Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công thương), trong nửa đầu tháng 7/2017, giá các mặt hàng nông, thủy sản tại thị trường trong nước tăng, giảm trái chiều so với kỳ trước.

Cá tra đang vào thời điểm thu hoạch rộ nên giá tiếp tục giảm mạnh.
Theo đó, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong nửa đầu tháng 7/2017 tiếp tục tăng mạnh. Hoạt động giao dịch trên thị trường sôi động do thương lái và các doanh nghiệp chế biến gạo xuất khẩu đang đẩy mạnh mua vào trang trải các hợp đồng đã ký. Cụ thể, giá lúa khô tại kho tăng từ 200 – 300 đồng/kg so với cuối tháng 6/2017, loại thường dao động từ 5.500 – 5.600 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.900 – 6.000 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu cũng tăng từ 350 – 400 đồng/kg, loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.500 – 7.600 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.150 – 7.250 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm tăng mạnh hơn, tăng từ 400 – 500 đồng/kg, loại 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 8.500 – 8.600 đồng/kg, gạo 15% tấm 8.300 – 8.400 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 8.100 – 8.200 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.
Thị trường gạo xuất khẩu chuyển biến tích cực. Giá gạo xuất khẩu tăng do nhu cầu đang gia tăng trên thị trường thế giới, nhất là từ những nước châu Á như Bangladesh, Philippines. Hiện Đồng bằng sông Cửu Long qua vụ Đông Xuân đã cạn nguồn cung, lúa hè thu mới thu hoạch khoảng 300.000 ha.
Về giá thủy, hải sản, hiện cá tra đang vào thời điểm thu hoạch rộ nên giá cá tra tiếp tục giảm mạnh theo xu hướng giảm giá của một số loài thủy sản khác. Giá cá tra tại Đồng Tháp trong nửa đầu tháng 7/2017 giảm 1.000 đồng/kg, dao động từ 22.700 – 24.700 đồng/kg. Trong tình hình sản xuất cá tra còn gặp nhiều khó khăn, để giảm bớt rủi ro, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích sang nuôi các loài cá khác như cá lóc, cá trê… Tuy nhiên, giá tôm tại Đồng Tháp tăng 8%, lên mức 270.000 đồng/kg (100 con). Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đang gia tăng, nhất là từ phía Trung Quốc. Xuất khẩu thủy, hải sản trong giai đoạn giữa mùa hè, đỉnh điểm mùa du lịch của người dân Trung Quốc đang khá thuận lợi. Thị trường tiêu thụ chính của các sản phẩm thủy, hải sản nhập khẩu từ Việt Nam là khu vực phía Nam Trung Quốc, nơi hội tụ nhiều khách du lịch, nghỉ mát, tắm biển. Trong tuần lễ từ ngày 6 – 13/7/2017, sản lượng thủy, hải sản xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái có sự tăng trưởng đột biến, đạt 9.930 tấn, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước. Trong đó, các sản phẩm tôm cấp đông và đông lạnh tươi chiếm 42% kim ngạch. Các loại đặc sản đạt giá trị dinh dưỡng và kinh tế cao như cá ngừ, thu, nhụ, chim, nục, mú, chình, thủ đều có giá cao hơn, do cầu cao hơn cung 30%.
Giá cà phê giảm nhẹ so với cuối tháng trước, giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên dao động 43.900  44.500 đồng/kg, giảm nhẹ 300 đồng/kg. Tại cảng TP. Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta theo giá FOB giảm 14 USD/tấn, xuống 2.002 USD/tấn. Thị trường cà phê nội địa đang khá trầm lắng, tuy nhiên thị trường vẫn được hỗ trợ do tồn kho trong nước không còn nhiều và nguồn cung cà phê toàn cầu giảm.
Giá điều khô trong nước vẫn ổn định từ 52.000 – 54.000 đồng/kg. Mùa vụ điều trong nước vẫn còn 1 đợt thu hoạch để phục vụ cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu vào cuối năm. Tuy nhiên, sản lượng này không nhiều, không đáp ứng được số lượng mà ngành điều đặt ra. Do đó, trong 6 tháng cuối năm 2017, toàn ngành dự kiến phải nhập khẩu thêm 500.000 tấn điều thô, cùng với nguồn nguyên liệu được chuẩn bị trước từ hồi đầu năm 2017, mới đáp ứng được các hợp đồng đã ký./.

Thanh Phương 

Từ khóa : giá càgiá nông sảngiá thủy sản

Các tin liên quan đến bài viết