Thị trường ô tô đang bước vào những ngày đầu tháng 11 “tĩnh lặng” bởi tâm lý chờ đợi quyết định giảm 50% lệ phí trước bạ từ Chính phủ.

Cả xe nội lẫn ngoại đều hồi hộp chờ giờ G

Ngay sau khi có thông tin đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô lắp ráp từ 15/11 của Bộ Tài chính, 11 nhà nhập khẩu ô tô đã cùng lên tiếng đòi hỏi được đối xử công bằng như xe “nội”. Thị trường ô tô Việt Nam trong những tháng cuối năm gần như ngay lập tức xuất hiện đợt “sóng ngầm” tác động tới cả người mua lẫn người bán.

Chờ đợi thông tin được giảm 50% trước bạ giống nửa cuối năm 2020 khiến người mua tìm cách trì hoãn thời gian lấy xe, còn người bán thì loay hoay tính toán giá khuyến mại nếu được Chính phủ “kích cầu”.

Anh Phan Dương Tuấn, nhân viên bán hàng của Ford Phú Mỹ (Tp Hồ Chí Minh) cho biết đã khởi đầu tháng 11 trong tâm trạng thấp thỏm chờ kết quả “lô tô”. “Đầu tháng 10 sau khi hết giãn cách, tôi đã rất vui khi bắt đầu nhận được một số cọc xe từ khách mua nhờ đại lý tung khuyến mãi giảm giá hấp dẫn. Nhưng từ cuối tháng 10 đến nay tâm lý nôn nóng lấy xe của khách đã thay đổi sang hướng chờ đợi giữa tháng 11 được giảm lệ phí trước bạ”, anh Tuấn chia sẻ.

Hai chiếc Ford Everest Sport 2021 được khách đặt cọc trong những ngày cuối tháng 10 không khiến anh Tuấn vui mừng mà kéo theo đó là lo lắng bởi thời gian chờ giao xe trong hợp đồng có thể kéo dài tới 2 tháng theo mong muốn của khách. Ford Everest hiện được nhập khẩu từ Thái Lan, không phải “đối tượng” nằm trong dự thảo Nghị định giảm 50% phí trước bạ. Xe nhập khẩu còn thấp thỏm như vậy thì những mẫu lắp ráp như Ford EcoSport hay Ranger cũng không tránh khỏi diện “ký chờ”. Một đồng nghiệp của anh Tuấn cho biết đang có tới 4 khách mua Ford Ranger bản lắp ráp đều chờ giao sau ngày 15/11.

Thị trường ô tô Việt 'nín thở' chờ giảm phí trước bạ
Từ cuối tháng 10 đến nay, các đại lý ô tô trên cả nước ghi nhận tình trạng khách “ký chờ” để nghe ngóng giảm phí trước bạ.

Giống anh Tuấn, nhưng ở miền Bắc, tại đại lý Honda Ô tô Quảng Ninh, nhân viên bán hàng Nguyễn Xuân Tùng than rằng đang có khách muốn mua dòng xe nhập khẩu như Civic và HR-V nhưng chưa thể “chốt đơn” vì chờ “giờ G”. Anh Tùng nói: “Ngoài việc khách chờ thông tin xe nhập có được giảm trước bạ không thì họ cũng chờ cả đại lý có chính sách giảm giá như thế nào trong tháng 11. Như tháng 10, xe nhập khẩu như CR-V có mức giảm cao lên tới 120 triệu đồng cả tiền mặt lẫn tặng phụ kiện. Xe lắp ráp Honda City mức giảm là 50 triệu đồng”.

Do tháng 11 mới bắt đầu, cộng với tâm lý chờ đợi quyết định cuối cùng từ Chính phủ về dự thảo giảm 50% phí trước bạ ô tô, nên hầu hết các đại lý trên cả nước đều chưa công bố chương trình khuyến mại, ngoại trừ Toyota đã sớm áp dụng tặng một phần lệ phí trước bạ trị giá từ 15 đến 40 triệu đồng cho các mẫu Vios, Fortuner, Innova, Rush và Corolla Altis.

Giảm phí trước bạ 2 tháng cũng đủ cứu thị trường

Theo thống kê của VAMA(Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam), thị trường ô tô Việt Nam cuối năm 2021 khá giống tình cảnh của năm ngoái, thậm chí nguy kịch hơn nếu không được “sốc điện” bằng biện pháp giảm lệ phí trước bạ.

Kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát vào ngày 27/4 đến hết tháng 9, bên cạnh nguyên nhân khó khăn từ khách mua, nhiều nhà máy của thành viên VAMA đã phải tạm dừng sản xuất. Nhiều doanh nghiệp ghi nhận số lượng xe tồn kho rất lớn do việc dừng hoạt động của các đại lý. Ước tính khoảng hơn 200 đại lý ô tô thuộc thành viên VAMA đang trong tình trạng đóng cửa và chưa thể mở cửa trở lại. Cùng với đó là hơn 200 xưởng dịch vụ cũng không thể hoạt động. Nhiều công ty đã ghi nhận mức sụt giảm doanh số trên 60%.

Trong công văn kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xin tái áp dụng quy định mức thu lệ phí trước bạ giảm 50% đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước hồi cuối tháng 7, Công ty Thành Công Motor – TC Motor (nhà phân phối xe Hyundai) đã nhấn mạnh những khó khăn sống còn giữa đại dịch mà các doanh nghiệp ô tô đang đối mặt.

TC Motor đã lấy dẫn chứng số liệu từ Tổng Cục Thống kê cộng dồn 6 tháng đầu năm, trong khi xe lắp ráp liên tục gặp khó trong sản xuất và tiêu thụ thì tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ô tô nguyên chiếc lại  tăng tới 99,6% về lượng và 102,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhìn lại diễn biến thị trường 2020, tỉ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc đã lên tới 41%, đạt mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại, đe dọa mất cân bằng tương quan với sản xuất nội địa. Nhờ ưu đãi 50% phí trước bạ nửa cuối năm 2020 áp dụng cho xe lắp ráp, tỉ trọng xe ô tô nhập khẩu đã giảm về mức 27%. Nhưng bước sang nửa đầu năm 2021, tỉ lệ này đã tăng trở lại ở mức 31%. Chính vì vậy, TC Motor khẳng định cần tiếp tục có sự can thiệp kịp thời và quyết liệt từ Chính phủ thì sản xuất trong nước mới cạnh tranh được với nhập khẩu thương mại.

Thực tế liệu pháp “sốc điện” từ giảm 50% lệ phí trước bạ kéo dài 6 tháng năm ngoái đã được chứng minh hết sức hiệu quả, không chỉ làm “sống lại” các doanh nghiệp kinh doanh ô tô mà còn tăng thu ngân sách.

Cụ thể, thay vì ban đầu Bộ Tài chính ước tính giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô trong nước sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 3.700 tỷ đồng, nhưng ngược lại, số liệu từ Tổng cục Thuế cho thấy việc ưu đãi diễn ra từ 28/6 đến 31/12/2020 giúp thu ngân sách tăng hơn 11.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng tăng hơn 8.200 tỷ đồng, phí và lệ phí trước bạ tăng hơn 3.000 tỷ đồng. Từ chỗ đầy lo lắng, thị trường ô tô Việt Nam năm 2020 đã tiêu thụ 407.487 xe, vượt con số 401.890 xe của năm 2019, góp phần tăng thu ngân sách.

Bản thân những nhân viên bán xe như anh Phan Dương Tuấn lúc này đang chờ đợi từng ngày, thấp thỏm mong Chính phủ sớm có quyết định giảm lệ phí trước bạ. Chỉ khi khách hàng được đả thông tư tưởng cũng như động lực mua xe, ác mộng “nằm chơi xơi nước” mới kết thúc dù chỉ còn hơn 2 tháng “chạy đua”.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : phí trước bạthị trường ô tô

Các tin liên quan đến bài viết