Trước tin một cháu bé 13 tuổi bị bệnh bạch hầu tử vong khi chuyển về TP.HCM điều trị, một số bạn đọc gọi đến báo Tuổi trẻ hỏi thông tin những người dân sống tại TP.HCM có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu hay không?
ThS Lê Hồng Nga – trưởng khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM – cho rằng người dân TP.HCM có nguy cơ mắc bệnh bạch hầu hay không phụ thuộc vào mỗi người dân của TP. ThS Nga khẳng định TP.HCM sẽ không có nguy cơ cao mắc bệnh bạch hầu nếu mỗi người dân của TP đều đồng lòng tiêm chủng.
Lên kế hoạch tiêm vacxin bù
Đến nay TP.HCM mới có một ca mắc bệnh bạch hầu, trước đó ca này cũng mới đến TP.HCM. Qua điều tra dịch tễ cho thấy việc sinh hoạt, học tập của người này chỉ trong môi trường nội trú, không giao lưu với môi trường bên ngoài. Ca này mắc bệnh bạch hầu là do chích ngừa chưa đầy đủ.
Theo kế hoạch chung của chương trình mở rộng quốc gia, toàn quốc sẽ triển khai vắc xin Td (Uốn ván – bạch hầu) cho trẻ em dưới 7 tuổi tiêm thiếu hoặc bỏ sót mũi tiêm này. Hiện nay Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP đang tham mưu trình Sở Y tế ban hành kế hoạch để hoàn thành và sẽ triển khai tiêm vắc xin Td miễn phí cho tất cả trẻ em đủ tuổi tiêm vắc xin Td miễn phí vào khoảng tháng 10-2020. Hiện nay, TP đang điều tra, dịch tễ những trường hợp tiêm thiếu hoặc bỏ sót mũi tiêm này.
Mùa COVID-19 vừa qua, có vài tuần nước ta tạm phải ngưng hoạt động tiêm chủng do giãn cách xã hội. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình tiêm chủng của trẻ em dưới 1 tuổi, đã chậm một tháng so với tiến độ.
Vì vậy mà Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã triển khai kế hoạch tiêm bù và giao cho tất cả các trạm y tế phường, xã trong TP rà soát, thông báo và mời những người có con em chưa tiêm chủng đi tiêm chủng những mũi tiêm này, nhất là những vắc xin cơ bản như bạch hầu, ho gà, uốn ván phải tiêm chủng cho đầy đủ.
Như vậy, mỗi gia đình có trẻ em dưới 1 tuổi phải mở sổ tiêm ngừa của trẻ hoặc lấy mã số của trẻ gõ tên truy cập trong hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia xem trẻ đã tiêm vắc xin bạch hầu- ho gà- uốn ván bắt buộc hay chưa? Nếu chưa thì phải đưa trẻ đi chích ngừa.
Đối với người lớn, chưa có thống kê nào về tỉ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu cho người ngoài tiêm chủng mở rộng. Tại nước ta việc tiêm chủng bạch hầu cho người lớn chưa phổ biến nên số người lớn không được bảo vệ đầy đủ đối với bạch hầu là không nhỏ.
Chích nhiều mũi
ThS Nguyễn Hiền Minh – phó giám đốc Y khoa hệ thống Trung tâm VNVC cho rằng người lớn ít tiêm nhắc lại văc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván, đây là khoảng trống để mầm bệnh xâm nhập lại. Để đảm bảo hiệu quả của miễn dịch cộng đồng cần rà soát lại chương trình tiêm chủng của người dân.
Bên cạnh việc cơ quan y tế thực hiện các chiến dịch tiêm vét, tiêm bổ sung vắc xin phòng bệnh bạch hầu cho trẻ nhỏ dưới 7 tuổi miễn phí thì cần khuyến cáo người dân đưa trẻ và cả người lớn đi tiêm vắc xin phòng bệnh vì vắc xin có hiệu quả giảm theo thời gian nên ngay cả đã tiêm rồi cũng có thể không còn miễn dịch sau nhiều năm.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng như Hội Y học dự phòng Việt Nam đều khuyến cáo lịch tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván trong những độ tuổi như 4-7 tuổi, 9-12 tuổi và mỗi 10 năm một lần sau liều tiêm cuối cùng.
Trong trường hợp không nhớ đã được chích ngừa vắc xin phòng Bạch hầu hay chưa thì vẫn có thể tiêm vắc xin.
Cẩn thận những ca không triệu chứng
Với 9 ca bệnh bạch hầu mới, hiện Gia Lai có 10 bệnh nhân, trước đó đã có 26 bệnh nhân tại Kon Tum, Đăk Nông và 1 bệnh nhân tại TP.HCM, chưa kể những ca bệnh không triệu chứng.
Đại diện Cục Y tế dự phòng cho biết rất đáng lo những trường hợp bệnh nhân không triệu chứng, có thể làm lây lan do người tiếp xúc không biết có ổ dịch và không phòng bị. Hiện nay những người tiếp xúc với 9 bệnh nhân kể trên đã được khoanh vùng, cho uống kháng sinh dự phòng, tuy nhiên tình hình kể trên cho thấy bệnh đang có xu hướng lan rộng tại khu vực Tây Nguyên..
Cách ly làng có 10 bệnh nhân bạch hầu
Ngành chức năng tỉnh Gia Lai chỉ đạo lập 4 tổ kiểm soát người vào ra tại làng Bông Hiot(xã Hải Yang, huyện Đak Đoa)
Chiều 5-7, ông Mai Xuân Hải – giám đốc sở Y tế tỉnh Gia Lai cho biết đã cách ly làng Bông Hiot (xã Hải Yang, huyện Đak Đoa) vì có 10 trường hợp nhiễm dịch bạch hầu.
Theo ông Hải, trước đó một ngày (4-7), bé trai 4 tuổi (ở làng Bông Hiot, xã Hải Yang) được người nhà đưa đến bệnh viện huyện với biểu hiện bị bệnh bạch hầu, được chuyển lên Bệnh viện Nhi tỉnh Gia Lai điều trị. Do ca bệnh chuyển biến nặng nên đến rạng sáng 5-7, bệnh nhân nhi này tử vong.
“Ngay sau khi phát hiện ca bệnh bệch hầu, trong ngày 4-7, ngành y tế đã cử đoàn công tác đến làng Bông Hiot để kiểm tra thu thập các mẫu bệnh. Trong 24 người tiếp xúc gần được cách ly có triệu chứng sốt, ho đau họng, thì phát hiện 9 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với bạch hầu. Trong đó có cha, mẹ của bệnh nhi 4 tuổi vừa tử vong vào sáng cùng ngày. Các ca còn lại là họ hàng, người quen với gia đình bệnh nhi”- ông Hải nói.
Theo Sở Y tế Gia Lai, tỉnh này đang khẩn trương rà soát, điều tra những người chưa được tiêm, tiêm chưa đủ mũi, hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng, để lập kế hoạch tiêm vét vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Đồng thời, đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên hỗ trợ vắc xin để tiêm phòng cho người dân.
Ông Phạm Minh Trung- chủ tịch UBND huyện Đak Đoa, cho biết có 24 người (trong 15 gia đình) trú ở làng Bông Hiot được đưa đi cách ly do có biểu hiện sốt, viêm họng. “Huyện đã lập 4 chốt kiểm soát người đi lại ở vùng ngoài làng Bông Hiot. Huyện cũng đã chỉ đạo cho học sinh nghỉ học 1 tuần bắt đầu từ ngày 6-7 trên toàn xã Hải Yang”- ông Trung nói.
Nguồn: tuoitre.vn