Chúng tôi đến Đơn Dương, Lâm Đồng thăm một người bạn. Con đường dài chạy qua đèo D’ran, một thị trấn nhỏ nằm trong thung lũng, kề bên là cửa đập Đa Nhim. D’ran, thủ phủ của hồng nhưng trong mắt chúng tôi toàn quýt. 
Thủ phủ hồng mùa này đâu đâu cũng quýt 
Những cây quýt trĩu trái nằm ven chân núi, nhiều cây phải chống đỡ bằng dàn khung tre 

Thêm vài hướng dẫn qua điện thoại, rời trung tâm thị trấn buổi sáng có phần hơi náo nhiệt, cả nhóm chạy vào thôn Hòa Bình, một thôn làng nằm ven chân núi với những con đường đất bụi và bêtông.

1. Nhà bạn, như muôn ngàn căn nhà khác ở thị trấn vùng ven D’ran, nằm trong vườn hồng cuối mùa trụi lá. Buổi trưa, chúng tôi đi bộ lang thang. Một căn nhà thôn quê như muôn căn nhà vùng trị trấn nhỏ khác, chỉ khác là trong mảnh vườn phía bên hông sân là những cây quýt trái đỏ hồng, thấp lè tè nhưng trĩu trái chín căng mọng. Chủ nhà, một bà cụ phúc hậu, mở cửa ra mời chúng tôi vào, giới thiệu: “Của nhà trồng chơi, lấy quả cúng và cho các cháu ăn. Quýt đang chín, ngọt lắm. Khát cứ bẻ ăn thoải mái”. Thấy chúng tôi ngần ngại, bà tự tay bẻ một nhánh đầy quả rồi trao cho khách đường xa: “Mấy cây này mới trồng ba năm nay thôi, vườn chín thì trong kia, sát chân núi ấy. Đang mùa quả chín, nhiều lắm”. Những trái quýt hồng chín ngọt và mọng nước đã kích thích sự tò mò của chúng tôi. D’ran là thủ phủ của hồng, bây giờ lại là quýt. Bà cụ vui vẻ quay vào gọi cháu, rồi theo sự hướng dẫn của bạn và một chị chủ vườn, chúng tôi leo lên xe máy, bắt đầu đi sâu vào núi để tham quan vườn quýt hồng D’ran. Con đường ngày càng nhỏ, bêtông càng hẹp và biến mất. Chỉ có lối mòn do xe máy chạy mãi thành vệt, cứ len theo triều dốc, đi lên và ngoằn ngoèo đi lên. Có lúc men theo con suối chảy róc rách, vườn hồng, bơ, ruộng rau, có khi luồn dưới tán cây hoang râm mát. Rồi cả nhóm bỏ xe tại một vườn hồng vẫn còn đỏ trái muộn. Bắt đầu chuyến đi bộ đến vườn quýt hồng trên một triền vách cao hơn, trong khi tai và phổi vẫn còn ù vì con đường vừa phi xe qua.

Thủ phủ hồng mùa này đâu đâu cũng quýt 
Lối vào vườn quýt
Thủ phủ hồng mùa này đâu đâu cũng quýt 
Quýt đang chín, vỏ từ xanh sang ửng vàng 

2. Vườn quýt hồng nằm ven chân một vách núi, những cây quýt hồng tươi xanh, cao vọt, lủng lẳng đầy chùm trái chín mọng ngả vào thành vách núi. Mùi quýt chín tỏa hương ngào ngạt. Chị chủ vườn giải thích: Quýt hồng là tên gọi chung, chứ thật ra có nhiều chủng loại lắm. Quýt tiều ngon nhất, vỏ mỏng, múi ngọt thanh đậm vị. Nhưng gần tết âm lịch mới chín đều. Loại này bán chạy nhất vì ai cũng ưng mua chưng tết. Quýt càng chín càng đỏ ửng và to trái, ruột không khô như quýt Trung Quốc. Quýt tiều để trên cây đến chín trái thường to bằng chén ăn cơm, ngọt và thơm. Nhưng chưa chín thì chua, nên chín lứa nào bán ngay lứa đó. Quýt đường thua quýt tiều ở chỗ nhỏ trái hơn, nhưng tên sao vị vậy, ngọt như đường nên những người thích ăn vị ngọt thanh không chuộng lắm. Vỏ quýt đường màu vàng sậm chứ không đỏ cam như quýt tiều. Nhưng quýt đường không kén vị như quýt tiều, trái hơi ửng chín đã ngọt, dễ ăn dễ bán. Còn một thứ quýt khác là quýt giấy, trái cỡ quýt đường, vị chua pha ngọt. Vỏ chín ửng xanh. Cũng ngon vì phụ nữ Việt thường thích trái cây phải chua chua ngọt ngọt. Còn vì sao trồng quýt, chị nói một cách giản dị: “Ngày xưa trồng bơ với hồng. Giờ hồng quanh vùng ai cũng trồng, bơ cũng có khắp Tây nguyên nên chuyển sang trồng quýt bán tết. Cũng trồng nhiều năm lắm rồi. Đóng hàng ra tận Nha Trang, Đà Nẵng…”.

Thủ phủ hồng mùa này đâu đâu cũng quýt 
Vườn quýt hồng bên đồi thông 
Thủ phủ hồng mùa này đâu đâu cũng quýt 
Hái quýt

3. Tháng 11, khi những vườn hồng ở D’ran bắt đầu hiếm trái muộn thì trong xa phía núi, những vườn quýt hồng bắt đầu vàng rồi đỏ trái. Mùa thu hoạch rộ vào rằm tháng 12, vì nhà nhà quanh vùng đều muốn chưng dĩa quýt đỏ hồng cúng vào dịp cuối năm. Sau đó là những mùa thu hoạch rộn ràng hối hả, từ trên các triền núi, quýt liên tục được hái, bọc và bỏ vào thùng, chuyên chở bằng xe xuống các điểm tập kết, từ đó tỏa đi các vùng miền. Đến 28 tết mới ngừng lại. Với tay xem thử một chùm quýt đang chín, chị chủ vườn nói là đang cắt lai rai. Giờ thì chưa nhiều, chỉ vài chục ký mỗi bận khách gọi. Chừng tuần sau thôi là phải kêu công vì đóng hàng cả tạ, sát tết thì cả tấn. “Không biết quýt Lai Vung miền Tây ngon vị ra sao, nhưng đều là quýt quê nhà Việt Nam, phục vụ vừa bụng người Việt là thấy vui rồi. Mình cũng gốc miền Tây, theo chồng xa xứ rồi bám rễ xứ D’ran này”, chị nói. Bẻ cho chúng tôi mỗi thứ vài quả quýt, chị chỉ dẫn thêm: “Quýt xứ mình nhiều trái coi cái vỏ nó xấu, da rám rám, có trái còn hơi méo, nhưng như vậy mới đúng là quýt tự nhiên. Quýt tiều D’ran chưng lâu cũng không nên quá ba tuần. Ăn sẽ giảm đi vị ngọt ngon”.

Thủ phủ hồng mùa này đâu đâu cũng quýt 
Quýt chín 
Thủ phủ hồng mùa này đâu đâu cũng quýt 
Quýt D’ran vẻ ngoài xấu nhưng vỏ mỏng, múi mọng nước và thơm ngọt 

4. Chia tay chị chủ vườn, bất ngờ khi nghe bạn nói: “Còn mấy vườn lớn lắm trong sâu. Cũng không xa, thêm 2 – 3km nữa. Xe leo dốc không nổi thì bỏ đó, đi bộ”.  Nắng chiều đang rải khắp lưng núi. Mùa còn đông nên sương xuống rất nhanh. Nên dù tiếc, chúng tôi vẫn phải phi ngựa sắt ra về, với một lời hò hẹn: sẽ quay lại vào mùa hồng D’ran chín rộ, cũng là mùa hoa quýt nở trắng ven lưng chừng chân núi phía trong.

Thông tin cho bạn: D’ran là một thị trấn nhỏ, nằm cách Đà Lạt 40km, thuộc huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Có hai cách đi: Một là theo quốc lộ 20 rẽ qua ngã ba Phi Nôm, chạy khoảng 30km, qua một cây cầu sắt là tới tấm bảng thị trấn Đơn Dương đón chào quý khách. Sau đó hỏi thêm đường đến D’ran. Đường này ngoài hoa dã quỳ (nếu đúng mùa) còn có những cánh đồng hoa layơn. Một đường ngắn hơn là về hướng Trại Mát, Xuân Trường, Cầu Đất. Ngoài tham quan đồi trà Cầu Đất còn hứng gió đèo D’ran quanh co, ngắm hồ chứa Đa Nhim từ trên cao rồi vào ngay thị trấn D’ran.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : D'ranthủ phủvườn hồngvườn quýt

Các tin liên quan đến bài viết