Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã nói điều này tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20-12 khi bàn về cơ chế tài chính đặc biệt cho thủ đô Hà Nội.
Thiếu tiền đầu tư, Hà Nội nhìn thấy trước 'thảm họa'
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại cuộc họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Cuộc họp nhằm cho ý kiến về dự thảo nghị định của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách tài chính đặc thù cho TP Hà Nội.

8 tuyến điện ngầm, mỗi tuyến 2 tỉ USD
Ngoài các quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật thủ đô đã và đang được thực hiện, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị để lại tiền bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP cho Hà Nội đầu tư phát triển (dự kiến khoảng 50.000 tỉ trong 5 năm tới). “Chúng tôi dự kiến đầu tư riêng đường sắt đô thị Nam Thăng Long – Nội Bài khoảng 30.000 tỉ đồng. Có tuyến đường này thì toàn bộ giao thông từ nội thành Hà Nội đi sân bay Nội Bài sẽ rất thuận tiện” – ông Chung nêu ví dụ. Chủ tịch Hà Nội cũng đề nghị Chính phủ xem xét phân cấp để thủ đô được đầu tư các dự án lớn (nhóm A), bởi theo các quy định hiện hành thì thủ tục trình Thủ tướng phê duyệt đối với một dự án đã mất 755 ngày, đấy là không vướng mắc ở khâu nào. “Đề xuất phân cấp cho Hà Nội làm chủ đầu tư một số dự án giao thông, nhà máy xử lý rác thải. Nếu bây giờ chúng tôi trình để Thủ tướng phê duyệt theo quy định thì đến năm 2019 mới được khởi công, có nghĩa là trong nhiệm kỳ không hoàn thành được cái cầu nào cả” – ông Chung nhấn mạnh. Dẫn số liệu tăng trưởng kinh tế 5 năm trước là hơn 9% nhưng đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ tăng hơn 4%, trong khi thủ đô chịu sức ép của di dân tự do rất lớn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nói rằng “Hà Nội đã nhìn thấy trước thảm họa, nếu không có cơ chế đột phá để tháo gỡ thì rất gay go”. Ông Hải chứng minh: Cứ nói rằng Hà Nội cấp phép cho xây nhiều nhà cao tầng, nhưng nếu không xây nhà cao tầng thì không lấy đâu ra nhà để dân ở. Muốn đồng bộ thì phải hoàn thiện hệ thống giao thông mới chống được kẹt xe. Hà Nội quy hoạch 300km tàu điện ngầm nhưng chưa làm được kilômet nào, đang vận hành 100 tuyến xe buýt thì phải trợ giá 87 tuyến. Bí thư Hà Nội đề nghị mức đầu tư cho thủ đô phải tăng thêm. Những dự án quan trọng, mang tính chiến lược, vượt tầm của Hà Nội thì trình Chính phủ, Quốc hội xem xét. “Chúng tôi rất lo, nếu Quốc hội không quyết thì Hà Nội không có cách gì giải quyết được những vấn đề nan giải, riêng 8 tuyến tàu điện ngầm thì mỗi tuyến là 2 tỉ USD rồi” – ông Hải nói. Đồng thời nhấn mạnh Hà Nội rất chia sẻ với trung ương, trong điều kiện khó khăn mà trung ương yêu cầu thì Hà Nội phải chấp hành.
Ngân sách vô cùng khó khăn
Cũng “rất chia sẻ với Hà Nội”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết vì cân đối ngân sách trung ương rất khó khăn nên một số cơ chế đặc thù với Hà Nội cũng chưa thực hiện triệt để được. “Ngân sách trung ương đến thời điểm này mới chỉ đạt hơn 83% kế hoạch. Có lẽ trong vài năm tới tình hình vẫn rất khó khăn, khi lộ trình cắt giảm thuế quan, giá dầu như thế. Rất khó thưởng cho địa phương khi ngân sách trung ương hụt thu, không thể thưởng bằng tiền đi vay. Ngân sách nhà nước trong những năm tới là vô cùng khó khăn” – bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết theo quy định của luật thì các công trình, dự án đầu tư thuộc nhóm A không được ủy quyền mà thẩm quyền là Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Trong khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt vấn đề là nghị định vừa phải đúng luật, vừa phải tạo sự đột phá để thủ đô phát triển. “Đề nghị Chính phủ nghiên cứu những vấn đề thủ đô đề xuất, tạo ra tính năng động, hiệu quả cho chính quyền thủ đô thực hiện. Nghị định không nên làm giảm bớt những ưu đãi mà Hà Nội đang được hưởng” – bà Ngân nói.
Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : Bí thư Thành ủycuộc họpdầu tưdự ánngân sách

Các tin liên quan đến bài viết