam và Đông Nam Á, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ châu Á, đặc biệt là Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế.
Nguồn: tuoitre.vn