Đấu giá đất liên tục đạt đỉnh mới khiến không ít chuyên gia bất động sản lo lắng ảnh hưởng tới thị trường vì giá như vậy sẽ phát sinh nhiều hệ lụy như giá đền bù tăng, thuế đất sẽ tăng theo mặt bằng mới.
Đua nhau đẩy giá đất đấu giá
Chỉ trong thời gian ngắn tại nhiều địa phương, các phiên đấu giá đất diễn ra khá sôi động, kết quả trúng thường cao hơn nhiều so với giá khởi điểm. Điển hình phiên đấu giá 25 lô đất tại khu X4, phường Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) khiến giới đầu tư “váng đầu” vì có mức giá khởi điểm lên tới gần 200 triệu đồng/m2.
Phiên đấu giá càng trở nên sôi động khi có tới 800-900 hồ sơ nộp tham dự. Sức nóng càng được đẩy cao hơn khi nhìn vào kết quả. Giá trúng cao hơn giá khởi điểm từ 2-2,6 lần, khiến nhiều nhà đầu tư nộp 5-10 bộ hồ sơ mà vẫn ra về trắng tay.
Cá biệt, lô B12 diện tích 44,5m2, với vị trí lô góc ở mặt phố Dương Khuê, phường Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có mức giá khởi điểm cao nhất là 182,3 triệu đồng/m2, nhưng mức giá trúng lên tới 364,3 triệu đồng/m2, gấp gần 2 lần so với giá khởi điểm – cao nhất phiên đấu giá.
Tại thôn Yên Bình, xã Quang Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) tổ chức đấu giá 18 lô đất, thu hút hơn 100 hồ sơ tham gia. Kết quả đấu giá thành công 100% lô đất, với tổng số tiền thu về gần 17,5 tỷ đồng, vượt giá khởi điểm 7 tỷ đồng. Đặc biệt, có những lô đất giá khởi điểm 685 triệu đồng được đấu lên tới gần 1,3 tỷ đồng, gấp đôi giá khởi điểm.
Giá đất tại nhiều khu vực tăng chóng mặt sau khi đấu giá |
Trong khi đó, tại Bắc Giang mới đây cũng đã diễn ra nhiều phiên đấu giá. Đơn cử, tại dãy LK11, khu dân cư Yên Ninh, thị trấn Nếnh ghi nhận lô trúng cao nhất trị giá hơn 8,3 tỷ đồng với diện tích hơn 150m2, tương đương 55 triệu đồng/m2. Hầu hết các lô đất đều chênh lệch hơn 1 tỷ đồng/lô so với giá khởi điểm.
Thị trường bất động sản TPHCM cũng “dậy sóng” với thương vụ đấu giá đất của Trung tâm Dịch vụ Bán đấu giá tài sản TP.HCM, khi tổng giá trị được chốt là 37.346 tỷ đồng. Các lô được bán mang các ký hiệu 3-5, 3-8, 3-9, 3-12 thuộc khu chức năng số 3, khu dân cư phía Bắc, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức.
Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh) đưa ra mức giá 24.500 tỷ đồng để sở hữu lô đất 3-12, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm. Với mức chi bình quân trên 2,4 tỷ đồng/m2, khu đất này thuộc diện đắt đỏ bậc nhất trên thế giới. Còn lô đất 3-5 được bán cho Công ty Dream Republic với giá 3.820 tỷ đồng và lô đất 3-8 được Công ty Sheen Mega mua lại với mức giá 4.000 tỷ đồng.
Một chuyên gia tài chính cho hay, ông chưa hình dung được bài toán kinh doanh mà Tân Hoàng Minh nhắm tới khi “đổ tiền” tới cả tỷ USD chỉ để mua 1 mẫu đất này. “Nếu đi vay ngân hàng, giả sử ngân hàng cho vay 70% giá trị tài sản (tương ứng định giá mảnh đất là 24.500 tỷ đồng theo giá trúng đấu giá), DN sẽ được vay khoảng 17.150 tỷ đồng. Khi đó, chỉ tính riêng tiền lãi vay cũng khiến DN mất hàng nghìn tỷ đồng/năm. Thật sự rất khó hình dung nước cờ của đại gia này này”, ông nhận định.
Gây rối loạn thị trường
Việc các nhà đầu tư tham gia đấu giá quyền sử dụng đất theo kiểu “lướt sóng” để lại rất nhiều hệ lụy cho thị trường và công tác quản lý. Bỏ giá cao sẽ phá vỡ mức trần của thị trường tại khu vực đấu giá, những DN muốn vào tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư gặp khó khăn. Bên cạnh đó, nếu nhà đầu tư “lướt sóng” không thành, bỏ hợp đồng sẽ ảnh hưởng kế hoạch thu ngân sách địa phương.
Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội, kết quả đấu giá đất thời gian qua cho thấy, mỗi năm nguồn tiền từ đây bổ sung vào ngân sách cho các tỉnh khá lớn. Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý, khi kết thúc các phiên đấu giá, nhiều lô đất được các ông chủ rao bán với mức giá tăng cao.
“Thậm chí, nhiều nhà đầu tư sau khi đấu giá thành công sẽ ‘lướt sóng’ cho những người khác ngay tại khu đất và có thể lãi từ 50-150 triệu đồng/lô”- vị chuyên gia cho biết.
Nhà đầu tư trục lợi từ giá đất tăng |
Bên cạnh đó, thực tế tại một số phiên đấu giá đất, có trường hợp nhân viên môi giới dùng chiêu trò thỏa thuận ngầm để thông đồng, bắt tay nhau nhằm “thổi” giá. Dễ thấy nhất là việc họ huy động hàng chục người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, trong các giao dịch nhà đất.
Việc DN đấu giá đất với giá cao chót vót sẽ kéo theo cò đất, sóng đất nổi lên ầm ầm, đất nền tiếp tục tăng, DN bất động sản kinh doanh đầu tư quanh khu vực cũng chịu ảnh hưởng.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam – cho rằng, khi giá đất đấu giá tăng cao, thiết lập một mặt bằng giá mới, việc bồi thường giá đất cho người dân sau này sẽ gặp nhiều rào cản, khiến quá trình giải phóng mặt bằng, triển khai dự án gặp khó khăn. Nhà nước cần đưa ra chính sách, quan điểm rõ ràng về trường hợp này.
Một khía cạnh khác, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), việc giá đất tăng cao sẽ khiến các kế hoạch bình ổn thị trường nhà ở tại TP.HCM đứng trước nguy cơ phá sản. Các DN địa ốc càng khó tìm được quỹ đất rẻ để phát triển nhà ở vừa túi tiền.
“Với tình trạng khan hiếm nguồn cung nhà giá thấp hiện nay thì thời gian tới, nhà giá thấp lại càng giảm số lượng, sẽ bất lợi cho việc ổn định cung cầu, an sinh xã hội… Bởi lẽ, các DN sẽ triệt tiêu phân khúc nhà giá thấp để chuyển sang các loại nhà giá cao nhằm tối ưu hóa lợi nhuận của mình”, ông Châu nói.
Một số chuyên gia lo ngại về việc đấu giá đất trên trời rồi bỏ cọc. Từ đầu năm 2021 đến nay, hàng loạt các huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, như: Thọ Xuân, Quảng Xương, Hoằng Hóa… buộc phải hủy kết quả trúng đấu giá, tổ chức đấu giá lại và thu hồi tiền đặt cọc do khách hàng không nộp đủ tiền trúng đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở huyện Lạng Giang (Bắc Giang), nhà đầu tư tham gia đấu giá đúng thời điểm đất nền đang “sốt” trên cả nước, sau đó không bán sang tay ngay được và cũng không đủ khả năng nộp tiền nên chấp nhận bỏ tiền cọc.
Luật sư Trần Vi Thoại, Giám đốc công ty luật IB Legal Việt Nam, kiến nghị cần tăng cường công tác quản lý, thanh kiểm tra tình trạng tạo sốt đất “ảo”, thông thầu, bắt tay “ngầm” trong các cuộc đấu giá đất, đặc biệt những vụ việc có dấu hiệu lừa đảo trong các giao dịch bất động sản trên địa bàn. Có như vậy, thị trường bất động sản mới đảm bảo tính minh bạch và tạo được lòng tin đối với các nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh và tránh thất thu ngân sách Nhà nước.
Để công tác quản lý đất đai, bất động sản, nhà ở, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành rà soát công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định pháp luật trong đấu giá đất, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi. Ngoài ra, Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan, UBND các tỉnh khẩn trương rà soát, kiểm tra hoạt động tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với những trường hợp có biểu hiện bất thường, xử lý theo thẩm quyền những trường hợp vi phạm, kịp thời phát hiện các bất cập để tham mưu, đề xuất điều chỉnh, bổ sung. Bộ Công an chỉ đạo công an các địa phương tăng cường nắm tình hình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong việc đấu giá quyền sử dụng đất. |
Nguồn: vietnamnet