Trong bối cảnh giá vàng trong nước chênh quá cao so với thế giới, lãi suất tiền gửi ngân hàng đang giảm mạnh, đầu tư BĐS sẽ là kênh sinh lời cho ai biết nắm cơ hội.
Mua vàng, gửi tiết kiệm hay đầu tư chung cư
Trước biến động hồi đầu năm, bà Nguyễn Thị Thịnh bỏ tiền tích lũy mua 30 cây vàng khi giá tăng vọt trong tuần thứ 3 của tháng 2/2020. Mức giá mua vào có thể coi là đỉnh trong nhiều năm qua: 49 triệu đồng/lượng.
Chưa tới 1 tháng sau đó, nếu bà Thịnh đem 10 cây vàng đi bán, lỗ nhìn thấy ngay 40 triệu đồng vì giá vàng đã xuống 45 triệu đồng/lượng.
Diễn biến của vàng như 1 thách thức cho ai dám liều. 10 năm trước, vàng đa từng lên cơn sốt với giá lên tận 50 triệu/lượng nhưng rồi đổ dốc khiến nhiều người e ngại.
Không chọn vàng, một số cá nhân đem tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng để chờ qua dịch bệnh với mới tính tiếp. Tuy nhiên,thị trường đang chứng kiến sự sụt giảm lãi suất khi các ngân hàng đẩy mạnh hạ lãi suất cho vay.
BĐS cũng là một lựa chọn tốt vì khả năng tăng giá đều đặn qua các năm |
Trong khi đó, một kênh đầu tư khác là bất động sản xuất hiện tín hiệu “kiếm ra tiền” khi lượng người tìm mua tăng từ đầu tháng 4, một trong số đó có bà Thịnh. Sau khi thấy giá vàng biến động thất thường, chênh từ 2-4 triệu đồng/lượng so với thế giới, bà đã cân nhắc chuyển sang bất động sản vì kênh đầu tư này không lo giá biến động mạnh và cũng không bị mất giá.
Trong quá khứ hồi năm 2008, bà đã từng mua 1 căn hộ ở mức “rẻ bất ngờ” và sau đó bán lại được với giá gấp rưỡi khi thị trường hồi phục.
Theo các chuyên gia, mỗi cuộc khủng hoảng đều là cơ hội để đầu tư vào lĩnh vực BĐS, khi giá nhà đất khá mềm và có thể tăng vọt trong thời gian sau đó. BĐS cũng là một lựa chọn tốt vì khả năng tăng giá đều đặn qua các năm và khả năng sinh lời phát sinh từ nhu cầu cho thuê, nhất là BĐS ở tại các thành phố lớn và ở các vị trí đắc địa, tại các dự án đồng bộ “tất cả trong một”, hoặc BĐS có gắn với địa phương du lịch phát triển.
Cơ hội bắt đáy
Câu chuyện trên thị trường chứng khoán Việt Nam cuối tháng 3 đầu tháng 4/2020 đang là 1 ví dụ về cơ hội bắt đáy tài sản. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn sau Tết Nguyên đán, chỉ số VN-Index tụt giảm từ gần 995 điểm xuống còn mức 650 điểm vào ngày 24/3.
Tuy nhiên, những nhà đầu tư thông mình và đủ tự tin về nền tảng kinh tế và DN đã thực hiện cú bắt đáy khi giá tài sản lao dốc.
Và trong vài phiên gần đây, TTCK tăng trở lại một cách ngoạn mục.
Trong đầu tháng 4, chứng khoán đã có đợt tăng giá mạnh liên tiếp 7 phiên liền, trong đó có phiên 6/4, chứng khoánđã tăng xấp xỉ trần 5%, cao nhất trong 19 năm qua. Thanh khoản sôi động khi các nhà đầu tư lạc quan về triển vọng đã đẩy chứng khoán lên mức 760 điểm. Sự đảo ngược nhanh chóng của chứng khoán đã mang lại thành công cho nhiều nhà đầu tư kịp thời bắt đáy.
BĐS đã được đưa vào gói hỗ trợ của Chính phủ do vậy triển vọng thị trường bật trở lại ngay phong tỏa |
Trong khi đó, ở mảng BĐS, có nhiều tín hiệu cho thấy thị trường có thể đã chạm đáy. Đây là cơ hội hiếm hoi vì trong 2 năm qua, thị trường BĐS đã chứng kiến nguồn cung khan hiếm, trong khi nhu cầu mua nhà vẫn còn rất lớn khiến giá nhà không ngừng tăng. Tuy nhiên, ở thời điểm này, sở dĩ thị trường được cho là chạm đáy là bởi các chủ đầu tư đã triển khai chính sách kích cầu mùa thấp điểm ngay sau Tết và vì cung-cầu không gặp được nhau do dịch nên các doanh nghiệp địa ốc tự tung thêm các gói kích cầu.
Giám đốc một công ty đầu tư cho rằng, đây là cơ hội hiếm có cho những người có nhu cầu mua nhà ở thực và cũng có thể đầu tư đón đầu một làn sóng tăng giá giống như chứng khoán bị nén rồi bật tăng trong những ngày gần đây. Thị trường BĐS đã có dấu hiệu chạm đáy và có lợi thế hơn là các sản phảm BĐS không bị giảm giá trị, trong khi nguồn cung ngày càng hạn chế.
Những BĐS có không gian sống đầy đủ hệ sinh thái tiện ích, có cảnh quan, tiện ích “tất cả trong một”… vẫn sẽ là điểm đến của những người có tiền trong và ngoài nước.Ngoài ra, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu an cư ở Việt Nam đối với Việt kiều và nước ngoài được dự báo sẽ tăng mạnh sau những kết quả xử lý dịch tốt của Chính phủ cũng như vấn để đảm bảo an sinh xã hội, môi trường sống thân thiện, sinh hoạt không đắt đỏ…
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM cũng cho rằng, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 chỉ là ngắn hạn, còn về lâu dài BĐS luôn là một kênh đầu tư tiềm năng như đã từng thấy sau cuộc khủng hoảng nhà đất 2008-2011, thị trường đã bật tăng sau đó và mang lại lợi nhuận lớn cho các NĐT.
Một điều đáng nói là nhu cầu đối với các sản phẩm nhà cửa vẫn lớn và thị trường BĐS về cơ bản hiện lành mạnh, Chính phủ kiểm soát tốt nên không có chuyện đổ vỡ. Các chủ đầu tư cung cấp sản phẩm chính cho thị trường hiện chủ yếu là DN lớn, có uy tín và tiềm lực tài chính. Gần đây, BĐS đã được đưa vào gói hỗ trợ của Chính phủ do vậy triển vọng thị trường bật trở lại ngay phong tỏa sau nhiều tháng bị kìm nén là rất có thể. Sau mỗi cuộc khủng hoảng, thường có những cơ hội lớn xuất hiện. Đây có thể cũng là một thời điểm hiếm có cho các NĐT.
Nguồn: vietnamnet