Việc Thủ tướng lắng nghe ngành du lịch, Chính phủ đồng thuận trình Quốc hội về chính sách visa cởi mở là thông điệp mạnh mẽ nhất cho du lịch từ trước đến nay về thể chế và sự quan tâm của nhà nước với ngành kinh tế chủ lực.
LTS: Tuần Việt Nam ghi lại ý kiến của doanh nhân Đoàn Văn Bình về cơ hội cho ngành du lịch cất cánh sau khi Chính phủ đề xuất Quốc hội cấp visa điện tử cho tất cả các nước và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách quốc tế.
Khi đến Mauritius gần đây, tôi được hướng dẫn khai Tờ khai nhập cảnh (VOA) và Tờ khai y tế, chỉ mất vài phút là xong. Đến quầy làm thủ tục nhập cảnh, nhân viên nhập cảnh kiểm tra rất nhanh và đóng dấu visa vào hộ chiếu.
Tôi mở ví, chuẩn bị tiền nộp phí visa như một thói quen khi đến các nước khác nhưng nhân viên nhập cảnh cười và nói không mất phí. Tôi buột miệng nói: “Ồ, hay quá. Quốc gia của bạn rất thông minh và thân thiện”. Anh ta cười và nói: “Chào mừng bạn!”
Mauritius không thu phí cho tờ khai nhập cảnh. Đó là một phần lý do quan trọng để đảo quốc nằm ở Đông Phi có dân số 1,3 triệu mà đón tới 1,3 triệu khách quốc tế mỗi năm. Du lịch mang lại cho đảo quốc này nguồn ngoại tệ chính.
Tại sao phải thu vài chục đô la trong khi mỗi du khách quốc tế thường chi cả nghìn đô?! Đúng là họ biết cách thả con săn sắt, bắt con cá rô.
Tôi đã đi du lịch nhiều nơi. Ở Châu Phi, ngoại trừ Nam Phi phải xin visa qua đại sứ quán, đại đa số các nước Châu Phi đều cấp visa online, chi phí cho tờ khai nhập cảnh từ 10 USD đến 50 USD.
Đài Loan cho phép du khách đến đây nếu có visa còn hiệu lực của Mỹ, Canada, Nhật Bản, Anh, Schengen, châu Âu, Úc và New Zealand. Trong ASEAN, ngoại trừ Myanma, các nước khác có chính sách cấp visa thông thoáng để thu hút du khách. Và còn rất nhiều ví dụ khác ở các châu lục khác.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính lan tỏa đến rất nhiều nghành kinh tế khác.
Hiện nay, trên thế giới có nhiều chính sách visa như xin ở Đại sứ quán/Lãnh sự quán (Embassy visa); visa điện tử (E-visa); Visa cấp tại cửa khẩu (on-arrival hay VOA, cấp tại nhà ga hàng không, cảng biển, cửa khẩu biên giới) và Miễn visa (free visa).
Nhiều người nói, chính sách cấp visa có đi có lại giữa các quốc gia, quốc gia này miễn cho công dân của quốc gia khác và ngược lại. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi cho thấy, điều này không đúng trên thực tế.
Tôi rất vui sau khi đọc bài viết “Một rào cản chính sách được bật đèn xanh tháo gỡ” trên Tuần Việt Nam về việc Chính phủ thống nhất đề xuất Quốc hội cấp visa điện tử cho tất cả các nước và kéo dài thời gian lưu trú cho du khách quốc tế. Đây là bước đột phá, quyết tâm rất cao về vấn đề visa mà nhiều năm nay không giải quyết được.
Nhân tiện, tôi xin góp ý thêm xem chính sách visa của Việt Nam nên tiếp tục cải thiện như thế nào.
Ngoài việc mở rộng diện cấp visa online cho tất cả các nước, cần quy định thật rõ thủ tục ngắn gọn, minh bạch, không phiền hà, không sách nhiễu. Tránh tình trạng, xin visa online nhưng phức tạp, mất thời gian, tốn kém hơn xin visa ở cơ quan ngoại giao.
Cần nghiên cứu mức phí hợp lý. Với một số nước có du khách quốc tế chi tiêu bình quân trên 1.000 USD/người/entry cho phép miễn phí visa để khuyến khích họ quay lại.
Cần tăng cường cấp visa tại cửa khẩu để thu hút thêm du khách quốc tế vì sự thuận tiện của loại visa này. Hiện thủ tục xin nhập cảnh đang bị hạn chế nhóm đối tượng, phải khai form trên website trực tuyến của Bộ Ngoại Giao, phải có thư chấp thuận của Đại sứ quán Việt Nam gần nhất. Như vậy là khá phức tạp. Thủ tục nhập cảnh cần cho phép đơn giản như các nước, xét duyệt nhân sự ngay tại cửa khẩu, khách du lịch đến cửa khẩu và khai form, nộp phí visa theo quy định được cấp visa, trừ các trường hợp đặc biệt ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Cần quy định rõ hơn thời gian gia hạn miễn visa nhập cảnh cho công dân các nước đang áp dụng chính sách đơn phương miễn visa nhập cảnh lên 5 năm để các cơ quan, doanh nghiệp và các đối tác có thể xây dựng kế hoạch phù hợp nhằm khai thác thị trường hiệu quả.
Xét về nhiều thứ, Việt Nam có tiềm năng du lịch rất đặc biệt và nổi bật. Chỉ tiếc là tiềm năng đó vẫn như “cô gái ngủ trong rừng”.
Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), du lịch của chúng ta xếp thứ 52 trên 117 quốc gia được xếp hạng về chỉ số năng lực phát triển du lịch toàn cầu năm 2021. Như vậy, sức hấp dẫn du lịch của chúng ta không vượt trội.
Chúng ta đang nỗ lực để cải thiện các chỉ số cạnh tranh du lịch.
Hiểu rõ sức hấp dẫn của ngành du lịch còn ở mức bình thường rất quan trọng để chúng ta biết mình là ai, phải nỗ lực thật sự như thế nào. Biết mình biết ta, trăm trận trăm thắng.
Để phát triển đất nước nhanh hơn, bền vững hơn, tiến bộ hơn, nhà nước, doanh nghiệp và người dân đều cần làm tốt phần việc của mình mới mong thu hút du khách quốc tế đến với Việt Nam. Các nước trong khu vực và trên thế giới đều coi trọng du lịch, lấy du lịch làm ngành kinh tế quan trọng. Khi sân chơi có nhiều người chơi, cạnh tranh luôn diễn ra khốc liệt.
Bên cạnh đó, vẫn theo Diễn đàn kinh tế thế giới, mức độ ưu tiên của chúng ta cho du lịch xếp 100/140 nước năm 2019. Trong đó, mức độ ưu tiên của Chính phủ cho ngành du lịch xếp 89/140; Chi tiêu của Chính phủ cho ngành du lịch 118/140; Mức độ toàn diện về dữ liệu thống kê du lịch hàng năm 112/140; Mức độ kịp thời của thông tin về du lịch hàng tháng/quý 8/140; Hiệu quả của quảng bá và phát triển thương hiệu 93/140 và chiến lược thương hiệu quốc gia 101/140. Xếp hạng của Việt Nam rõ ràng là rất thấp.
Hiện nay, chúng ta đang nỗ lực để cải thiện các chỉ số cạnh tranh du lịch thông qua một số việc: Tạo môi trường kinh doanh, an toàn và an ninh, ý tế và vệ sinh, nguồn nhân lực và thị trường lao động, sự sẵn sàng ICT; Có chính sách ưu tiên cho du lịch, độ mở quốc tế, giá cả cạnh tranh; Đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật như sân bay, bến cảng, đường cao tốc, hạ tầng mặt đất tại cảng, hạ tầng dịch vụ du lịch; Giữ gìn và phát triển các nhân tố tạo cầu du lịch từ nguồn lực tự nhiên, văn hóa; Phát triển du lịch và môi trường bền vững, khả năng phục hồi kinh tế xã hội; Triển khai Quỹ phát triển du lịch để tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.
Chỉ trừ một vài quốc gia đặc biệt, cả thế giới đều coi trọng du lịch. Lý do là, nông nghiệp thường chỉ làm được ở nông thôn; công nghiệp, công nghệ thường tập trung ở thành thị nơi có nhiều lao động có trình độ, có tay nghề, có hạ tầng; dịch vụ tài chính, ngân hàng thường tập trung ở các trung tâm thành phố còn du lịch có thể làm ở mọi nơi, 24 giờ về không gian và thời gian.
Du lịch vươn tới sa mạc Sahara, đến rừng nhiệt đới Amazon, đến các rừng quốc gia với muôn loại động vật hoang giã ở Kenya, Uganda, Zimbawe, Namibia hay Nam Phi. Du lịch khám phá rặng san hô Great Barrier Reef và đáy biển. Du lịch với tới cả những nơi xa xôi và băng giá nhất là Nam cực và Bắc cực. Du lịch phủ khắp địa cầu.
Các thành phố lớn như Las Vegas, Bangkok, Pattaya, Majorca, Singapore, Hongkong, Macao, Shanghai, Dubai vô cùng sôi động khi đêm xuống bởi khách du lịch.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp có tính lan tỏa đến rất nhiều nghành kinh tế khác. Du lịch giúp xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tại chỗ. Du lịch điều tiết dòng tiền từ nơi giàu đến nơi nghèo. Tạo nhiều việc làm. Xóa đói giảm nghèo. Cộng đồng làm du lịch, doanh nghiệp làm du lịch và người dân làm du lịch và toàn dân làm du lịch.
Du lịch cộng đồng, du lịch nông trại, du lịch hoang dã đóng vai trò quan trọng để phát triển nông dân, nông thôn, miền núi. Du lịch còn là kênh quảng bá hình ảnh đất nước đi năm châu, bốn biển. Du lịch kết nối thế giới với nhau, gần nhau, hiểu nhau, hợp tác cùng thắng. Du lịch khai thác được mọi lợi thế của con người, thiên nhiên, văn hóa, lịch sử, ẩm thực – những thứ nước nào cũng có với những nét độc đáo riêng.
Việc Thủ tướng lắng nghe ngành du lịch, Chính phủ đồng thuận trình Quốc hội về chính sách visa cởi mở là khởi đầu tốt đẹp. Đây là thông điệp mạnh mẽ nhất cho du lịch từ trước đến nay về thể chế và sự quan tâm của nhà nước với ngành kinh tế chủ lực.
Khi Nhà nước mở rộng cánh cửa, doanh nghiệp làm thật tốt việc còn lại thì du lịch lo gì mà không cất cánh.
Nguồn: vietnamnet