Sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án môn ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, nhiều giáo viên, học sinh cho rằng đáp án còn nhiều bất cập, nội dung đáp án còn “hở”, thang điểm chưa phù hợp.
Vậy với một đáp án “ồn ào”, việc chấm thi sẽ căn cứ vào đâu, thí sính có được sự công bằng hay phải chấp nhận “may rủi” từ đáp án đó?
Theo tôi, bộ hoàn toàn có thể điều chỉnh trong hướng dẫn chấm dành cho giám khảo chấm thi. Chỗ nào sai thì sửa, chỗ nào “đóng” thì “mở”, chỗ nào chưa linh hoạt thì điều chỉnh cho linh hoạt, phải làm sao đảm bảo sự công bằng, đánh giá đúng năng lực của học sinh.
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh
“Chênh”
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, tổ trưởng tổ văn Trường THPT chuyên Lương Văn Chánh (tỉnh Phú Yên), cho rằng đề thi môn văn có rất nhiều bất cập.
Thầy Minh liệt kê: “Câu 1, 2 phần đọc hiểu là câu hỏi ở mức nhận biết, nhìn vào là thấy ngay đáp án. Học sinh chỉ cần chép lại trong đoạn trích của đề thi mà không cần phải suy nghĩ gì nhưng đáp án lại để mỗi câu 0,75 điểm. Trong khi đó, câu 4 phần này là câu hỏi ở mức độ cao hơn, đòi hỏi các em phải suy nghĩ kỹ mới có thể làm được thì đáp án lại để 0,5 điểm.
Như vậy, cấp độ tư duy càng cao thì số điểm càng thấp. Đây là một cách làm không khoa học. Nếu muốn học sinh có điểm thì có thể giảm độ khó câu 3, 4 xuống để học sinh dễ làm”.
Hay trong câu 3 trong phần đọc hiểu một đoạn trong văn bản “Bí mật của nước”, yêu cầu học sinh “Những câu văn giúp anh/chị hiểu gì về dòng chảy của nước và cuộc sống con người?”. Đáp án áp đặt học sinh vào 3 ý: dòng chảy của nước chậm rãi, hiền hòa; cuộc sống của con người thanh bình, yên ả; dòng chảy của nước và cuộc sống con người gắn bó, hài hòa. Theo thầy Minh, có sự chênh lệch lớn.
“Rõ ràng có một sự “chênh” giữa câu hỏi và đáp án. Những ý trên trong đáp án chỉ có thể dùng để trả lời cho câu hỏi “Trong những câu văn trên, dòng chảy của nước và cuộc sống con người được thể hiện như thế nào?” chứ không thể dùng để trả lời cho câu hỏi nêu ra trong đề. Đề yêu cầu nói về dòng chảy của nước và cuộc sống con người. Biên độ của đề rộng hơn. Với yêu cầu ấy, học sinh có thể trả lời theo nhiều hướng khác nhau, có thể vượt ra ngoài đoạn văn. Đáp án như vậy sẽ áp đặt, “đóng khung” suy nghĩ của học trò” – thầy Minh phân tích.
Tương tự, khi nhìn đề thi môn văn và cầm trên tay đáp án chính thức của Bộ GD-ĐT, cô N.T.T.H., giáo viên văn một trường THPT chuyên ở TP.HCM, nhận định đáp án đọc qua thì không sai, nhưng quá chung chung.
Cô H. nói: “Với đáp án này, hứa hẹn ai muốn chấm sao thì chấm. Tôi nghĩ cơ bản là từ đề, đề ngay từ đầu đã có vấn đề. Nhưng đề thi tôi cảm giác đã “an bài”. Nhìn đáp án thấy khá rõ tinh thần “nhân đạo” đối với học sinh khi phần lớn câu trả lời đều ở mức khái quát, chung chung. Nghĩa là học sinh viết sao miễn phù hợp với tinh thần đáp án và hợp lý là có điểm.
Đơn cử như đáp án câu 3 phần đọc hiểu, nghĩa là mỗi học sinh có thể hoàn toàn hiểu theo mỗi cách. Hay đáp án phần nghị luận xã hội, mục c mới chỉ thể hiện một phương diện của vấn đề (ý nghĩa đối với đời sống xã hội), còn những phương diện khác chưa thấy đề cập (đối với cá nhân, hoặc đặt trong hoàn cảnh cụ thể…). Vậy học sinh trả lời ở phương diện khác thì sao?”.
Đóng
Cô N.T.M., giáo viên văn một trường THPT ở quận Bình Thạnh, TP.HCM, lo lắng: “Nhìn vào đáp án, thấy ngay là sẽ gây khó khăn cho người chấm khi việc hiểu của học sinh khác nhau, khả năng diễn đạt của học sinh khác nhau, cấp độ ý mà học sinh trình bày cũng khác nhau. Vậy thang điểm nào để phân cấp cho học sinh. Và đòi hỏi cơ bản đối với học sinh trung bình phải trả lời được là gì?
Chấm như đáp án thì dễ thấy hiện tượng “chém gió” là có điểm. Lệch 0,5 điểm đã có em đậu em rớt, huống hồ thang điểm 0,5 – 2 điểm. Tới đây khi có điểm sẽ có những thất vọng từ học sinh làm bài sâu, tư duy; những bất ngờ điểm cao từ các em học đối phó”.
Cô K.P., một giáo viên THPT của Hà Nội, nhận xét: “Kỹ năng đọc hiểu, kỹ năng làm văn đều được giáo viên dạy kỹ, nên với đề văn này, phần lớn các con cũng sẽ nói được, ít nhất là chạm được đến ý đưa ra trong đáp án. Nhưng tôi khá băn khoăn, vì với đáp án đóng như thế này, nếu việc chấm cũng đếm ý cho điểm thì sẽ dễ bỏ sót những bài viết thực sự tốt, thể hiện năng lực của thí sinh.
Tôi ví dụ ở câu 3 phần đọc hiểu, câu hỏi thì rộng nhưng đáp án lại sơ sài. Trên thực tế sẽ có những thí sinh đề cập đến các khía cạnh đa dạng hơn, sâu hơn nhưng có thể lại không có điểm vì không chạm đến ý được đưa ra trong đáp án. Trong khi “Dòng chảy của nước và cuộc sống của con người” không chỉ có chậm rãi, hiền hòa, thanh bình, yên ả như đáp án đã nêu. Đáp án cần mở hơn để chấp nhận những diễn đạt tương đương của thí sinh”.
Cũng theo cô K.P., câu hỏi trong đề vốn đã gây băn khoăn cho giáo viên khi ép thí sinh hiểu về “sống cống hiến” một cách gượng gạo. Trong khi người “đọc hiểu” đoạn ngữ liệu sẽ hình dung đến các giá trị khác trước khi liên tưởng đến “cống hiến”.
Vì thế những thí sinh có năng lực tốt khi làm phần này có thể cũng bắt đầu từ những liên tưởng gần hơn, rồi mới đến “cống hiến”. Với các đề mở, lẽ ra cần chấp nhận cả suy nghĩ trái chiều, phản biện của thí sinh – đó là cách để kiểm tra các năng lực cần thiết để các em bước ra cuộc sống: khả năng quan sát, tư duy độc lập, khả năng phản biện, lập luận… Chứ nếu cứng nhắc sẽ chỉ khiến sản phẩm của dạy học văn là những con vẹt, sao chép, copy suy nghĩ của thầy cô.
Xin hãy thương học trò
Mới đây trên mạng xã hội có lan truyền bài viết của cô giáo Hà Hoài Phương (Trường THPT chuyên Hùng Vương, tỉnh Gia Lai). Cô cho rằng từ những tin nhắn buồn bã, than thở, chán nản, thất vọng của học sinh làm cô suy nghĩ và lên tiếng với hội đồng chấm thi.
“Xin các thầy cô hãy thương học trò mà đừng đếm ý, đừng máy móc bám vào dấu trừ, dấu cộng trong đáp án để cho điểm. Tư duy của học trò đôi khi không nằm trong những cộng trừ ấy…
Xin các thầy cô hãy thương học trò mà trân trọng những bài làm thể hiện sự say mê, tâm huyết của các em đối với văn chương. Giám khảo hãy dùng “con mắt xanh” để thẩm văn, để giữ niềm yêu văn chương ít ỏi còn sót lại trong những lớp học trò hôm nay.
Xin hãy thương học trò, trước hết vì tương lai của các em nằm trong điểm số định mệnh mà chúng ta hạ bút, sau nữa là vì chính chúng ta. Đừng để học trò mất niềm tin vào chúng ta khi chính chúng ta đang dạy cho chúng bài học về tình yêu thương và lẽ công bằng” – cô Phương viết trên mạng xã hội.
TP.HCM có thể hoàn thành chấm thi trễ hơn dự kiến
Trao đổi về những băn khoăn, tâm tư của giáo viên dạy văn và giáo viên trực tiếp tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT năm nay, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết cùng với đáp án đã được công bố công khai với barem điểm, Bộ GD-ĐT còn xây dựng hướng dẫn chấm thi môn ngữ văn gửi các hội đồng thi cả nước. Hướng dẫn chấm sẽ cụ thể, chi tiết hơn, trong đó lưu ý giám khảo khi chấm các câu hỏi mở.
Và theo quy định trước khi giám khảo làm việc độc lập sẽ có buổi chấm chung ít nhất 10 bài thi. Từ việc chấm chung, những điểm còn chưa hiểu, chưa rõ hoặc chưa hợp lý sẽ được thảo luận, thống nhất. Căn cứ vào đó các giám khảo mới bắt đầu chấm theo hai vòng độc lập. Khi hai giám khảo chấm xong có kết quả vênh, tổ trưởng tổ thống nhất điểm sẽ phải tổ chức để hai giám khảo đối thoại. Nếu trường hợp điểm giữa hai giám thị chênh nhau 1,0 điểm trở lên thì bài thi sẽ phải đưa ra hội đồng xem xét.
Ông Nguyễn Hữu Độ cũng trao đổi thêm nơi nào bài thi phải chấm phúc khảo và thay đổi kết quả chấm so với lần chấm đầu nhiều, cần để giám khảo giải thích, phản biện. Nếu xảy ra việc chấm chưa chính xác do năng lực, trách nhiệm của giám thị thì sẽ truy cứu trách nhiệm của người chấm.
Theo lịch của Bộ GD-ĐT, các hội đồng chấm thi sẽ hoàn tất việc chấm thi chậm nhất vào ngày 24-7. Tuy nhiên do diễn biến dịch bệnh phức tạp nên Bộ GD-ĐT cho phép “điểm nóng” dịch bệnh là TP.HCM được giãn tiến độ chấm thi. Như vậy việc chấm thi tại TP.HCM có thể hoàn thành muộn hơn dự kiến.
Nguồn: tuoitre.vn