Sau mỗi mùa thi, có rất nhiều câu chuyện buồn, kể cả thậm chí tâm trạng tuyệt vọng nơi học sinh do thi rớt. Đã có nhiều khuyến cáo từ các nhà giáo dục, tâm lý cần chữa căn bệnh tâm lý này nhưng không hề dễ dàng.
Sự thất vọng, chê bai của người lớn khi con thi trượt khiến nhiều học sinh đã cho rằng mình là người bỏ đi. Nếu không gặp được một môi trường giáo dục tích cực hơn, những học sinh đó sẽ tiếp tục trượt dài. Sự trượt dài sau này mới đáng sợ hơn nhiều một lần thi trượt.
Thầy Nguyễn Tùng Lâm
Tình trạng này xảy ra ở thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT và đặc biệt là xét tuyển vào ĐH.
Mặc cảm, cô đơn, vô dụng
“Đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên cảm giác cô đơn và hụt hẫng khi biết mình thiếu 1 điểm nên không thể vào Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.
Đây là ngôi trường mà cả gia đình tôi mong ước, không chỉ vì danh giá của trường mà còn vì mức học phí rất vừa sức với gia cảnh nhà tôi. Vậy mà một học sinh giỏi nhiều năm liền như tôi lại rớt” – Nguyễn Hoàng Nam, sinh viên năm 2 một trường ĐH tư thục ở quận 7, TP.HCM, kể.
Nam cho biết: “Ba mẹ không la tôi, nhưng mẹ nói đúng một câu: “Giá mà con cố gắng thì nhà mình đỡ khổ”.
Tôi không chỉ thất vọng về bản thân mà còn day dứt mãi với câu nói ấy, bởi nếu tôi không thiếu 1 điểm thì không phải chọn học trường ĐH tư thục, giảm bớt gánh nặng tiền bạc cho ba mẹ. Đỉnh điểm là một buổi tối, tôi thấy ba mẹ cãi nhau về việc phải đi mượn tiền đóng học phí bậc ĐH cho tôi.
Đêm hôm ấy, nằm suy nghĩ tôi thấy mình thật vô dụng. Và tôi nghĩ cực đoan để ba mẹ đỡ khổ, đỡ phải cãi nhau, đỡ băn khoăn về việc đi mượn tiền đóng học phí. Suy nghĩ cực đoan ấy cứ đeo tôi mãi những ngày sau đó.
Nhưng rồi tôi chợt nhớ ra mình cần phải nói lời cuối cùng với thầy chủ nhiệm. Thầy thương tôi lắm.
Và tôi lấy điện thoại ra nhắn tin: “Vĩnh biệt thầy, con sẽ luôn nhớ đến thầy”. Ngay lập tức, thầy gọi cho tôi, hỏi han, động viên, cuối cùng là: “Thầy còn rất nhiều chuyện chưa kịp nói với con. Con đợi thầy 5 phút nhé”. Chưa đầy 5 phút sau, ba mẹ tôi ào vào phòng nức nở”…
Nam thú nhận: “Ý nghĩ cực đoan bộc phát rất nhanh. Giờ nghĩ lại mới thấy sao hồi đó mình dại dột quá, nếu không có thầy chủ nhiệm là tôi “tiêu” rồi”.
Chị H.T., phụ huynh ở quận Tân Phú, TP.HCM, kể câu chuyện vừa xảy ra ngay sau khi Sở GD-ĐT TP.HCM công bố điểm chuẩn vào lớp 10 năm 2021.
“Con tôi rớt hết 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập mặc dù năm lớp 9 cháu đạt danh hiệu học sinh tiên tiến. Tuy vậy, khi xét tuyển vào lớp 10 thì cháu mất lợi thế vì điểm trung bình môn văn chỉ có 5,9. Xem kết quả là cháu đã sốc lắm rồi, chồng tôi còn “bồi” thêm một câu: Nhà này không ai ngu như mày” – chị H.T. kể.
Chị H.T. đã gọi cho chúng tôi cầu cứu sau khi tìm thấy bức thư của con gái đang viết dang dở. Trong đó, cô bé tâm sự rằng bản thân mình thật tồi tệ, không ra gì. Rất may, sự việc đã không diễn biến xấu hơn…
Muôn hình vạn trạng những phản ứng tiêu cực của cha mẹ khi con thi trượt. Khá nhiều phụ huynh đã trút sự thất vọng lên con bằng những trận mắng mỏ, chì chiết, kể lể công trạng, rồi so sánh con mình với “con nhà người ta”.
Những món quà đắt tiền, những chuyến đi chơi, kỳ nghỉ dưỡng, dự định ăn mừng được vạch ra từ trước của nhiều gia đình đã bị hủy bỏ…
Nhưng đối với nhiều đứa trẻ, tất cả những điều đó vẫn không kinh khủng bằng sự thất vọng hiện lên trong ánh mắt, hay cách cha mẹ đôn đáo, chạy đến trường này, trường kia để tìm cho con bằng được một chỗ học “tươm tất” đỡ xấu hổ hơn.
Trên những group của phụ huynh vào mùa thi, mùa tuyển sinh, câu chuyện về hành xử thế nào khi “con thi trượt” có khá nhiều ý kiến đa chiều.
Có những người phản đối cách ứng xử tiêu cực với con cái, nhưng có người lại cho rằng phản ứng đó là cảm xúc bình thường và đứa trẻ khi không cố gắng thì cần phải “chịu trách nhiệm” với hậu quả.
Cô Hà Thị Thu Thủy, giáo viên Trường THPT Einstein (Hà Nội), kể từng chứng kiến một phụ huynh dẫn con tới nhập học, vừa làm thủ tục nhập học vừa chì chiết, mắng mỏ con. “Tôi rất thương những học sinh như thế.
Ngoài những học sinh có học lực trung bình xác định từ đầu sẽ học trường tư, những học sinh được bố mẹ kỳ vọng đỗ đạt cao hơn thường mang mặc cảm thất bại” – cô Thủy nhận xét.
Thất bại “quý giá”
Khi đặt ra câu hỏi “Con thi trượt, bố mẹ ở đâu?”, có hàng trăm phụ huynh, học sinh chia sẻ suy nghĩ.
Trong đó có bạn trẻ tâm sự: “Chứng kiến nỗi buồn của nhiều học sinh thi trượt, tôi nhớ lại “sự cố thi cử” của mình trước đây, càng thấy biết ơn bố mẹ. Bố mẹ tôi không mắng mỏ, cũng không đem những điều răn dạy dài dòng, đao to búa lớn để nói vào lúc tôi thấy đổ vỡ nhất.
Thái độ của bố mẹ khiến tôi thấy thất bại mình gặp phải là việc không quá nghiêm trọng và tôi hoàn toàn có thể “sửa sai” nếu biết cách cố gắng”.
Tương tự, chị Hạnh Nguyên, một phụ huynh ở Hà Nội có con trượt vào lớp 10 trường công lập, chia sẻ: “Cũng buồn, lo, thất vọng chứ, nhưng để tốt cho con thì trước hết mình cần mạnh mẽ, lạc quan. Thương con không phải xuê xoa, hay cho rằng kết quả thi kém của con là “thiếu may mắn”. Nhưng cũng phải để con thấy trong cuộc đời sẽ còn có nhiều lần thất bại.
Điều quan trọng là bài học từ thất bại thế nào? Cách để vượt qua nó ra sao. Nếu thất bại khiến con suy nghĩ nghiêm túc hơn về cách tự học, biết sắp xếp cho mình một lộ trình mới để cố gắng thay đổi thì tôi lại thấy thất bại hôm nay quý giá”.
“Làm cho đứa trẻ hiểu được ai cũng có giá trị để tự tin, tự hào chứ không phải “thứ bỏ đi” là một cách để biến thất bại thành động lực thay đổi.
Nói một cách khác, tác động tích cực từ người lớn sẽ khuyến khích quá trình tự thay đổi của học sinh” – thầy Nguyễn Tùng Lâm, chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, chia sẻ cách mà ông đã giúp nhiều học sinh “đứt gánh trường công” vượt lên thất bại để khẳng định bản thân.
Mẹ đẻ của thành công
Thu Giang, sinh viên Viện Đào tạo báo chí truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội), chia sẻ về sự cố thi trượt của mình: “Hôm biết điểm thi lớp 10 không được như mong đợi, mẹ vẫn thịt con gà làm cơm, không phải để “ăn mừng” mà vì một lý do khác: “đánh dấu một chặng đường mới của con gái”.
Khi đã đi qua thất bại và có chút thành công trong thi cử, giá trị mà tôi nhận thấy lại không phải ở điểm số. Nếu ngày đó bố mẹ nói “thất bại là mẹ thành công” thì tôi đã nghĩ nó thật giáo điều, sách vở. Nhưng trải qua rồi tôi thấy câu nói cũ rích đó của người xưa thật đúng”.
Tôi đã vượt qua nỗi buồn thi rớt như thế nào?
Với bảng thành tích học tập đáng ngưỡng mộ (Sinh viên xuất sắc nhất nước Anh năm 2004, Top 100 sinh viên xuất sắc nhất thế giới năm 2006, tốt nghiệp thủ khoa khóa MBA tại ĐH Oxford, Anh…), nhiều người lầm tưởng rằng con đường học tập của TS Nguyễn Chí Hiếu – giám đốc điều hành Tổ chức giáo dục IEG – rất thuận lợi và suôn sẻ.
Nhưng không, TS Nguyễn Chí Hiếu “bật mí”: “Tôi đã từng thất bại rất nhiều lần, cả trong học tập và trong công việc.
Lần thất bại và cũng là cú sốc lớn đầu tiên trong cuộc đời tôi là thời kỳ tôi chuẩn bị kết thúc khóa học dự bị ĐH ở Anh. Hồi ấy, tôi thích nhất và cũng kỳ vọng nhất với ĐH Cambridge.
Và tôi chuẩn bị cho ước mơ của mình bằng sự nỗ lực học tập để thực hiện tốt bài phỏng vấn, đạt điểm cao trong các bài thi, làm những dự án kinh tế… Nhưng cuối cùng thì tôi bị từ chối trong khi năm ấy rất nhiều bạn cùng lớp với tôi được nhận vào ĐH Cambridge và ĐH Oxford.
TS Nguyễn Chí Hiếu
* Cảm xúc của anh lúc ấy như thế nào?
– Tôi có tất cả cảm xúc của một người thi rớt: gato với đám bạn thi đậu, tự chất vấn bản thân tại sao có bạn điểm thấp hơn mình, không có dự án kinh tế… mà vẫn được nhận vào học, còn mình thì không.
Nhưng sau 1 tuần buồn bã và khóc, tôi nghĩ đến khoảng thời gian sắp tới mà mình phải đối mặt với câu hỏi: mình sẽ “đi” tiếp như thế nào?
Tôi xem lại tài khoản tiết kiệm của mình rồi quyết định xách balô lên đi du lịch. Tôi muốn đến một nơi thật yên tĩnh để gỡ rối cho bản thân mình.
Sau 1 tuần đi chơi đó, tôi đã vạch cho mình 3 phương án: hướng lý tưởng nhất là tôi sẽ được một trường ĐH khác ở Anh cấp học bổng tiếp tục học tập bậc ĐH. Lúc này, tôi đã không còn quan niệm đến trường nổi tiếng hay không nổi tiếng nữa.
Tôi đã vạch ra hướng đi: trường nào nhận mình vào thì mình sẽ nỗ lực học thật tốt ở trường đó.
Phương án 2 là tôi sẽ đi làm thêm để trang trải một phần chi phí sinh hoạt đắt đỏ ở Anh trong 3 năm sắp tới nếu không nhận được học bổng. Phần còn lại tôi sẽ xin bố mẹ một ít và đi vay ngân hàng để đóng học phí.
Phương án 3: quay về Việt Nam, chấp nhận khởi đầu chậm hơn các bạn đồng trang lứa bằng việc đăng ký thi tuyển vào ĐH ở Việt Nam. Dĩ nhiên, tôi sẽ phải ôn luyện kiến thức của chương trình Việt Nam vì tôi đã sang Anh 2 năm.
* Và…?
– Hai tháng sau, tôi nhận được tin có đến 4 trường ĐH đồng ý cấp học bổng cho tôi. Tôi trân trọng cơ hội ấy và tự nhủ mình sẽ học để chứng minh rằng nhà trường đã không sai lầm khi nhận tôi vào.
Cũng cần nói thêm rằng: trong 2 tháng chờ đợi để được thi A – level cùng với thông tin từ trường ĐH thì tôi vẫn phải tiếp tục đấu tranh với bản thân, vượt qua những cảm xúc tiêu cực gợn lên trong lòng khi các bạn cùng lớp nói chuyện về ngôi trường Cambridge, Oxford mà họ sẽ vào học.
Nhưng rất may là tôi vượt qua những cảm xúc ấy với tự nhủ mình có con đường đi của bản thân.
* Một chàng trai 19 tuổi đã biết đối mặt với sự thất bại một cách mạnh mẽ như vậy, anh có nhận được sự giúp sức hay động viên của gia đình?
– Vì tôi có nền tảng giáo dục từ gia đình rất tốt: từ nhỏ, ba mẹ tôi đã dạy các con về ý chí vươn lên, về sự bền bỉ trong học tập.
Những năm tháng học phổ thông của tôi cũng có nhiều lúc kết quả không như mong đợi nhưng ba mẹ, thầy cô giáo của tôi không bao giờ chì chiết hay mắng mỏ. Sau những lần ấy, ba mẹ tôi thường nói rằng: “nỗ lực tiếp thôi”.
Thầy cô của tôi ngày xưa cũng không tạo ra những “bong bóng của sự kỳ vọng”, không tạo ra những thế hệ học sinh đạt điểm cao nhưng rất mong manh, dễ vỡ. Thay vào đó, thầy cô dạy chúng tôi cách đối phó với thất bại.
* Theo anh, nếu con mình thi rớt, phụ huynh cần phải làm gì?
– Chính các bậc phụ huynh phải gỡ “nút thắt” của mình trước. Nhiều người đề ra điều kiện là con phải vào được trường A, trường B mới tốt; không vào được là coi như thất bại, là hết cơ hội thành công. Trong khi trên thực tế: không phải cứ học trường nổi tiếng mới thành công.
Vẫn có rất nhiều học sinh, sinh viên học ở trường không nổi tiếng nhưng vẫn thành công. Các phụ huynh nên trò chuyện với con, rằng con đã nỗ lực hết sức rồi, không nên so sánh con mình với “con nhà người ta”, không để trẻ chìm đắm trong sự buồn chán và tuyệt vọng mà hãy vực trẻ dậy bằng những trải nghiệm tích cực, bằng sự định hướng để có thái độ đúng đắn với sự thất bại, với con đường học tập ở phía trước.
Nguồn: tuoitre.vn