Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, nhiệm kỳ 2017-2022 là một sự kiện quan trọng của toàn Hội nhằm:
– Đánh giá kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2012-2017 quyết định mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của Hội nhiệm kỳ 2017-2022.
– Thông qua Điều lệ Hội (bổ sung, sửa đổi)
– Bầu cử Ban chấp hành, Ban kiểm tra Trung ương Hội khóa X.
– Suy tôn Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa X.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Hội Chữ thập đỏ Việt Nam diễn ra trong 2 ngày: 15 và 16/8/2017 tại Hà Nội với 650 đại biểu
1. Về Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX đã được thực hiện nghiêm túc, đạt và vượt nhiều chỉ tiêu đề ra; tổ chức Hội tiếp tục được củng cố, kiện toàn; công tác chỉ đạo tiếp tục được đổi mới; vận động chính sách được quan tâm; công tác đối ngoại, tuyên truyền gắn với vận động nguồn lực tiếp tục được duy trì; các phong trào, các cuộc vận động, các nhiệm vụ trọng tâm của Hội được triển khai thiết thực, có chiều sâu, thu hút sự tham gia ngày càng đông đảo của các tổ chức, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân, đã và đang lan tỏa, tạo dấu ấn ngày càng sâu đậm trong đời sống cộng đồng, thiết thực trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống, góp phần giáo dục lòng nhân ái, tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Vai trò của Hội trong Phong trào Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tiếp tục được khẳng định.
Tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt hơn 9.563 tỷ đồng, trung bình 1.912 tỷ đồng/năm, năm sau cao hơn năm trước, gấp 1,3 lần so với nhiệm kỳ Đại hội VIII, trong đó giá trị hoạt động công tác xã hộiđạt 56 %, giá trị hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe đạt gần 29,2%, hiến máu nhân đạo đạt hơn 10,57%, tham gia phòng ngừa, ứng phó thảm họa đạt gần 4,85%; trợ giúp trên 36 triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn (trung bình hơn 7 triệu lượt người nghèo/năm); tỷ suất hoạt động đạt trung bình 7,11 lần.
Toàn Hội hiện có 13.887 cán bộ chuyên trách, 4.518.963 hội viên (tăng 33.893 hội viên so với nhiệm kỳ trước), 360.224 tình nguyện viên Chữ thập đỏ (tăng 118.985 tình nguyện viên so với nhiệm kỳ trước), 3.615.404 thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ (tăng 183.468 so với nhiệm kỳ trước) hoạt động tại17.127 tổ chức Hội cơ sở (tăng 328 cơ sở Hội Hội so với nhiệm kỳ trước),
2. Mục tiêu công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ 2017-2022: Xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, chuyên nghiệp, thực sự đóng vai trò nòng cốt, cầu nối, điều phối trong công tác nhân đạo; nâng cao hiệu quả hoạt động truyền thông, vận động nguồn lực, các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo của Hội, trợ giúp thiết thực những người có hoàn cảnh khó khăn, những người dễ bị tổn thương, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, giáo dục lòng nhân ái và đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
10 chỉ tiêu cơ bản nhiệm kỳ Đại hội X, gồm: i) Phấn đấu ít nhất 700.000 “địa chỉ nhân đạo”được trợ giúp trực tiếp hoặc gián tiếp từ Hội trong cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”; ii) 100% tổ chức Hội thuộc 33 tỉnh, thành phố hay xảy ra thiên tai đảm bảo dự trữ tiền, hàng theo cơ số, sẵn sàng cứu trợ khi thiên tai xảy ra; 100% tổ chức Hội ở địa bàn còn lại đảm bảo dự trữ tiền theo chỉ tiêu, sẵn sàng ủng hộ địa phương khác khắc phục hậu quả thiên tai; iii) Phấn đấu 80% tỉnh, thành Hội có mô hình đội khám, chữa bệnh lưu động; 1,5% dân số được phổ biến kiến thức, trang bị kỹ năng sơ cấp cứu; iv) Phấn đấu vận động đủ máu phục vụ cấp cứu và điều trị tại địa phương hàng năm, đảm bảo tỷ lệ trung bình đạt trên 1,5% dân số hiến máu; v) Tham gia xây dựng 10 mô hình cộng đồng an toàn[1] ở 10 khu vực khác nhau, từng bước nhân rộng và tham mưu Chính phủ nhân rộng mô hình này;vi) 100% tỉnh, thành Hội có trang thông tin điện tử hoặc bản tin Chữ thập đỏ định kỳ hàng tháng hoặc quý; 100% tỉnh, thành Hội chỉ đạo cung cấp thông tin cho các báo chí của Hội, đặt mua Báo Nhân đạo và Đời sống, Tạp chí Nhân đạo; vii) 100% cấp Hội đều có Quỹ hoạt động Chữ thập đỏ; viii) 100% cán bộ Hội chuyên trách các cấp được tập huấn nghiệp vụ hoặc cập nhật thông tin, kỹ năng công tác Hội định kỳ hàng năm theo phân cấp; ổn định số lượng và nâng cao chất lượng hội viên; tăng ít nhất 10% số tình nguyện viên; ix) Tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về công tác Chữ thập đỏ; tham mưu xây dựng và thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù về tài chính đối với Hội theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ; phối hợp tham mưu tổng kết 10 năm Chỉ thị 43 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam“, tổng kết 10 năm thực hiện Luật hoạt động Chữ thập đỏ, 10 năm công tác hiến máu tình nguyện; và x) 100% cấp Hội đều thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra của Hội.
Nhiệm vụ và giải pháp cơ bản của toàn Hội là: i) Tổ chức hiệu quả các phong trào, các cuộc vận động nhân đạo, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn: Triển khai toàn diện, sâu rộng công tác xã hội nhân đạo; Tham gia hiệu quả hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa; Triển khai đồng bộ hoạt động tham gia chăm sóc sức khỏe nhân dân dựa vào cộng đồng; Tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, hiến tạng, bộ phận cơ thể người và hiến xác; ii) Triển khai đồng bộ, hiệu quả các mặt công tác Hội: Tổ chức tốt công tác tuyên truyền các giá trị nhân đạo; Vận động nguồn lực bền vững cho hoạt động Hội; Xây dựng hệ thống tổ chức hội các cấp vững mạnh, chuyên nghiệp; Nâng cao năng lực tham mưu, vận động chính sách, phát triển quan hệ đối tác với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác nhân đạo; Củng cố và phát triển mối quan hệ với các tổ chức thuộc Phong trào Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế và các đối tác quốc tế khác; Đổi mới công tác chỉ đạo, công tác kiểm tra, thi đua, khen thưởng.
[1] Cộng đồng an toàn xét từ sự tham gia của Hội gồm các tiêu chí cơ bản: i) Cộng đồng có hiểu biết cơ bản về thiên tai, thảm họa và biện pháp phòng tránh, ứng phó; có hiểu biết và kỹ năng cơ bản về sơ cấp cứu; người dân, nhất là trẻ em biết bơi, có kỹ năng cứu đuối nước; ii) Người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương được khám bệnh, tư vấn sức khỏe, có cơ hội tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; iii) Cộng đồng có hiểu biết về hiến máu, luôn có người hiến máu tình nguyện, góp phần đảm bảo đủ máu phục vụ cấp cứu và điều trị; iv) Mọi người có hoàn cảnh khó khăn tại địa bàn đều nhận được sự trợ giúp thích hợp từ tổ chức Hội hoặc thông qua tổ chức Hội.
Nguồn: Hội Chữ thập đỏ Bình Phước