Ngành y tế các tỉnh thành ĐBSCL đang đau đầu trước thực trạng thiếu bác sĩ cho y tế công lập, đặc biệt là tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh thành, lượng bác sĩ có tay nghề xin nghỉ việc, chuyển công tác… đang khá phổ biến.
Tình trạng này xảy ra ở nhiều tỉnh thành như Cần Thơ, Hậu Giang, Long An, Vĩnh Long, Cà Mau…, khiến nhiều bệnh viện tuyến tỉnh ở ĐBSCL lâm vào cảnh khó khăn do thiếu bác sĩ cho công tác khám điều trị.
Ra đi
Theo ông Văn Công Minh – phó giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, năm 2017 có 7 bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long có thâm niên công tác và được đào tạo sau đại học xin nghỉ việc.
Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2018, bệnh viện đã có thêm 6 bác sĩ nghỉ việc và trên 10 trường hợp khác ở Vĩnh Long nộp đơn xin nghỉ.
Ông Minh cho biết theo đơn xin nghỉ việc, đa số các y, bác sĩ đều nêu lý do hoàn cảnh gia đình.
Tuy nhiên qua tìm hiểu, đa số bác sĩ vì chuyện thu nhập nên đã bỏ việc ở bệnh viên công ra ngoài làm cho tư nhân.
Tại Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, từ năm 2016 đến nay đã có 33 bác sĩ xin nghỉ việc (năm 2016 là 14 bác sĩ, năm 2017 thêm 14 bác sĩ nữa, đầu năm 2018 đến nay 5 bác sĩ).
Một địa phương vùng sâu vùng xa, mới chia tách như Hậu Giang cũng đang gặp phải “làn sóng” dịch chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư.
Ông Phan Thanh Tùng – phó giám đốc Sở Y tế Hậu Giang – cho hay năm 2016 đến nay có 19 bác sĩ nghỉ việc (năm 2017 có 11 trường hợp bác sĩ nghỉ việc, từ đầu năm 2018 đến nay có thêm 7 trường hợp), trong số này bỏ việc do thu nhập và điều kiện làm việc chưa đáp ứng được yêu cầu của bác sĩ. Nhiều bác sĩ giỏi, thạo việc được đào tạo nhiều năm cũng ra đi.
Tại Cà Mau, theo thống kê của Sở Y tế, từ năm 2015 đến tháng 3-2018 đã có 105 viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập nghỉ, bỏ việc (97 bác sĩ và 8 dược sĩ).
Trong số đó nhiều người trình độ sau đại học, có kinh nghiệm lâu năm công tác, số bác sĩ nghỉ việc nhiều tập trung ở Bệnh viện Đa khoa Cà Mau, Bệnh viện Đa khoa huyện Cái Nước…
Lý do xin nghỉ việc ở bệnh viện thông thường là do hoàn cảnh gia đình ở xa, phải xin về gần nhà; xin nghỉ để có điều kiện tự túc đi học nâng cao trình độ…
Một lý do ít được nêu trong đơn xin nghỉ mà tất cả lãnh đạo các bệnh viện công đều biết, đó là do thu nhập của bác sĩ ở bệnh viện công thấp, điều kiện làm việc chưa tốt cộng với áp lực công việc do lượng bệnh nhân đông, nhiều người còn bị trừ tiền hằng tháng khi ký hồ sơ bệnh án bị bảo hiểm y tế xuất toán…
Giải pháp: “hi vọng sắp tới”
Nhận định về thực trạng bác sĩ công nghỉ việc qua bệnh viện tư, ông Trần Minh Thiệt – giám đốc Bệnh viện Đa khoa Năm Căn (tỉnh Cà Mau) – cho rằng: “Theo tôi, chủ yếu là do cơ chế. Hiện nay bệnh viện công trả lương theo ngạch, bậc. Bác sĩ mới vào nghề thì lương từ 3 – 4 triệu, lâu thì khá hơn. Nhưng khi ra bệnh viện tư làm, bác sĩ có tay nghề được trả vài chục triệu.
Đặc biệt là bác sĩ đưa đi đào tạo sau đại học, đa số học xong về là… mất tiêu, thậm chí có trường hợp đưa đi đào tạo chưa xong thì đã làm nơi khác”.
Tương tự, bác sĩ Bùi Đức Văn – giám đốc Bệnh viện Đa khoa Cà Mau – nói: “Nhiều bệnh viện cũng muốn tăng thu nhập cho bác sĩ nhưng do điều kiện khó khăn, hi vọng sắp tới khi giao tự chủ tài chính cũng phải tính đến trả lương theo vị trí việc làm, vậy mới giữ chân bác sĩ giỏi”.
Theo ông Huỳnh Minh Phú – trưởng phòng tổ chức Bệnh viện Đa khoa Cần Thơ, bệnh viện cũng đã có một số giải pháp trước mắt như tuyển dụng thêm bác sĩ, khi tuyển dụng bệnh viện cho hưởng 100% lương thay vì 85% theo quy định, tạo điều kiện cho đi học các lớp định hướng chuyên khoa…
Về lâu dài, sắp tới bệnh viện hướng đến tự chủ về tài chính, tăng cường thực hiện dịch vụ kỹ thuật cao để tạo nguồn thu, tăng thu nhập cho nhân viên…
Về giải pháp, ông Phan Thanh Tùng – phó giám đốc Sở Y tế Hậu Giang – nêu: “Theo tôi, cần cải cách chính sách tiền lương, tạo điều kiện tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống, tăng cường trang thiết bị y tế hiện đại, tạo điều kiện cho đi học để bác sĩ nâng cao trình độ… để giải quyết tình trạng bác sĩ nghỉ việc ở bệnh viện công”.
Thành phố lớn: bác sĩ mơ ước bệnh viện công
Bác sĩ rời bệnh viện công ở ĐBSCL và nhiều vùng, nhưng các thành phố lớn thì bệnh viện công vẫn là những địa chỉ mơ ước, do những quyền lợi mà bệnh viện tư không thể nào có được như học bổng đi học ở nước ngoài, thương hiệu cá nhân, môi trường làm việc ổn định và nhiều lợi thế khác.
Một chuyên gia về chính sách y tế cho biết tại Hà Nội từng có một làn sóng bác sĩ bệnh viện công nghỉ việc đi làm tại bệnh viện tư vào khoảng năm 2012-2013.
Khi đó đã có một số phó trưởng khoa đương chức đang làm việc tại các bệnh viện Xanh Pôn, Bạch Mai, Việt Đức nghỉ việc để chuyển sang làm việc cho một bệnh viện tư lớn.
Lương của bệnh viện tư lúc đó dành cho các bác sĩ chuyển việc khoảng 60 triệu đồng/tháng trở lên. Tuy nhiên sau làn sóng này, đến nay chưa có thêm bác sĩ công nghỉ việc sang làm việc tại bệnh viện tư, ở thành phố lớn bác sĩ về hưu mới sang làm việc ở khu vực tư nhân.
Giám đốc một bệnh viện tư lớn ở Hà Nội cũng nhìn nhận ưu thế được đào tạo liên tục cộng với nhiều ưu đãi về cơ hội học thêm nên bác sĩ đang có vị trí vững ở bệnh viện công các thành phố lớn rất ít khi chuyển sang bệnh viện tư.
Bên cạnh đó nếu bệnh viện công, kể cả bệnh viện ở tuyến huyện, chi trả mức lương hợp lý thì bác sĩ cũng sẵn sàng gắn bó với bệnh viện công.
Tuy nhiên, với những bác sĩ bỏ bệnh viện công ở các thành phố lớn, nguyên nhân được cho không phải là thu nhập.
Bác sĩ C., người được đánh giá là “cây mổ” uy tín nhiều năm qua tại một bệnh viện tuyến quận ở TP.HCM, cuối cùng phải dứt áo ra đi vì “không chịu nổi cách quản lý ở bệnh viện công”.
“Mọi người hay nói lý do ra đi là thu nhập, bản thân tôi khẳng định thu nhập chỉ là thứ yếu bởi với một bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi sống nhờ người bệnh tin tưởng, họ có vô vàn cơ hội để kiếm thêm thu nhập như cố vấn chuyên môn, hợp tác ngoài giờ, mở phòng mạch…” – bác sĩ C. nói.
Ông cho rằng điều ông cảm thấy không hài lòng nhất ở bệnh viện công là thiếu sự công bằng, rạch ròi.
“Người lãnh đạo chưa hẳn có trình độ chuyên môn để anh em tôn trọng toàn tâm cống hiến, chưa kể lại tạo phe cánh, mất công bằng trong việc tạo cơ hội cho tất cả nhân viên” – bác sĩ C. bức xúc.
Lo ngại bệnh viện tự chủ càng tiết kiệm nhân lực
Bộ Y tế vừa có quyết định chuyển 25 bệnh viện trực thuộc bộ sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính. Nhiều địa phương cũng thực hiện cơ chế này.
Khi thực hiện tự chủ tài chính, giám đốc bệnh viện được tự quyết, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của bệnh viện.
Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải cảnh báo là khi tự chủ, giám đốc bệnh viện có thể siết quỹ lương, nhân lực y tế có nguy cơ không đáp ứng đủ số lượng và nhu cầu điều trị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức ngành y tế cho hay hiện đã có đề án vị trí việc làm, bệnh viện được quyền tự xác định số lượng cán bộ, trong đó có số bác sĩ. “Nhiều bệnh viện tuyến dưới thì mời bác sĩ cũng không về, ưu tiên tuyển dụng cũng không về” – vị quan chức này cho biết.
Thu nhập thấp, quá nhiều áp lực
Là một bác sĩ công tác hơn 5 năm, thu nhập ở bệnh viện của tôi chỉ được 5-6 triệu đồng/tháng. Chưa kể có những khi ký hồ sơ bệnh án, phẫu thuật… không đúng với quy định của bảo hiểm y tế nên bị xuất toán, bệnh viện trừ lại tiền công phẫu thuật của bác sĩ…
Đến ca trực là lao vào mổ cấp cứu bệnh nhân đầu tắt mặt tối, trong khi tiền trực, tiền phẫu thuật chỉ vài chục ngàn đồng…
Nói chung một bác sĩ làm việc ở bệnh viện công bị quá nhiều áp lực, áp lực từ phía người bệnh, từ lãnh đạo khoa phòng, từ bảo hiểm y tế…
Bác sĩ D. (người đã có nhiều năm công tác tại một bệnh viện công ở Cần Thơ, vừa nghỉ việc ra làm bệnh viện tư)
79 nhân viên, 2.000 người bệnh
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên lề hội nghị của CLB giám đốc các bệnh viện khu vực phía Bắc vừa được tổ chức, phó trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội VN Lê Văn Phúc cho hay các con số về nhân lực y tế được thông báo tại đây làm ông Phúc e ngại về chất lượng khám chữa bệnh.
Ông Phúc cho hay Bệnh viện Nga Sơn, Thanh Hóa có 37 bác sĩ mà mỗi ngày có 300-350 bệnh nhân nội trú, 400 bệnh nhân khám, trong khi bác sĩ làm theo ca không phải ngày nào cũng đủ 37 bác sĩ làm việc.
Hay khoa khám bệnh theo yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai có 79 cán bộ, y bác sĩ mà mỗi ngày khám cho khoảng 2.000 bệnh nhân, trung bình mỗi ngày mỗi bác sĩ có thể khám đến cả trăm bệnh nhân.
Bệnh viện Việt Đức có khoảng 400 bác sĩ và là bệnh viện có số lượng bác sĩ lớn, nhưng năm 2017 vừa qua phẫu thuật tới 70.000 ca, năm 2018 lên xấp xỉ 80.000 ca.
“Với số lượng bệnh nhân đến khám lớn như thế thì không đảm bảo yếu tố về thời gian để đảm bảo bác sĩ hỏi đủ các vấn đề liên quan đến bệnh tật, tiền sử bệnh và dùng thuốc của bệnh nhân” – ông Phúc nhận xét.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bác sĩ Trương Hữu Khanh – trưởng khoa nhiễm, thần kinh (Bệnh viện Nhi Đồng 1) – cho biết mong muốn mỗi bác sĩ khám cho khoảng 50 bệnh nhân/ngày là điều không thể trong tình hình thiếu nhân viên y tế như hiện nay.
Theo bác sĩ Khanh, hiện nay ở một số bệnh viện tương đối quá tải bác sĩ phải khám cho khoảng 80, thậm chí cả trăm bệnh nhân một ngày.
Chưa kể ở từng khoa bác sĩ ấy phải lo kiểm tra sức khỏe cho khoảng 20 ca bệnh, do đó đòi hỏi bác sĩ phải có kỹ năng riêng để khám đảm bảo chất lượng.
Nguồn: tuoitre.vn