Chính quyền Thái Lan ngày 12/7 đã áp đặt những biện pháp hạn chế chặt chẽ nhất trong hơn một năm qua, nhằm ngăn chặn đà lây lan virus corona ở thủ đô Bangkok.
Loạt biện pháp hạn chế tại Bangkok, được cho là sẽ tác động đến hơn 10 triệu người, dự kiến sẽ kéo dài trong 2 tuần và có thể được gia hạn, nhằm đối phó đợt bùng phát Covid-19 bắt nguồn từ biến thể Delta.
Giới chức Thái Lan đã ban bố lệnh giới nghiêm có hiệu lực từ 9 giờ tối hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, đồng thời dựng lên 145 chốt kiểm soát tại 10 tỉnh có nguy cơ cao, trong đó 88 điểm tại thủ đô Bangkok, để ngăn hoạt động đi lại không thiết yếu. Nhiều hãng hàng không Thái Lan đã phải hủy hoặc cắt giảm các chuyến bay nội địa.
Người dân xếp hàng thâu đêm tại một điểm xét nghiệm Covid-19 ở thủ đô Bangkok. |
Người dân Bangkok và những khu vực lân cận cũng được kêu gọi làm việc tại nhà, đồng thời không được tụ tập quá 5 người tại nơi công cộng. Phần lớn cửa hàng trong thành phố phải ngừng hoạt động. Chỉ có siêu thị, nhà hàng, ngân hàng, hiệu thuốc và cửa hàng điện tử trong các trung tâm thương mại được phép hoạt động.
Thái Lan ngày 12/7 đã ghi nhận thêm 8.656 ca nhiễm và 80 người tử vong bởi Covid-19, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 345.027 và 2.791. Phần lớn trong số các ca nhiễm và tử vong mới bắt nguồn từ đợt bùng phát từ đầu tháng 4, liên quan đến các biến thể Alpha và Delta có khả năng lây nhiễm cao.
Cơ chế COVAX có thêm nguồn cung mới
Ngày 12/7, Liên minh vắc xin GAVI cho biết 2 nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm sẽ góp 110 triệu liều vắc xin Covid-19 cho những nước đăng ký tiếp nhận vắc xin theo cơ chế COVAX.
Ông Seth Berkley, Giám đốc GAVI, hoan nghênh các thỏa thuận khi bổ sung thêm 2 loại vắc xin vào danh mục COVAX. Tính đến nay, danh mục này đã có 11 loại vắc xin, trong đó có các loại do AstraZeneca, Johnson & Johnson, Moderna và Pfizer sản xuất, và một số ứng cử viên vắc xin tiềm năng khác.
“Vì những loại vắc xin này đã được đưa vào danh mục sử dụng khẩn cấp của WHO, chúng tôi có thể bắt đầu phân phối chúng ngay lập tức cho các quốc gia đang cần”, ông Seth Berkley cho biết thêm.
Theo ước tính, đến giữa năm 2022, tổng cộng khoảng 170 triệu liều vắc xin của Sinopharm và 380 triệu liều của Sinovac có khả năng sẽ được cung cấp cho COVAX. Các liều vắc xin này sẽ được phân bổ đến cả các quốc gia nghèo thuộc diện nhận tài trợ và cả những quốc gia đăng ký mua vắc xin thông qua COVAX.
Nguy cơ khoảng 30% người bị mất trí nhớ sau khi nhiễm Covid-19
Khoảng 30% trong số 128 người khỏi Covid-19 tham gia khảo sát của Đại học Trung Văn Hong Kong (Trung Quốc) cho biết, mình quên tên bạn bè hoặc không thể tập trung vào công việc, báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin hôm 12/7.
Bên cạnh việc bị mất trí nhớ, khoảng 30% người được khảo sát cũng có triệu chứng lo âu, trầm cảm, chấn thương tâm lý sau sang chấn, và thậm chí có ý nghĩ tìm tới cái chết.
Trên thế giới cũng từng ghi nhận trường hợp người khỏi Covid-19 bị suy yếu khả năng tư duy sau khi nhiễm virus corona. Đây là một trong nhiều triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19. Tuy hiện tượng suy yếu khả năng tư duy cũng thường xuất hiện ở người vừa khỏi bệnh cấp tính, độ phổ biến và thời gian tồn tại của những triệu chứng này chưa từng được ghi nhận, kể cả trong dịch viêm đường hô hấp cấp SARS.
WHO không khuyến khích tăng số liều vắc xin
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hôm 12/7 cho biết, các nước giàu không nên tăng số liều vắc xin được tiêm cho người dân của mình, trong bối cảnh nhiều các nước khác vẫn chưa được tiếp nhận đầy đủ vắc xin Covid-19.
Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO, cho biết số ca tử vong bởi Covid-19 đang gia tăng trở lại, biến thể Delta đang trở nên thống trị trong khi nhiều quốc gia vẫn chưa nhận đủ liều vắc xin để bảo vệ nhân viên y tế của mình.
“Biến thể Delta đang tung hoành khắp thế giới với tốc độ kinh hoàng, tạo nên một đợt tăng đột biến mới về số ca nhiễm và tử vong bởi Covid-19”, ông Tedros nói trong một cuộc họp báo.
“Khoảng cách toàn cầu về nguồn cung vắc xin Covid-19 là rất không đồng đều và không công bằng. Một số quốc gia và khu vực đang thực sự đặt mua hàng triệu liều vắc xin tăng cường, trước cả khi các quốc gia khác có đủ nguồn cung vắc xin để tiêm chủng cho các nhân viên y tế của họ và những người dễ bị tổn thương nhất”, Tổng giám đốc WHO phản ánh thêm.
Pháp bắt buộc tiêm vắc xin đối với các nhân viên y tế
Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 12/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố để chống lại sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19, việc tiêm vắc xin phòng virus corona sẽ được thực hiện bắt buộc đối với tất cả các nhân viên y tế và những công việc khác có tiếp xúc với những bệnh nhân dễ bị tổn thương.
Tổng thống Macron cũng nói thêm rằng, các biện pháp kiểm soát và trừng phạt mới sẽ được áp dụng từ ngày 15/9 tới. “Nếu chúng ta không hành động ngay bây giờ, số ca nhiễm và số ca nhập viện sẽ tăng lên,” ông Macron nói.
Dù một số phong trào chống vắc xin đang có dấu hiệu lớn mạnh ở Pháp, song các nhà chức trách vẫn cố gắng thuyết phục được đủ người, bao gồm cả các nhân viên y tế, tự nguyện tiêm chủng và hạn chế sự lây lan của virus corona.
Số liều vắc xin Covid-19 được sử dụng trung bình mỗi ngày tại Pháp đã giảm từ hơn 400.000 liều/ngày vào cuối tháng 5, xuống còn khoảng 165.000 liều/ngày ở thời điểm hiện tại.
Nguồn: vietnamnet