Năm 2017 ghi nhận nhiều kỷ lục về thiên tai, trong đó các loại hình cực đoan xuất hiện khắp các vùng miền Việt Nam.
Tại hội thảo định hướng, chia sẻ thông tin với các cơ quan truyền thông trong công tác phòng chống thiên tai ngày 19-1, ông Nguyễn Trường Sơn – phó tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) cho biết những năm gần đây, thiên tai cực đoan xuất hiện liên tiếp ở các vùng miền Việt Nam.
Từ bão mạnh, siêu bão ngoài biển Đông, mưa lũ trái quy luật, lũ chồng lũ tại khu vực miền Trung đến lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía Bắc; từ sạt lở bờ sông, bờ biển tại hầu hết các vùng miền, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài đến rét đậm, rét hại lấn sâu vào các tỉnh Trung Bộ…
“Điển hình của những hiện tượng thiên tai cực đoan là đợt hạn hán, xâm nhập mặn từ cuối 2014 đến giữa 2016, tiếp nữa là số lượng bão lịch sử đã xuất hiện trong năm 2017”, ông Sơn nêu.
Thiên tai cực đoan, dị thường đã làm gia tăng số người thiệt mạng và mất tích, gia tăng thiệt hại về kinh tế so với trung bình nhiều năm trước.
Trong 20 năm qua, mỗi năm thiên tai làm trên 300 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP. Thiên tai còn phá hủy môi trường, điều kiện sống, các hoạt động kinh tế-xã hội mà phải mất nhiều thời gian để khôi phục và tác động mạnh đến quá trình tăng trưởng, phát triển bền vững của nền kinh tế xã hội.
Riêng năm 2017, thiên tai đã làm 386 người chết và mất tích, tập trung ở khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung. Tổng thiệt hại về kinh tế lên tới 60.000 tỉ đồng, số thiệt hại về kinh tế đã tăng tới 30 % so với trung bình nhiều năm.
Theo ông Trần Quang Hoài – tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, hiện tượng thiên tai cực đoan xuất hiện nhiều và trái quy luật là thách thức rất lớn. Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, giải pháp đầu tiên là phải đảm bảo các hoạt động phát triển kinh tế xã hội không được gây ra những rủi ro mới.
Tiếp đó cần có chương trình kiểm soát an toàn thiên tai đối với các hoạt động phát triển, đầu tư xây dựng mới cơ sở hạ tầng hoặc hoạt động có tiềm tàng nguy cơ phát sinh rủi ro; xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai tổng thể trên cơ sở hệ thống thông tin đa chiều.
Theo đó mọi hoạt động kinh tế – xã hội phải đảm bảo giảm nhẹ rủi ro thiên tai, xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai từ cấp địa phương, tất cả phải thực tiễn, cụ thể với các kịch bản rủi ro thiên tai để ứng phó.
Nguồn: tuoitre.vn