Cơ quan quản lý không gian mạng Trung Quốc (CAC) ngày 4-7 yêu cầu các kho ứng dụng cho smartphone gỡ bỏ ứng dụng Didi trong lúc truyền thông nhà nước cáo buộc tập đoàn này thu thập dữ liệu bất hợp pháp.

Thu thập dữ liệu phi pháp, app Trung Quốc có nửa tỉ người dùng bị gỡ bỏ - Ảnh 1.

Logo ứng dụng Didi 

Yêu cầu của CAC được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi cơ quan này xác nhận đang điều tra Didi, chưa đầy 1 tuần sau khi tập đoàn này niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán New York (Mỹ). Phía CAC nghi ngờ Didi đã vi phạm luật an ninh quốc gia và đe dọa lợi ích công cộng.

Theo Hãng tin Reuters, chính quyền Trung Quốc dường như đang nhắm vào các công ty công nghệ nước này nhưng niêm yết tại Mỹ.

Ngày 5-7, CAC xác nhận đang điều tra công ty tuyển dụng trực tuyến Zhipin.com và các công ty cho thuê xe tải Huochebang và Yunmanman – hai thành viên của Full Truck Alliance. Giống như Didi, chủ sở hữu của Zhipin.com và Full Truck Alliance đã niêm yết tại Mỹ vào tháng trước.

“Không một gã khổng lồ Internet nào được phép trở thành siêu cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân của người dân Trung Quốc, chứa nhiều thông tin chi tiết hơn cả quốc gia. Các công ty này không được phép sử dụng dữ liệu theo cách họ muốn”, Thời báo Hoàn Cầu của chính quyền Trung Quốc nhấn mạnh trong một bài viết ngày 4-7.

Didi triển khai nhiều dịch vụ khác nhau trên cùng một nền tảng, như giao hàng, gọi xe,… Trung bình mỗi ngày có 20 triệu lượt đặt xe qua ứng dụng của Didi tại Trung Quốc. Công ty này còn hoạt động ở 15 quốc gia khác trên thế giới.

Theo Reuters, công ty này thu thập nhiều dữ liệu người dùng theo thời gian thực và sử dụng một số để vận hành các sản phẩm, dịch vụ của mình. Phía Didi luôn cam kết bảo mật thông tin người dùng.

Bất chấp các căng thẳng hiện tại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều công ty Trung Quốc đã đổ xô niêm yết trên các sàn chứng khoán Mỹ, theo Hãng tin Bloomberg.

Điều này dường như đã khiến chính quyền Bắc Kinh lo lắng bởi Mỹ đang chuẩn bị áp các đạo luật, buộc công ty nước ngoài niêm yết ở nước này phải chịu sự kiểm toán của Mỹ. Nếu không tuân thủ, những công ty này sẽ bị loại khỏi sàn giao dịch.

Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc có thể biết việc tổ chức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Mỹ nhiều rủi ro nhưng vẫn chấp nhận vì lợi ích lớn hơn.

Việc Didi không tổ chức lễ ăn mừng sau đợt IPO hơn 4 tỉ USD tại Mỹ đã được Reuters nhìn nhận là “có vấn đề” và chỉ vài ngày sau đó Didi bị CAC điều tra.

Ông Zennon Kapron, người đứng đầu Công ty nghiên cứu và tư vấn Kapronasia, nhận định Trung Quốc đang muốn biến những công ty như Didi thành bài học cảnh báo các công ty khác muốn IPO tại Mỹ.

Didi thừa nhận việc ứng dụng bị gỡ bỏ sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu của công ty nhưng sẽ chấp nhận và nỗ lực đảm bảo dữ liệu người dùng được bảo mật. Trước khi “gặp hạn”, Didi có lượng người dùng lên tới nửa tỉ.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : DidiMỹtrung quocUber Trung Quốc

Các tin liên quan đến bài viết