Tình trạng thiếu thuốc, thiết bị y tế đang tiếp tục diễn ra tại các bệnh viện, khiến những ngày này biết bao người bệnh đang rất long đong.
Bệnh nhân xếp hàng chờ đợi tại phòng chụp cắt lớp vi tính, khu điều trị Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
Họ phải tốn thêm nhiều chi phí, mệt nhọc chờ lịch mổ, vất vả chuyển viện để thực hiện chẩn đoán qua hình ảnh vốn quá đơn giản như trước đây.
Bệnh nhân phải tự đi mua kim
Ngày 3-3, chạy xuống cổng viện nhận suất cơm từ thiện cho người thân đang điều trị tại Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội), bà H. nói chồng mắc ung thư dạ dày, sắp đến ngày được mổ. Nói rồi bà lật đật nhớ ra bác sĩ dặn mua kim luồn để chuẩn bị phẫu thuật.
“Cơm từ thiện hôm nào có cũng tranh thủ đến lấy, bớt được đồng nào hay đồng đó để mua kim luồn”, bà H. nói rồi nhanh chân ra hiệu thuốc ngay sát cổng viện mua theo hướng dẫn.
Mặc dù 10 chiếc kim luồn chỉ có giá 30.000 đồng nhưng tình trạng bệnh nhân phải tự đi mua đã kéo dài nhiều tháng nay.
Ngồi trên ghế khu vực khám bệnh, bà L. cho hay hai mẹ con từ Lào Cai xuống đã bốn ngày nay để làm các xét nghiệm.
“Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh nói có thể bị ung thư phổi giai đoạn muộn nên hai mẹ con xuống đây. Bệnh viện đông lắm, do không thông thuộc nên bốn ngày chỉ xếp giấy để chụp chiếu, lấy mẫu xét nghiệm nay mới xong.
Tôi phải trọ lại ngoài viện với giá 150.000 đồng/đêm, tưởng xuống làm một ngày là xong mà lâu quá, tốn kém quá”, bà L. buồn bã nói.
Lãnh đạo Bệnh viện K Tân Triều cũng chia sẻ sau hai năm dịch COVID-19, cùng với việc thí điểm tự chủ tài chính, khiến bệnh viện không thể mua sắm thêm trang thiết bị y tế dẫn đến quá tải. Trong khi đó quy định đấu thầu cũng khiến bệnh viện gặp khó khăn.
“Nhiều hạng mục không đủ báo giá, cũng có trường hợp nhà thầu báo giá trúng thầu nhưng lại bỏ thầu. Việc đấu thầu trang thiết bị, vật tư cũng rất khó khăn”, đại diện bệnh viện thông tin.
Cũng luôn trong tình trạng quá tải, khu vực khám bệnh Bệnh viện Bạch Mai lúc nào cũng chật kín người bệnh chờ. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn người bệnh, thế nhưng chỉ có một máy chụp cộng hưởng từ còn hoạt động.
“Tôi từ Nghệ An lên đây thăm khám, đến bệnh viện từ 7h nhưng bây giờ vẫn ngồi chờ chụp cộng hưởng từ. Như vậy tối nay hai bố con lại phải thuê trọ ở qua đêm để mai nhận kết quả, tốn thêm một khoản tiền thuê trọ, ăn uống”, ông Lê Văn Quyền (56 tuổi) mệt mỏi nói.
Mỗi ngày phòng chụp cộng hưởng từ khu vực khám bệnh thực hiện kỹ thuật cho khoảng 180 bệnh nhân.
“Có ngày làm đến 20h-21h mới hết người bệnh. Máy móc chỉ có vậy, biết làm sao được”, kỹ thuật viên ở đây chia sẻ.
Hôm nghe bác sĩ thông báo ba máy của bệnh viện hỏng, chỉ còn một máy làm việc nên sẽ làm đến 22h, ông K. (56 tuổi) ngán ngẩm cho hay ông đang điều trị tắc nghẽn phổi, bác sĩ thông báo 13h30 xuống chụp chiếu mà ngồi chờ đến 16h vẫn chưa đến lượt.
Bệnh nhân xếp hàng chờ đợi tại phòng chụp cắt lớp vi tính, khu điều trị Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội)
Có thể phải ngừng mổ!
Bệnh viện Việt Đức đã thông báo hạn chế tối đa mổ phiên (mổ theo lịch), chỉ duy trì mổ cấp cứu từ ngày 1-3.
Trước đó, mỗi ngày khoa phẫu thuật chấn thương chỉnh hình mổ 40 – 45 trường hợp thì nay bệnh viện bắt đầu hạn chế mổ phiên khoa, chỉ mổ khoảng 20 ca, khiến nhiều bệnh nhân phải chờ mòn mỏi.
Ngồi trước khoa cột sống, anh Hòa (Hải Phòng) cho hay mẹ đã thăm khám tại viện gần nửa tháng trước và được các bác sĩ chỉ định mổ. Bác sĩ hẹn ngày 27-2 rồi lùi lại 3-3.
Đến 12h trưa 3-3 vẫn chưa thấy bác sĩ gọi nên anh cho hay rất lo lắng, hy vọng sẽ không có thay đổi gì.
Sau hai ngày hạn chế mổ phiên, các bác sĩ của bệnh viện cũng bắt đầu quen với lịch mổ hạn chế.
“Từ ngày 28-2, khi chuẩn bị hạn chế mổ phiên, chúng tôi báo cho bệnh nhân kẻo họ đến rồi lại về, rất vất vả. Bệnh nhân nào có thể “trì hoãn” thì chúng tôi cho thuốc về điều trị.
Nhiều bệnh nhân cũng biết tình trạng của bệnh viện qua truyền thông nên đồng cảm nhưng những bệnh nhân đau đớn, sắp đến ngày mổ lại bị hoãn, chúng tôi thấy ngại nhưng không biết làm cách nào khác”, một bác sĩ bệnh viện chia sẻ.
Không chỉ bệnh viện tuyến trung ương rơi vào cảnh khó, nhiều bệnh viện hạng 1 cũng “cầm cự” vì thiếu thuốc, sinh phẩm y tế. Bệnh viện Đức Giang (Hà Nội) chỉ đấu thầu được 50% trang thiết bị, còn lại chưa đủ ba báo giá để đấu thầu.
Một bệnh viện khác cũng thông báo có thể phải ngừng mổ vì không thể xét nghiệm đông máu do quy định máy mượn, máy đặt.
Xe trung chuyển của Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế – Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế (quận Tân Phú) vừa đậu vào lập tức đông nghịt bệnh nhân có mặt để chờ lên xe
“Chạy” qua bệnh viện tư từ sáng đến tối
Có mặt tại khu D Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) trong đêm 2-3 và ngày 3-3, chúng tôi ghi nhận nhiều chiếc xe 16 chỗ có ghi dòng chữ Công ty cổ phần Bệnh viện Quốc tế – Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế (quận Tân Phú) ra vào liên tục để đưa đón từng nhóm hơn 15 người là bệnh nhân và người nhà.
Mỗi bệnh nhân chỉ cho phép được một người nhà đi cùng. Trường hợp bệnh nhân rất nặng, phải nằm băng ca thì sẽ có xe cấp cứu của Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế đến đón riêng nhưng trường hợp này rất ít gặp.
Tương tự, những chuyến xe đưa bệnh nhân về cũng liên tục đậu trước khu D. Bước xuống xe, trong tay các bệnh nhân đều cầm bịch ni lông màu xanh ghi dòng chữ “Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế. Phòng chụp CT-scan – MRI”.
Theo quan sát, khoảng thời gian các xe của Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế đến Bệnh viện Chợ Rẫy trả bệnh nhân và đón bệnh nhân mới chỉ khoảng 10 phút. Có thời điểm đông quá nên người thân bệnh nhân phải ở lại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nhiều bệnh nhân cho biết họ được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ định đi chụp MRI, CT-scan bên ngoài vì ở đây không có đủ máy móc thực hiện.
Đã hơn 20h ngày 2-3, vợ chồng ông L.V.Q. (53 tuổi, ngụ tỉnh Đồng Tháp) ngồi co ro trên ghế đá trước khu D Bệnh viện Chợ Rẫy sau khi được xe của Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế chở về.
“Chúng tôi đang đợi thêm người nhà trở về trên chuyến xe sau rồi chắc thuê nhà trọ ngủ tạm để sáng sớm qua lại bệnh viện để bác sĩ đọc kết quả”. Ông Q. kể bỗng dưng ông bị teo tóp hai cẳng chân từ 20 ngày nay, 5h30 sáng 2-3, hai vợ chồng ông có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy thì số thứ tự ông bốc được đã trên 800. Mãi mới được khám, khám rồi thì lên xe đi chụp chiếu.
Nhiều bệnh nhân cho hay việc thực hiện chụp chiếu tại Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh vẫn được BHYT thanh toán, chi trả như tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Nhưng với những bệnh nhân không có BHYT thì thanh toán theo giá dịch vụ tại Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh và giá này “chát” hơn bệnh viện công.
Theo chân bệnh nhân, chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Chuyên khoa ngoại thần kinh quốc tế vào trưa 3-3.
Tại đây bệnh nhân và người nhà ngồi chật kín các dãy băng ghế, trong đó chủ yếu là bệnh nhân của Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển đến. Cùng lúc này, từng nhóm bệnh nhân đã chụp chiếu ra về.
Ngoài cổng bệnh viện này, vẫn có nhiều chiếc xe khác chở bệnh nhân từ Bệnh viện Chợ Rẫy sang dù giữa trưa.
Nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ tại Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện Thống Nhất tại TP.HCM… cho biết thời gian gần đây tiếp nhận nhiều bệnh nhân được các bệnh viện khác chuyển qua. Nhiều bệnh nhân lặn lội từ tuyến tỉnh cũng phải lên TP.HCM tìm nơi điều trị vì thiếu dụng cụ để mổ, thiếu trang thiết bị chẩn đoán, điều trị…
“Nóng” nhưng vẫn chờ
Trước đó bộ trưởng Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ về hai vấn đề nóng của các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay.Thứ nhất: về vấn đề máy móc để khám chữa bệnh, Bộ Y tế sẽ tiếp tục tham mưu Chính phủ quy định, đối với những máy sau ngày 5-11-2022 mới triển khai ký hợp đồng thì sẽ tiếp tục được sử dụng để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.Thứ hai: liên quan những vướng mắc trong quá trình thực hiện giá của các gói thầu, các quy định liên quan ba báo giá, liên quan quá trình triển khai Luật đấu thầu, nghị định 63, nghị định 151 và thông tư 68 của Bộ Tài chính, bộ trưởng Bộ Y tế trước đây cho hay sẽ giải quyết ngay trong cuối tháng 2 đầu tháng 3.Thế nhưng đến ngày 3-3 vẫn chưa có phương án nào được đưa ra để giải quyết vấn đề “nóng” này.
Nhiều vướng mắc trong nghị quyết 144
Bệnh viện Chợ Rẫy đã có báo cáo gửi Bộ Y tế về những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nghị quyết 144 của Chính phủ về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Hiện bệnh viện không thể xác định giá trị thật của trang thiết bị y tế, xây dựng giá gói thầu để mua sắm.Đặc biệt hầu hết các trang thiết bị y tế kỹ thuật cao như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy siêu âm doppler màu… đều không có đủ ba báo giá theo quy định để thực hiện đấu thầu mua sắm mới cũng như sửa chữa, bảo trì. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.Một bác sĩ đang làm việc tại một bệnh viện hạng 1 ở TP.HCM cho biết hiện có nhiều bệnh viện đang thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, đặc biệt là các bệnh viện sử dụng các vật liệu tiêu hao giá trị lớn.Nhiều năm gắn bó với nghề, vị bác sĩ này cho rằng quy định ba báo giá hiện nay rất bất cập, khiến nhiều bệnh viện gặp khó trong công tác mua sắm, đấu thầu trang thiết bị.
Bệnh viện kêu cứu, nhưng hóa chất, thiết bị kẹt cứng ở cửa khẩu
Tại khoa cột sống, Bệnh viện Việt Đức phòng hẹn mổ phiên vắng bóng bệnh nhân do lịch mổ bị hạn chế
Trong khi bệnh viện thiếu hóa chất xét nghiệm, đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu hóa chất, thiết bị chuyên sử dụng xét nghiệm gene và ung thư lại hoảng hốt vì máy đã lưu kho ở sân bay Nội Bài hai tuần nay, nhiều hóa chất sắp về nhưng vướng thủ tục, kẹt cứng không thể thông quan.
“Hiện Viện Huyết học – truyền máu trung ương đã gọi báo thiếu hóa chất xét nghiệm trường hợp mang gene nguy cơ sinh con tan máu bẩm sinh; Bệnh viện Bạch Mai báo cần hóa chất xét nghiệm ung thư; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cần hóa chất xét nghiệm gene chẩn đoán nguyên nhân trường hợp sảy thai liên tiếp; Bệnh viện Nhi trung ương cần hóa chất xét nghiệm trường hợp bệnh nhi hôn mê gan…
Những loại hóa chất này hạn dùng rất ngắn nên chúng tôi không dám tích trữ, bệnh viện cũng không dám, hóa chất đã hết từ tháng 1 mà hiện đã là tháng 3″, đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Lý do dẫn đến tình huống bệnh viện cần mà hàng lại không thông quan được là vướng mắc trong nghị định 98/2021 về quản lý trang thiết bị y tế.
Theo nghị định, các mặt hàng thuộc nhóm C, D (thiết bị, vật tư có xâm nhập cơ thể hoặc bệnh lý nghiêm trọng) phải có số đăng ký lưu hành mới được nhập khẩu, tuy nhiên khâu cấp số đăng ký lưu hành lại vướng chính từ Bộ Y tế.
“Chúng tôi đã chuẩn bị nộp hồ sơ từ năm 2017, khi đó thực hiện theo hướng dẫn của nghị định 36, nhưng khi nghị định 36 không khả thi, phải sửa đổi thì hồ sơ chuyển tiếp sang nghị định 98.
Vấn đề ở chỗ các mẫu biểu thay đổi, trước hồ sơ gửi Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, nay vụ chuyển thành cục, chỉ khác một chữ cũng phải làm hồ sơ lại.
Trong khi hồ sơ chúng tôi phải gửi nhà sản xuất ở nước ngoài, không dễ dàng đáp ứng yêu cầu về thời gian vì cần thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự”, vị này nói thêm. Đó là chưa kể khi gửi hồ sơ lên thì việc xét duyệt cũng rất chậm. Từ đó dẫn đến tình huống bệnh viện chờ.
Doanh nghiệp này cũng nhập khẩu một máy xét nghiệm gene tan máu bẩm sinh tự động dự định tặng cho bệnh viện, nhưng do yêu cầu về số đăng ký mà máy vẫn chưa lấy về được.
Trong khi do máy hiện tại của bệnh viện hỏng, các kỹ thuật viên đang phải làm xét nghiệm bằng tay (mỗi mẻ được tám xét nghiệm), nếu có máy mỗi mẻ được 30 xét nghiệm và độ chính xác cao hơn.
Những khó khăn kể trên xuất phát từ những văn bản ban hành năm 2021 – 2022 và đều cho thấy có bất cập. Thậm chí nghị quyết 144, thông tư 68 (Bộ Tài chính) mới ban hành năm 2022 đến nay đã có bất cập và cần sửa đổi.
Văn bản bàn giấy đã khiến vướng mắc kéo dài, khó khăn kéo dài và cần một cuộc “đại phẫu” để thay đổi.
Chiều tối 3-3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành nghị định 98 sửa đổi, cho phép tự động gia hạn giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành, khơi thông các vướng mắc trong nhập khẩu trang thiết bị y tế.
Nguồn: tuoitre.vn