Bước vào năm học 2018-2019, thị xã Đồng Xoài đứng trước nguy cơ thiếu hàng trăm giáo viên đứng lớp. Trong khi theo dự báo của Phòng GD-ĐT thị xã, năm học mới này, toàn thị xã sẽ tăng thêm 1.000-1.200 học sinh từ cấp mầm non đến THCS. Cả nước đang thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế nên việc tăng biên chế giáo viên là rất khó khăn. Vì vậy, Đồng Xoài đang đứng trước bài toán khó là đảm bảo giáo viên đứng lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, đồng thời phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã đề ra.

MỖI NĂM TĂNG THÊM 1.300 HỌC SINH

Theo số liệu thống kê của Phòng GD-ĐT thị xã Đồng Xoài, trong 2 năm học 2016-2017 và 2017-2018, toàn thị xã tăng thêm 49 lớp, nhóm và tăng 2.611 học sinh các bậc mầm non, tiểu học, THCS (bình quân tăng trên 1.300 học sinh/năm học). Trong đó, các trường công lập tăng 28 lớp và tăng 1.934 em. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải về trường, lớp, nhất là tình trạng vượt quá sĩ số học sinh/lớp đối với hầu hết các trường mầm non, tiểu học tại trung tâm nội ô thị xã và các trường gần khu công nghiệp. Đặc biệt, việc tăng lớp, tăng học sinh còn làm gia tăng tình hình thiếu hụt giáo viên, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và việc đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia.

Lớp 4.1 Trường tiểu học Tân Phú năm học 2017-2018 có 47 học sinh

Trên cơ sở khảo sát của các trường trên địa bàn, năm học 2018-2019, toàn thị xã sẽ có khoảng 24.084 học sinh ở 3 cấp học mầm non, tiểu học và THCS, với dự kiến biên chế 665 nhóm, lớp. So với năm học 2017-2018 tăng 989 học sinh và tăng 51 lớp. Tuy nhiên, đây mới là số liệu điều tra của các trường mầm non, tiểu học và số học sinh hiện có của các trường, cơ sở giáo dục trên địa bàn. Thực tế số học sinh tăng thêm (kể cả số chuyển đến sau tuyển sinh) dự kiến khoảng 1.300-1.500 em.

THIẾU 131 GIÁO VIÊN MẦM NON, TIỂU HỌC

Báo cáo của Phòng GD-ĐT thị xã cho biết, năm học 2017-2018, thị xã thiếu 33 giáo viên, gồm mầm non thiếu 2, tiểu học 28 và THCS 3. Tuy nhiên, với số học sinh và số lớp tăng như khảo sát thống kê đã nêu của năm học 2018-2019 thì bước vào năm học mới này thị xã sẽ thiếu 131 giáo viên. Trong đó, mầm non thiếu 57 giáo viên, tiểu học thiếu 74, riêng giáo viên THCS cơ bản đủ.

Năm học 2018-2019, nhiều học sinh nguy cơ không được học 2 buổi và ăn, nghỉ bán trú tại trường

Ông Nguyễn Văn Ngôn, Phó trưởng Phòng GD-ĐT thị xã Đồng Xoài cho biết, chưa bao giờ tình trạng thiếu giáo viên tại thị xã lại gay gắt như hiện nay. Bởi các năm học trước khi học sinh tăng, số lớp tăng, căn cứ nhu cầu thực tế, các quy định của điều lệ trường học và trường đạt chuẩn quốc gia, UBND thị xã sẽ đề xuất UBND tỉnh giao thêm chỉ tiêu biên chế nhằm đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập tại các trường trên địa bàn. Tuy nhiên, do thị xã là địa bàn có mức tăng dân số cơ học hằng năm cao, vì vậy số học sinh ở các cấp học cũng tăng nhanh. Từ những năm trước đây, một số trường nội ô thị xã và các xã Tiến Thành, Tiến Hưng sĩ số các nhóm, lớp mẫu giáo và lớp 1 luôn vượt so với quy định từ 5-10, thậm chí là 15 học sinh/lớp. Do đó, nếu chia tách các lớp để đảm bảo sĩ số chuẩn thì số nhóm, lớp sẽ tăng rất cao, trong khi không đủ giáo viên để bố trí đứng lớp. Nhưng với giáo dục mầm non dễ hơn, bởi ngoài các trường công lập, thị xã còn có 5 trường mầm non và 25 lớp, nhóm tư thục, trong khi các cấp học khác lại chưa có trường tư thục.

Phó chủ tịch UBND thị xã Đồng Xoài Bùi Thị Minh Thúy cho biết: Từ năm 2015 đến nay, thị xã đã tập trung nguồn vốn lớn để xây dựng thêm nhiều phòng học, phòng chức năng nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em, giải quyết tình trạng quá tải học sinh, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn của trường học đạt chuẩn quốc gia. Đến thời điểm hiện nay, có thể khẳng định thị xã không thiếu phòng học mà chỉ thiếu giáo viên.

Còn cô Đồng Thị Huệ, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Phượng cho biết, trường vừa được đầu tư xây dựng, bàn giao 12 phòng học, 8 phòng chức năng để đưa vào sử dụng trong năm học 2018-2019, nâng tổng số phòng học hiện có của trường lên 20, tương đương 20 nhóm/lớp. Dự kiến năm học 2018-2019, trường sẽ tuyển thêm khoảng 150-200 trẻ để biên chế vào 8 lớp, nhóm. Tuy nhiên, hiện số giáo viên của trường chỉ đáp ứng được 12 lớp, nhóm, vì vậy nếu không bố trí thêm được giáo viên thì có ít nhất 8 phòng học phải để trống và kế hoạch tuyển thêm trẻ trên địa bàn cũng không thể thực hiện. Trong khi Mầm non Hoa Phượng đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia năm 2018.

NGUY CƠ HÀNG NGÀN HỌC SINH LỚP 1 KHÔNG ĐƯỢC HỌC BÁN TRÚ

Riêng bậc tiểu học, năm học mới dự kiến có khoảng 11.404 học sinh, tăng 29 lớp và tăng 425 học sinh. Phòng GD-ĐT thị xã đề xuất chọn phương án tuyển sinh nhằm đảm bảo biên chế đúng sĩ số học sinh/lớp, cụ thể là không quá 35 em/lớp theo quy định của điều lệ trường tiểu học. Tuy nhiên, nếu đảm bảo sĩ số học sinh/lớp thì tất cả học sinh lớp 1 của 11/14 trường tiểu học ở thị xã phải học 1 buổi/ngày, đồng nghĩa với việc không có lớp bán trú cho học sinh lớp 1 các trường này. Mặt khác, các khối lớp còn lại cũng sẽ phải giảm học sinh học 2 buổi vì lý do tách lớp đủ sĩ số chuẩn, nên không đủ phòng học 2 buổi. Đồng thời nếu thực hiện phương án này, thị xã sẽ thiếu 74 giáo viên tiểu học. Như vậy, tổng cộng thị xã thiếu 131 giáo viên ở bậc mầm non và tiểu học.

Các cấp, ngành đang thực hiện việc tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy theo tinh thần Nghị quyết số 18, 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nên việc bổ sung biên chế giáo viên là hết sức khó khăn. Vì vậy, Phòng GD-ĐT thị xã cũng tính đến phương án khác. Đó là điều chỉnh dồn các lớp học lại, dẫn đến số học sinh/lớp vượt quá nhiều so với quy định. Việc thực hiện phương án này sẽ rất khó khăn, thiệt thòi cho các em và tạo thêm áp lực cho giáo viên. Quá đông học sinh/lớp ảnh hưởng chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là trong mùa nắng nóng. Đặc biệt, nếu áp dụng phương án này, rất nhiều trường học của thị xã sẽ không đạt chuẩn quốc gia vì vượt quá số học sinh/nhóm, lớp. Tuy phương án này có nhiều khó khăn và bất lợi nhưng trong điều kiện số lượng học sinh tăng mạnh và tình trạng thiếu giáo viên khó có khả năng bổ sung như hiện nay thì đây lại được xem là phương án khả thi. Bởi lẽ, tuy nhiều trường không đạt chuẩn nhưng bù lại tỷ lệ học sinh được học trong các trường công lập, được học 2 buổi/ngày và ăn, nghỉ tại trường theo hình thức bán trú sẽ cao hơn, đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh.

Đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định của điều lệ trường mầm non, tiểu học và trường đạt chuẩn quốc gia, nhưng lại thiếu giáo viên đứng lớp và nhiều học sinh không được học 2 buổi, ăn, nghỉ bán trú tại trường. Còn nếu dồn lớp vượt quá sĩ số học sinh/lớp sẽ gây áp lực trong dạy và học, điều này cũng đồng nghĩa với việc không đạt chỉ tiêu phấn đấu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thị xã khóa IV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Học sinh tăng, lớp học tăng nhưng giáo viên không tăng, đây thực sự là bài toán khó giải đối với ngành giáo dục, chính quyền thị xã, rất cần sự hỗ trợ từ các sở, ngành liên quan và UBND tỉnh.

Theo Báo Bình Phước

Từ khóa : 24hbinhphuocbinh phuoc 24htin 24htin tức online

Các tin liên quan đến bài viết