Thủ đô Brussels của Bỉ những ngày gần đây đã phải siết chặt các biện pháp phòng dịch Covid-19, khi số ca nhiễm ngày một gia tăng.
Reuters dẫn lời Thị trưởng Rudi Vervoort nói trong cuộc họp báo ngày 7/10 cho biết, các quán bar và cà phê sẽ phải đóng cửa trong một tháng kể từ 8/10. Các cơ quan chức năng Brussels sẽ có cuộc họp trong ngày 9/10 để bàn cách giữ cho các cơ sở giáo dục tiếp tục hoạt động.
Trước đó, Bỉ đã áp đặt một loạt các biện pháp phòng dịch trên toàn quốc từ ngày 6/10, như bắt các quán bar đóng cửa vào 23h đêm, nghiêm cấm người dân tụ tập quá 4 người…
Nhiều nơi công cộng ở Brussels, Bỉ phải đóng cửa do dịch bệnh. |
Các chuyên gia y tế nhận định, tác nhân gây ra ‘làn sóng dịch’ Covid-19 thứ hai ở Bỉ cũng như nhiều nơi khác ở châu Âu là do người dân cảm thấy mệt mỏi sau nhiều tháng giãn cách xã hội.
Số liệu từ Worldometers tính tới hết ngày 7/10 cho thấy, Bỉ đã ghi nhận 134.291 ca nhiễm kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này, trong đó hơn 10.000 người đã tử vong.
Tình hình dịch trên toàn cầu
Dịch Covid-19 đã lây nhiễm cho hơn 36,3 triệu người trên khắp thế giới, trong đó 1.059.592 người tử vong. Số liệu trên được Worldometers cập nhật lúc 6h sáng nay (8/10). Số ca hồi phục trên thế giới đạt hơn 27,3 triệu người.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất thế giới, với tổng số người nhiễm và thiệt mạng kể từ đầu dịch Covid-19 đến nay là 7.767.336 và 216.596. Ổ dịch lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ với 6.832.988 người nhiễm và 105.554 ca tử vong. Kế đó là Brazil với 5.000.694 người bệnh, bao gồm 148.228 người trong đó đã tử vong.
Y tế Cộng hòa Czech nguy cơ bị ‘tắc nghẽn’
Dữ liệu do Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu công bố cho thấy, tỷ lệ mắc Covid-19 tại Cộng hòa Czech hai tuần gần đây là 326,8 ca/100.000 dân, cao hơn cả Tây Ban Nha, một trong những quốc gia châu Âu chịu thiệt hại nặng nề nhất do dịch bệnh.
Từ 5/10, Czech đã buộc phải tái áp đặt lệnh hạn chế đối với các doanh nghiệp và nhiều sự kiện công cộng, bao gồm cấm người dân tụ tập trên 20 người hay đóng cửa các trường trung học.
“Nếu chính phủ không tiếp tục đưa ra các biện pháp phòng dịch trong tuần tới, thì đây sẽ là ‘một thảm họa’. Bởi nếu dịch bệnh vẫn tồi tệ, thì khả năng chăm sóc y tế của chúng ta sẽ hoàn toàn bị ‘tắc nghẽn’. Chúng ta không thể để điều này xảy ra”, Bộ trưởng Nội vụ Jan Hamacek nói.
Số ca nhiễm tại Pháp tăng mạnh
Pháp trong ngày 7/10 ghi nhận 18.746 ca nhiễm mới, cao hơn nhiều so với con số 10.489 người mắc bệnh được công bố một ngày trước đó. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải đưa ra các lệnh hạn chế mới nhằm kiềm chế dịch bệnh.
Nguồn: vietnamnet