Bệnh nhân từ huyện miền núi tỉnh Lào Cai hay từ một vùng nông thôn Thanh Hóa có thể không cần đến bệnh viện mà vẫn nhận được tư vấn, hướng dẫn điều trị từ các bác sĩ, chuyên gia ở Hà Nội.
Đó là những gì có thể thực hiện được trong chương trình ứng dụng nền tảng chẩn đoán bệnh từ xa vừa được Bộ Thông tin – truyền thông phối hợp Bộ Y tế và tập đoàn Viettel chính thức khai trương ngày 18-4 với sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sau khi trực tiếp trò chuyện, động viên các bệnh nhân và các cán bộ y tế tại các điểm cầu của chương trình chẩn đoán bệnh từ xa, Thủ tướng đánh giá “nền tảng chẩn đoán bệnh từ xa, bao gồm 6 lĩnh vực, trong đó có chẩn đoán và điều trị, là điều khá mới mẻ với nước ta, một quốc gia có chiều dài trên 3.000km, với nhiều núi non hiểm trở xa cách”.
Thủ tướng đánh giá cao ngành Thông tin – truyền thông và Y tế đã chủ động phối hợp để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giúp chăm sóc sức khỏe người dân.
Chẩn đoán bệnh từ xa được ngành y tế triển khai trên nền tảng ứng dụng CNTT nhằm góp phần thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 với việc người dân hạn chế đến các cơ sở khám chữa bệnh nếu không cần thiết để hạn chế lây nhiễm dịch bệnh nhưng vẫn được chăm sóc y tế.
Mục tiêu hỗ trợ người dân khám chữa bệnh từ xa, giảm tải cho các cơ sở khám chữa bệnh, trước mắt giảm nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh COVID-19. Về lâu dài, chương trình sẽ thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Ghi nhận rất nhiều công nghệ đã được ứng dụng để phục vụ công tác khám chữa bệnh của ngành Y tế, Thủ tướng đồng ý với Bộ trưởng Bộ Thông tin – truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng về việc Việt Nam cần phải có các nền tảng công nghệ để giúp các cơ quan, tổ chức nhanh chóng đưa hoạt động của mình lên môi trường số, từ đó phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.
Nhân sự kiện khai trương nền tảng chẩn đoán bệnh từ xa, Thủ tướng đề nghị “việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các hệ thống khám chữa bệnh từ xa phải có hiệu quả nhân đôi, nhân ba. Điều này đáp ứng được nhu cầu chống dịch và giảm giấy tờ phức tạp, đem lại lợi ích cho người dân, giảm chi phí”.
Bày tỏ mong muốn nền tảng ứng dụng sẽ được Bộ Y tế sớm triển khai đến tất cả các bệnh viện trong cả nước, Thủ tướng giao Bộ Y tế và Bộ Thông tin – truyền thông phối hợp chặt chẽ với nhau để chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, từng bước hình thành hệ thống hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số, phát triển các nền tảng công nghệ cho lĩnh vực y tế.
Đồng thời hình thành cơ sở dữ liệu quốc gia về y tế.
Bộ Thông tin – truyền thông cho biết, căn cứ hiệu quả của mô hình triển khai thí điểm này, hai bộ sẽ phối hợp mở rộng quy mô tại các tỉnh và thành phố khác, giúp người dân trong cả nước, đặc biệt người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó… có cơ hội được chăm sóc sức khỏe, giúp phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán bệnh chính xác, điều trị kịp thời và phòng ngừa các biến chứng nặng có thể xảy ra ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19.
Không lo lây nhiễm dịch bệnh
Với việc triển khai chương trình khám chữa bệnh từ xa này, các bệnh nhân đã đặt hẹn nhưng vì lo ngại dịch bệnh COVID-19 không đến khám, sẽ được các bác sĩ thăm khám trực tuyến bằng một số trang thiết bị y tế tự sử dụng hoặc sử dụng ứng dụng apps trên điện thoại di động… cung cấp một số thông số cơ bản lên hệ thống kết nối công nghệ thông tin chuyển tải cho nhân viên y tế để các chuyên gia đưa ra lời khuyên và giải pháp điều trị.
Riêng những ca bệnh nặng, các bác sĩ ở bệnh viện tuyến cơ sở sẽ được hội chẩn với các chuyên gia tại trung tâm điều hành để có hướng điều trị phù hợp…
Nguồn: tuoitre.vn