Nhiều cửa hàng và trung tâm thương mại ở Auckland, New Zealand đã được mở cửa trở lại vào hôm 10/11, sau ba tháng phải đóng cửa do dịch Covid-19.

Theo trang Channel News Asia, nhiều cửa hàng bán lẻ ở Auckland, New Zealand đã tràn ngập khách hàng trong nhiều giờ đồng hồ sau khi mở cửa trở lại, trong khi các thư viện, viện bảo tàng và sở thú cũng được phép mở lại.

Tuy nhiên, một số dịch vụ như khách sạn, nhà hàng và quán bar vẫn chưa được hoạt động trở lại, trừ khi tỷ lệ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 ở thủ đô Auckland đạt chỉ tiêu.

Thủ đô New Zealand nới hạn chế, Đức khuyến cáo về vắc xin Pfizer
Người dân Auckland, New Zealand đi mua sắm hôm 10/11.

“Chính phủ vẫn giữ liên lạc với những đại diện của các ngành dịch vụ… Chúng tôi hiểu điều này khó khăn như thế nào. Nhưng tia sáng đã xuất hiện ở cuối đường hầm. Chúng ta sẽ thấy các ngành dịch vụ mở cửa trở lại trong một tương lai rất gần, khi Auckland bắt đầu đạt được các mục tiêu tiêm chủng”, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói.

“Auckland sẽ chuyển sang hệ thống ‘đèn giao thông’ mới để kiểm soát dịch bệnh thay vì phong tỏa, một khi 90% người dân thành phố được nhận đủ liều vắc xin. Cho tới nay, đã có khoảng 84% người dân Auckland được nhận hai mũi tiêm”, bà Ardern nói thêm.

Theo nguồn tin từ Chính phủ New Zealand, các học sinh ở thủ đô Auckland có thể cắp sách tới trường học kể từ ngày 17/11 tới.

Đức khuyến cáo về vắc xin của Pfizer/BioNtech

Ủy ban tư vấn vắc xin Đức (STIKO) hôm 10/11 tuyên bố chỉ nên tiêm cho người dưới 30 tuổi vắc xin phòng Covid-19 Pfizer/BioNtech, do loại vắc xin này gây ra số ca viêm tim ít hơn so với vắc xin do Moderna sản xuất.

Theo hãng tin Channel News Asia, đây là lần thứ hai trong vài ngày qua một cơ quan y tế châu Âu khuyến cáo người dưới 30 tuổi nên tiêm vắc xin của Pfizer/BioNtech thay vì vắc xin do Moderna sản xuất.

Trước đó, hôm 8/11, cơ quan cố vấn y tế của Pháp Haute Autorite de Sante (HAS) đã đưa ra khuyến cáo tương tự.

“Đối với dân số ở độ tuổi dưới 30, nguy cơ xuất hiện chứng viêm tim khi tiêm vắc xin của Pfizer/BioNtech thấp hơn 5 lần so với vắc xin được Moderna sản xuất”, tờ Channel News Asia trích dẫn bản nghiên cứu được HAS công bố nêu rõ.

Mỹ đặt mục tiêu tiêm chủng cho trẻ em

Theo thông cáo của Nhà Trắng hôm 10/11, sẽ có khoảng 900.000 trẻ em nước này được nhận vắc xin Covid-19 trong tuần đầu tiêm chủng. Các quan chức Nhà Trắng cũng yêu cầu các trường học chia sẻ thông tin từ “những người đưa tin đáng tin cậy” như các bác sĩ hoặc quan chức y tế cộng đồng, nhằm đối phó những thông tin sai lệch về vắc xin.

Hãng tin AP cho biết đã có gần 20.000 hiệu thuốc, trạm y tế và văn phòng bác sĩ trên khắp nước Mỹ đăng ký tham gia chương trình tiêm chủng cho trẻ em. Và hiện có khoảng 28 triệu trẻ em Mỹ từ 5-11 tuổi đủ điều kiện để nhận vắc xin, với liều lượng bằng 1/3 mức tiêm dành cho thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành.

Một số diễn biến khác về dịch bệnh

Cập nhật lúc 5h sáng ngày 11/11 của trang thống kê toàn cầu Worldometers cho thấy, dịch Covid-19 đang hoành hành ở 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm virus cho hơn 252 triệu người và cướp đi mạng sống của gần 5,1 triệu bệnh nhân. Số hồi phục đạt hơn 228,1 triệu trường hợp.

Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ở châu Âu Hans Kluge hôm 10/11 cảnh báo Covid-19 sẽ không kết thúc cho đến khi các quốc gia “học cách sống với virus”. Ông Kluge cũng cảnh báo rằng, WHO không thể tuyên bố chấm dứt đại dịch trong khi nguy cơ các hệ thống y tế không thể đối phó được với số ca bệnh tăng đột biến vẫn hiện hữu.

“Chúng ta phải học cách sống với virus. Chừng nào hệ thống y tế của chúng ta chưa bị ‘áp đảo’ bởi số ca nhập viện và tử vong do Covid-19, thì hệ thống đó vẫn cung cấp được các dịch vụ như trước, và đại dịch sẽ có thể trở thành bệnh đặc hữu”, hãng tin RT dẫn lời ông Kluge nói.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : đứcNew Zealandtiêm chủngTình Hình Covid-19 Thế Giớivắc xin covid-19

Các tin liên quan đến bài viết