Du lịch đang vào những tháng cao điểm đón khách quốc tế và sự phục hồi ngoạn mục của thị trường nội địa. Nhưng các công ty du lịch, hàng không lại đang trong cảnh thiếu vốn, thiếu “oxy tài chính” để hồi phục.
Không thể để doanh nghiệp du lịch bị chìm trong các gói hỗ trợ một cách mơ hồ, chưa nhận được ưu đãi đúng mức như hiện nay.
Mở cửa du lịch quốc tế có thêm nguồn ngoại tệ
Đến nay chúng ta vẫn thiếu vắng một chính sách hỗ trợ được thiết kế riêng cho ngành du lịch, hàng không, hai ngành chịu nhiều tác động sau dịch COVID-19 và đều được nhận định có năng lực phục hồi để được hỗ trợ ưu tiên phát triển trở lại.
Hàng không Việt Nam có năm hãng thì tất cả đều đang lỗ và gồng lỗ. Nếu tiếp tục tình hình này sẽ để lại hệ quả rất lớn có thể làm tan vỡ các doanh nghiệp hàng không Việt Nam.
Ngành du lịch còn tệ hơn. Chính phủ đang có chương trình ưu đãi hỗ trợ lãi suất 2% nhưng đến nay việc tiếp cận vẫn khó, các tiêu chí còn mơ hồ, khó xác định được đối tượng ưu đãi. Vì thế, thiết kế tiêu chí riêng cho gói hỗ trợ ngành du lịch càng bức thiết.
Mở cửa du lịch quốc tế hợp lý góp phần tăng nguồn cung ngoại tệ, giảm sức ép lên tỉ giá. Ở các nước, sau dịch, Chính phủ đều có những thiết kế chính sách cho ngành du lịch để kéo khách đến và giúp các doanh nghiệp trong ngành bắt kịp tốc độ hồi phục của thị trường. Chúng ta mở cửa sớm nhưng các chính sách hỗ trợ cho việc mở cửa lại bị xem là quá muộn màng.
Chính sách visa đang áp dụng vẫn kém linh hoạt, lạc hậu so với các nước nên không thể cạnh tranh được. Chúng ta mở cửa sớm mà điều kiện quá chặt, thế nên lượng khách quốc tế đến Việt Nam không như mong muốn. Chính sách và cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn gần như bị đánh đồng chung với những ngành khác.
Đang có quá ít hành động cho sự phát triển của ngành du lịch. Doanh nghiệp bị tổn thương nặng nhưng không được hỗ trợ, vì vậy có khách nhưng du lịch lại không phát triển. Đến bây giờ có thể nói mục tiêu 5 triệu khách xem như không đạt được.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ
Cần giải pháp nhanh, quyết liệt
Sau hơn năm năm du lịch được Bộ Chính trị và Chính phủ có nghị quyết riêng xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, đến nay chúng ta vẫn chưa có tổng kết, đánh giá về kết quả triển khai cũng như vạch ra đường hướng mới trong bối cảnh không còn như trước.
Chúng ta cần đánh giá đúng liệu du lịch có thể đóng vai trò hạt nhân để quay lại đóng góp cho ngành kinh tế trong bối cảnh hiện nay? Nếu đã xác định có thì cần xây dựng chiến lược hỗ trợ và quyết sách nhanh chóng. Đây là thời điểm đầu tư du lịch tạo bứt phá.
Thực trạng bộ máy điều hành du lịch từ Ban chỉ đạo quốc gia phát triển du lịch hiện nay đến các chương trình quảng bá hiện chưa được như kỳ vọng. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam rất cực và phải vật lộn trở lại đường đua trong khi nếu có chính sách từ Chính phủ thì tốc độ hồi phục nhanh hơn.
Với chính sách tín dụng hiện nay, những khoản vay mới phát sinh rất ít và gần như không có, trong khi thị trường đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư nhiều hơn, chăm chút hơn. Nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang đói vốn sản xuất, đơn hàng bị cắt giảm, khó khăn chồng chất; vì thế các biện pháp đưa ra để giải quyết cũng cần đồng bộ, nhanh và quyết liệt.
Chúng ta đã có nghị quyết của Bộ Chính trị phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, vậy hãy thúc đẩy và triển khai nghị quyết này vào cuộc sống…
Nguồn: tuoitre.vn