Năm nay người trồng tiêu còn phải đối mặt với 1 khó khăn không nhỏ khác, đó là khăn hiếm lao động hái tiêu. Nhiều nhà vườn phải ngậm ngùi nhìn tiêu chín rụng vì thiếu nhân công…
Bình Phước là một trong những địa phương có diện tích trồng cây hồ tiêu thuộc diện lớn của cả nước với 16.987ha, tập trung ở các huyện biên giới như: Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập. Vụ tiêu năm nay năng suất tiêu cao hơn nhiều năm 2018. Nhưng người nông dân chưa kịp vui mừng khi được mùa thì lại phải đối diện với điệp khúc “được mùa mất giá”.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Lưu đang hàng ngày phải đi lượm những chùm tiêu chín rụng dưới gốc vì không thuê được nhân công hái tiêu |
Thời điểm hiện nay, sản phẩm tiêu sạch của HTX tiêu sạch cũng chỉ có giá khoảng 46 ngàn đồng/kg (vụ tiêu 2018 giá 70 ngàn đồng/1kg). Ngoài ra, năm nay người trồng tiêu còn phải đối mặt với 1 khó khăn không nhỏ khác, đó là khăn hiếm lao động hái tiêu. Nhiều nhà vườn phải ngậm ngùi nhìn tiêu chín rụng vì thiếu nhân công.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại thôn 10, xã Thiện Hưng (Bù Đốp) là địa phương trồng tiêu lớn nhất của xã. Thôn có 94 hộ dân thì đến 80% số hộ đều trồng hồ tiêu, mặc dù đang là mùa hái tiêu nhưng trong các vườn tiêu đều vắng tanh vì không có người thu hoạch. Bạt ngàn tiêu dọc hai bên tuyến đường liên xã vào thôn 10, chỉ lác đác vài người len lõi trong các vườn tiêu tranh thủ thu hoạch. Đó là cảnh tượng chung của người trồng tiêu trên địa bàn huyện biên giới Bù Đốp nói riêng và cả tỉnh Bình Phước nói chung.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lưu (thôn 10, xã Thiện Hưng) với 20 năm gắn liền với cây tiêu. Hiện gia đình ông có 2.000 nọc tiêu khoảng 9 năm tuổi, mùa vụ năm 2018 gia đình ông thu được hơn 2 tấn với giá giao động 65 đến 70 ngàn đồng/1kg. Năm nay được mùa, ông Lưu ước thu đạt khoảng trên 3 tấn, trong khi đó vườn tiêu gia đình ông tham gia hợp tác xã tiêu sạch của địa phương nhưng giá chỉ còn khoảng 46 ngàn đồng/1kg. Ngoặt nghoèo hơn là tiêu đã chín rụng nhưng vẫn chưa thu hoạch được vì không có nhân công. Như mọi năm vào mùa thu hoạch, giá nhân công hái tiêu chỉ 150 ngàn/ngày và muốn bao nhiêu có bấy nhiêu. Nhưng năm nay, giá nhân công từ 160 đến 180 ngàn/7 giờ làm, thậm chí bao ăn nhưng vẫn không thể kiếm được nhân công. Chưa bao giờ gia đình ông Lưu lại gặp phải tình cảnh khó khăn trong việc thu hoạch tiêu vì thiếu nhân công như năm nay. Vì vậy, mùa tiêu năm nay, ông Lưu phải một mình lây hoay thu hoạch tiêu mỗi ngày một ít trên tổng diện tích tiêu của gia đình. Theo nhiều hộ dân, người hái tiêu giỏi chỉ hái được khoảng 6 kg tiêu khô/ngày (tương đương khoảng 30 kg tiêu tươi) với đà này, một mình ông Lưu phải hái cả tháng mới hết vườn tiêu của gia đình.
![]() |
Gia đình Nguyễn Văn Thoại may mắn hơn khi thuê được 6 nhân công nhưng vẫn không kịp thu hoạch khi mùa tiêu chín rộ và rụng |
Tâm sự với chúng tôi, nhìn những nọc tiêu ngày một chín rộ ông Lưu nói, “Năm nay tiêu tuy đạt năng suất so với mọi năm thế nhưng người trồng tiêu lại đối diện với mất giá. Với giá hiện nay, nhà nông trồng tiêu chỉ đủ bù lỗ vật tư và công chăm sóc. Đặc biệt năm nay, tiêu chín mà gia đình tôi cũng như người trồng tiêu ở đây vẫn đành nhìn tiêu chín rụng vì không kiếm được nhân công”.
Khá hơn so với gia đình ông Lưu, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Thoại (thôn 10) có 4.000 nọc tiêu khoảng 6 đến 7 năm tuổi. Năm ngoái mất mùa ông thu được 3,5 tấn, gia đình ông cần hơn chục nhân công để hái tiêu. Năm nay được mùa, ông Thoại ước đạt khoảng 10 tấn, thế nhưng lay hoay mãi ông mới tìm được 6 nhân công để phụ hái tiêu. Hầu hết những nhân công này đều là người địa phương nhiều năm gắn bó với các vụ thu hoạch tiêu gia đình ông. Vì vậy, trong lúc khó khăn họ mới tranh thủ đến để giúp ông hái tiêu. Theo ông Thoại, giá nhân công mùa vụ năm nay cao hơn năm ngoái từ 20 đến đến 30 ngàn đồng/ngày, thời gian lại rút ngắn xuống còn 7 giờ/ngày nhưng vẫn không thể kiếm được người hái tiêu.
Còn gia đình chị Sầm Thị Thảo Anh (thôn Bù Tam, xã Phước Minh, huyện Bù Gia Mập) có 2.000 nọc tiêu đẫ cho thu hoạch được 4 mùa vụ. Mùa vụ năm 2018 gia đình chị thu được 2,5 tấn, mùa vụ năm nay thu ước đạt hơn 4 tấn vì trúng mùa. Thế nhưng cùng chung cảnh nghộ với các hộ gia đình khác trên địa bàn xã và các địa phương khác, rất vất vả từ đầu vụ đến nay chị mới tìm được một người phụ hái tiêu. Thôn Bù Tam có khoảng 300 hộ trồng tiêu cùng cảnh ngộ khan hiếm nhân công hái tiêu như gia đình chị. Thậm chí, nhiều hộ gia đình phá giá với 200 ngàn đồng/ngày, bao ăn nhưng vẫn không có người đến làm. Trong khi đó, giá tiêu chỉ hơn 1/2 giá mùa vụ năm ngoái. Trước tình cảnh đó, chị Thảo Anh phải đầu tư gần 20 triệu đồng mua lưới lọt dưới gốc để hứng tiêu chín rụng. Đây là giải pháp bất đắc dĩ tạm thời của người trồng tiêu hiện nay. Thế nhưng, do nhu cầu mua lưới quá cao, nên đây cũng là dịp các tạp hóa hay chủ vật tư địa phương được mùa tăng giá từ 25 ngàn đồng/1kg lưới lên 36 ngàn/1kg. Vì vậy, người trồng tiêu lại phải tốn thêm một khoản chi phí bất đắc dĩ nửa.
![]() |
Chị Thảo Anh (thôn Bù Tam, huyện Bù Gia Mập) chứa cháy bằng cách mua lưới lọt gốc để hứng tiêu rụng vì không thuê được nhân công hái tiêu |
Chị Thảo Anh cho biết, “Mua lưới lót gốc để hứng tiêu rụng là điều bất đắc dĩ với người trồng tiêu. Về mặt kinh tế, số vốn đầu tư mua lưới cao hơn so với mướn nhân công hái tiêu như thường lệ. Bên cạnh đó, để tiêu chín và rụng rất hao hụt, nhất là một phần không nhỏ các chùm tiêu rụng bị khô cháy không dùng được. Nguy hiểm hơn là nó ảnh hưởng rất lớn đến tuổi thọ và sức sinh trưởng của cây tiêu về sau. Nhưng không còn cách nào khác, gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác phải chấp nhận điều không mong muốn này”.
Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thiếu hụt lao động thu hoạch tiêu trầm trọng năm nay. Theo nhiều nhà vườn trồng tiêu cho hay, mùa điều năm nay đến sớm so với mọi năm và trùng với mùa tiêu. Do đó, người dân trồng điều phải lo thu hoạch điều gia đình xong mới rãnh để đi hái tiêu. Như mọi năm tiêu chín không đều, người trồng tiêu còn có thể hỗ trợ đổi công qua lại cho nhau. Nhưng ăm nay thời tiết thuận lợi nên tiêu chín đồng loạt, do đó gia đình nào tự gia đình đó tranh thủ tự thu hoạch lấy. Bên cạnh đó, hầu hết lớp trẻ trai, gái thanh niên tập trung đi vào các tại công ty làm khỏe hơn, lương bổng lại cao hơn so với đi hái tiêu từng ngày một theo mùa vụ.
Trước tình trạng này, lãnh đạo các huyện đã có văn bản chỉ đạo các địa phương có phướng án huy động nhân lực hỗ trợ nông dân thu hoạch tiêu, nhất là đối với gia đình chính sách, gia đình có con em đi nghĩa vụ quân sự trong đợt đầu năm…
Theo nongnghiep.vn