Lễ hội có giảm vì COVID-19. Người ta ‘ngán’ tham dự các kiểu lễ hội không chỉ vì ngại dịch bệnh mà còn vì kiểu làm lễ hội cũ kỹ. Và dịch bệnh là ‘thời cơ’ để thay đổi cách tổ chức lễ hội. Không bây giờ thì bao giờ?

Thời cơ để thay đổi cách tổ chức lễ hội: không bây giờ thì bao giờ? - Ảnh 1.

Lượng người đổ về chùa Tam Chúc trong ngày 15-3 vẫn tương đối đông 

Tháng giêng đi qua yên ắng hơn mọi năm. Không nghe nhiều thông tin về những biển người chen lấn đi lễ hội ở các đền chùa.

Bước qua tháng 2, thông tin 5 vạn người đến chùa Tam Chúc (Hà Nam) ngày 14-3 khiến dư luận giật mình, thậm chí bất bình. Giáo hội, bộ ngành và chính quyền địa phương lo chấn chỉnh việc phòng dịch.

Ngày sau đó, những thông tin và hình ảnh cho thấy vẫn còn hàng vạn người viếng chùa và lơ là với 5K phòng dịch. Dịp này, lượng khách đến chùa Hương lên đến con số hàng vạn người mỗi ngày.

Ngày 16-3, vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe chở đoàn đi lễ chùa và xe đầu kéo trên quốc lộ 1 đoạn qua huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã làm 2 người chết và hơn 20 người bị thương. Thêm một chuyện buồn liên quan đến lễ hội đầu năm.

Nhiều bạn bè đồng nghiệp của tôi bức xúc khi lo lắng về mầm bệnh COVID-19 giữa những nơi tập trung đông người (biết đâu chừng). Nhưng làm sao có thể ngăn được dòng người tập trung về các lễ và hội?

Việc này chỉ có thể làm được khi có những quy định quyết liệt của chính quyền địa phương và cần cả những khuyến cáo, thay đổi từ các cơ sở tôn giáo. Nhiều nghi lễ tâm linh đã được tổ chức đơn giản hơn, nhiều lễ hội ở các tỉnh thành đã được cắt giảm, tổ chức gọn hơn, tiết kiệm hơn trong hơn một năm qua, đặc biệt vào dịp tết vừa rồi.

Dịch bệnh COVID-19 làm thay đổi cách nghĩ, cách làm lễ hội, các hoạt động vui chơi, giải trí. Lễ hội ở Việt Nam là nỗi ám ảnh của các công ty lữ hành và khách du lịch khi giá phòng, dịch vụ khó khăn đắt đỏ, giao thông tắc nghẽn.

Nhiều lễ hội chi phí bạc tỉ nhưng du khách đúng nghĩa mang tiền đến cho địa phương không đáng kể. Tôi từng bị “tra tấn” vì phải ngồi mấy giờ liền xem sân khấu hóa. Nhiều khi phần cuối chỉ còn diễn viên, đạo diễn và truyền hình trực tiếp.

Khán giả, kể cả người địa phương đã về ngủ từ lâu. Các hội thảo mấy trăm người với những bài đọc dài lê thê, không đọng lại được bao nhiêu trong tâm trí khách tham dự. Những lễ hội thành công như pháo hoa, thả diều, ngày hội du lịch… chưa nhiều.

COVID buộc từng cá nhân đến mọi tập thể phải nhìn lại mình và có hành xử thích nghi với điều kiện bình thường mới. Lễ hội cũng có giảm. Đây chính là thời cơ để “vượt qua chính mình”, đoạn tuyệt với tư duy lễ hội cũ.

Phải bỏ bớt lễ hội. Những lễ hội biến tướng, chạy theo số lượng và thành tích nên dẹp bớt. Chỉ giữ lại những lễ hội thiết thực với phần lễ đơn giản, ngắn gọn, trang trọng. Mong đừng báo cáo lê thê và sân khấu hóa dài dòng. Kinh phí lễ hội nên dùng để làm đẹp đường phố lâu dài như trồng cây, lót vỉa hè, làm cảnh quan thiên nhiên.

Nhân dịp lễ hội, cần hỗ trợ và khuyến khích người dân trang trí, làm đẹp nhà cửa, nhất là mặt tiền; tạo tổng quan hài hòa, gây ấn tượng cho du khách. Làm sao để sau mỗi lễ hội, cảnh quan tại chỗ ngày càng đẹp hơn và cộng đồng có thêm thu nhập.

Thay đổi những thói quen lạc hậu chưa bao giờ là điều dễ dàng. Đặc biệt là những thói tật đụng chạm đến lợi ích, cả vật chất lẫn tinh thần của cá nhân và nhóm người. Nhưng không còn lựa chọn nào khác. Phải thay đổi để thích nghi, nếu không muốn giậm chân tại chỗ và tụt hậu.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : COVID-19dịch bệnhlễ hội

Các tin liên quan đến bài viết