Hội nghị trực tuyến toàn quốc nhằm bàn giải pháp nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi kinh tế-xã hội nhanh, bền vững.
Tiêm vaccine mũi nhắc lại phòng chống COVID-19. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)
Sáng 21/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Bộ Y tế tổ chức.
Hội nghị được thực hiện kết hợp hình thức trực tiếp tại Trụ sở Bộ Y tế với điểm cầu ủy ban nhân dân 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Cùng dự tại đầu cầu Bộ Y tế có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Quyền Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan; Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc; lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Dự tại đầu cầu các địa phương có lãnh đạo ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sở y tế và các sở, ngành liên quan.
Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết trong những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đã đạt được nhiều kết quả cơ bản, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế tăng từ 81,7% năm 2016 lên 91,01% năm 2021 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm). Ước vượt chỉ tiêu giao năm 2022 của Quốc hội và Chính phủ về số bác sỹ trên 10.000 dân, và số giường bệnh trên 10.000 dân.
Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế.
Trong giai đoạn 2000-2021, tỷ số tử vong mẹ trên 100.000 trẻ đẻ sống đã giảm 3,75 lần; tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm xấp xỉ 3 lần.
[Thủ tướng: Đẩy mạnh và thần tốc hơn nữa việc tiêm vaccine]
Đến nay, tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương.
Sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (Sởi, Sốt xuất huyết, SARS, Cúm A…).
Hiện Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như Mỹ, Đức, Italy, Pháp…
Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế công nhận và trao đổi kinh nghiệm.
Đặc biệt, những thành tích, đóng góp của ngành y tế, trong hơn 2 năm phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, đẩy nhanh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Thành tựu phòng, chống dịch COVID-19 có sự nỗ lực, hy sinh, cống hiến rất lớn của hơn 500.000 cán bộ y tế; thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, ý chí vươn lên, vượt qua gian khổ, chấp nhận hy sinh, đối mặt với hiểm nguy để giành lại sự sống, bảo vệ sức khỏe của nhân dân; đồng thời nêu cao sứ mệnh cao cả của người thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tuy nhiên, trong công tác của ngành y tế hiện vẫn còn bộc lộ tồn tại, hạn chế, cần tập trung xử lý sớm như tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chế độ tiền lương, thu nhập đối với cán bộ y tế còn nhiều khó khăn; hệ thống thể chế còn những bất cập; các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất cập…
Do đó, Bộ Y tế tổ chức hội nghị này nhằm bàn giải pháp để nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động triển khai các biện pháp thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững trong thời gian tới./.
Theo vietnamplus.vn