Sáng 19/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 diễn ra sáng này 19/10 tại Nam Định.
Vượt nhiều mục tiêu
Tính đến tháng 10/2019, cả nước đã có 4.665 xã (52,4%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM, hoàn thành vượt 2,4% so với mục tiêu 10 năm. Đặc biệt, đã có 63 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. Bình quân cả nước đạt 15,32 tiêu chí/xã, hoàn thành vượt mục tiêu 5 năm (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tỉnh Đồng Nai và tỉnh Nam Định đã có 100% xã và 100% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hiện đang hoàn thiện thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người/năm ở nông thôn tăng nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập của người dân đô thị, tăng 2,78 lần từ mức 12,8 triệu năm 2010 lên mức 35,88 triệu đồng/người năm 2018.
Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, xây dựng NTM ngày càng đi vào thực chất. Điển hình như 3 tỉnh Hà Tĩnh, Cà Mau và Gia Lai đã mạnh dạn rút bằng công nhận đạt chuẩn NTM các xã không đảm bảo yêu cầu sau đạt chuẩn, thể hiện sự nghiêm túc, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng NTM. Từ đó kịp thời chấn chỉnh, thay đổi trạng thái lơ là, thỏa mãn sau khi đạt thành tích.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hầu hết các địa phương đã xác định rõ xây dựng NTM là một trong những chương trình đột phá để phát triển kinh tế – xã hội nông thôn. Đồng thời đưa vào là một trong những nội dung chính của Đại hội Đảng các cấp. Đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của các địa phương cũng đã vào cuộc mạnh mẽ, tâm huyết hơn; nhiều nơi có tư duy, cách làm mới, huy động nguồn lực lớn và đa dạng cho xây dựng NTM.
Ví dụ, tỉnh Hà Tĩnh tập trung chỉ đạo xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu, xây dựng phần mềm dữ liệu số NTM; Nghệ An, Thanh Hóa sáng tạo chỉ đạo xây dựng NTM cấp thôn, bản vùng khó khăn; Điện Biên ưu tiên xây dựng NTM các xã biên giới; Quảng Ninh tập trung phát triển sản phẩm OCOP…
Là một trong 2 địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng NTM trong cả nước, ông Đoàn Hồng Phong – Bí thư Tỉnh ủy Nam Định cho hay: Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nam Định đã nỗ lực phấn đấu thực hiện xây dựng NTM. Đến 31/7/2019, toàn tỉnh có 100% xã được công nhận NTM, là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước về đích NTM sớm hơn kế hoạch đề ra 1,5 năm.
Qua tổng kết đúc rút kinh nghiệm, Nam Định cho rằng có 2 nhân tố then chốt quyết định thành công xây dựng NTM: Một là sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh xuống cơ sở. Hai là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được mình vừa là chủ thể, vừa là đối tượng thụ hưởng. Phải giải thích cho mỗi người dân nhận thấy rằng, việc đó là lợi ích của họ, họ phải làm hăng hái cho bằng được.
“Do đó, Nam Định đã hoàn thành hàng loạt việc khó, như công tác dồn điền đổi thửa, hình thành các cánh đồng mẫu lớn. Thông qua đó, các cấp chính quyền vận động gia đình và nhân dân hiến, đóng góp hàng ngàn hécta đất để chỉnh trang đồng ruộng, nâng cấp hạ tầng” – ông Phong nói.
Cũng theo ông Phong, từ khi xây dựng NTM đến nay, trên 5.000 doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, thu nhập bình quân của Nam Định tăng 4 lần, khoảng cách thu nhập giữa thành thị và nông thôn chỉ còn 1,35 lần.
“Ngoài cải thiện thu nhập, Nam Định còn tập trung cải thiện môi trường nông thôn, các địa phương tự bỏ kinh phí trồng hoa ven đường, tăng cường nạo vét kênh mương, tạo thành những dòng chảy hiền hòa, trở thành nơi đáng sống cho người dân ở nông thôn” – ông Phong khẳng định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020 diễn ra sáng nay 19/10 tại Nam Định.
Một số nơi còn nặng tính hình thức
Trao đổi tại hội nghị, ông Hầu A Lềnh – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thực hiện lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng NTM, được xem như hình thức giám sát trực tiếp của nhân dân về kết quả xây dựng NTM. Đây cũng được coi là kênh thông tin quan trọng để cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá hiệu quả của chương trình MTQG xây dựng NTM ở cơ sở.
“Tuy nhiên việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM ở nhiều nơi chưa đảm bảo tính độc lập, còn hình thức. Cá biệt một số nơi việc đánh giá còn phụ thuộc vào công tác chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương nhất là ở cấp xã, vì vậy chưa thật sự đảm bảo tính khách quan trong tổ chức triển khai thực hiện” – ông Hầu A Lềnh khẳng định.
Ông Lềnh cho biết thêm, trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên tham gia thực hiện với 2 nhiệm vụ trọng tâm: Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM; Giám sát thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM (trong đó tập trung chủ yếu là giám sát nguồn lực xây dựng NTM và giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong xây dựng NTM).
Không được chủ quan, thỏa mãn với kết quả
Phát biểu kết luận Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010 – 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao nỗ lực của các đơn vị trong tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới. Tại hội nghị đã có rất nhiều bài học kinh nghiệm, nhiều kiến nghị đề xuất mới, đây sẽ là bài học quý để chúng ta cùng tiếp thu.
“Nội dung quan trọng nhất của xây dựng NTM là sản xuất phải đi liền với nâng cao đời sống. Phải xây dựng tổng thể trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường, trật tự, an ninh xã hội, trên toàn quốc; và phải được lượng hóa bằng các chỉ tiêu, tiêu chí để dễ dàng kiểm tra, đánh giá. Trong đó chỉ tiêu quan trọng nhất là đến năm 2020, 50% số xã phải đạt chuẩn NTM” -Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhắc lại những khó khăn của thời kỳ đầu xây dựng NTM, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng: Thời điểm thực hiện xây dựng NTM của chúng ta lại rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế thế giới. Trong 5 năm đầu, việc huy động nguồn lực rất khó khăn, số xã được công nhận xây dựng NTM rất ít. Nhiều người không tin chúng ta có thể đạt được mục tiêu nêu trên, bạn bè quốc tế cũng không tin. Nhưng chúng ta vẫn kiên định mục tiêu thực hiện chương trình và đến giờ đã thu được nhiều thành quả rất đáng tự hào.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu tham dự Hội nghị Toàn quốc tổng kết 10 năm xây dựng nông thôn mới diễn ra tại Nam Định sáng 19/10.
“Chúng ta đã huy động được sức mạnh to lớn, toàn diện và lịch sử để chuyển biến vùng nông thôn. Chúng ta cũng nhận thấy được vai trò của người dân trong phát triển đất nước là vô cùng to lớn, qua đó huy động được nguồn lực lên tới 2.400.000 tỷ đồng, tạo lập diện mạo mới cho vùng nông thôn, nhiều nơi thay đổi đến ngỡ ngàng: đẹp hơn, sạch hơn, văn minh hơn.
Chúng ta thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, trong khó khăn GDP của nông nghiệp vẫn tăng trưởng bình quân trên 3%, củng cố cả 3 trụ cột chăn nuôi, thủy sản, trồng trọt, nhiều sản phẩm có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đến cuối năm 2019, chúng ta có tới 4.000 sản phẩm OCOP, tạo bước đà lớn để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu”, người đứng đầu Chính phủ khẳng định.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Thủ tướng cho rằng: Chúng ta cần phải phát triển ngày càng nhiều trang trại quy mô lớn, các HTX nông nghiệp để nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các địa phương chưa được công nhận tỉnh NTM phải nỗ lực để hoàn thành, qua đó tạo ra một bước đột phá lịch sử, nâng cao vị thế người nông dân. Cùng với nâng cao đời sống vật chất, cần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, trình độ người dân, hệ thống chính trị ở nông thôn vững mạnh, trật tự an toàn xã hội đảm bảo và người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.
Dù công cuộc xây dựng NTM của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, song theo người đứng đầu Chính phủ, quá trình xây dựng NTM vẫn còn tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, các chỉ tiêu phát triển sản xuất chưa có kết quả đồng bộ với phát triển kết cấu hạ tầng. Cùng với đó, hiện tượng phai nhạt văn hóa, tình làng nghĩa xóm, tình trạng nghiện hút, ô nhiễm rác thải, trộm cắp vẫn xảy ra ở một số địa phương.
“Trong thời gian tới, chúng ta phải phát huy kinh nghiệm và thuận lợi của 10 năm qua để đề ra phương hướng nhiệm vụ xây dựng NTM trong thời gian tiếp theo. Bên cạnh đó, các địa phương phải đi tiên phong để phát triển nền nông nghiệp hiện đại, xây dựng vùng nông thôn xanh, sạch đẹp, giàu bản sắc và đáng sống. Đặc biệt, xây dựng NTM không chỉ ở đồng bằng, mà cả ở miền núi, xã đảo, vùng sâu, vùng xa để người dân được hưởng lợi”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý thêm với Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình xây dựng NTM, trong 5 năm tới, nhóm đã hoàn thành xây dựng NTM trong giai đoạn 2010 – 2020 cần phải đề ra mục tiêu cao hơn để không ngừng xây dựng những miền quê đáng sống.
“Muốn làm được điều đó, phải chọn những cán bộ tâm huyết, có tài, có đức để tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng Chương trình MTQG xây dựng NTM; không được chủ quan, thỏa mãn với những kết quả đạt được bởi xây dựng NTM không có điểm kết thúc”, Thủ tướng nói.
Tính chung trong cả 9 năm qua, cả nước đã huy động được hơn 2.400.000 tỷ đồng (tương đương khoảng 110 tỷ USD). Trong đó, ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ trực tiếp cho chương trình là gần 320.000 tỷ đồng. Trong đó, Nguồn vốn huy động từ người dân và cộng đồng chiếm khoảng 8,2% trong cơ cấu tổng nguồn vốn nhưng tăng 1,2 lần so với giai đoạn 1, chủ yếu là do người dân tự nguyện đóng góp để xây dựng NTM trên địa bàn. |
Theo Dân việt