Trước năm 2000, Đồng bằng sông Cửu Long chỉ có duy nhất Trường đại học Cần Thơ. Sau năm 2000 tới nay có thêm 10 trường đại học, nhưng vì sao chất lượng nguồn nhân lực của vùng vẫn thấp?

Thêm 10 trường đại học, vì sao chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL vẫn thấp? - Ảnh 1.

Tại Diễn đàn quốc tế “Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long – SDMD 2022 chủ đề “Khoa học và công nghệ – động lực cho đổi mới và phát triển” tổ chức chiều 30-10, GS.TS Hà Thanh Toàn – hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ – đã có những phân tích về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực được cho là “rất thấp” của vùng này.

Ông Toàn cho biết với diện tích tự nhiên khoảng 40.000km2, dân số 18 triệu người, trước đây vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đóng góp 25% GDP cả nước, nhưng gần đây do “đi rất chậm” nên vùng chỉ còn đóng góp khoảng 18%.

Ông Toàn phân tích thêm: thực trạng lao động ĐBSCL hiện nay phần lớn chưa qua đào tạo. Chỉ khoảng 7% trên tổng số dân ở bậc đại học, so với cả nước là 63%, từ đó cho thấy vấn đề đào tạo và trình độ nguồn nhân lực của ĐBSCL rất thấp.

Thêm vào đó, có một sự dịch chuyển lớn. Vừa rồi khi xảy ra dịch COVID-19, khoảng 1,3 triệu người ở các khu công nghiệp Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai… di chuyển trở về ĐBSCL. Điều đó chứng tỏ lực lượng lao động ở đây không có “đất” để phát triển. Sự dịch chuyển lao động cũng là vấn đề gây khó khăn cho chính ĐBSCL.

Nguồn nhân lực của vùng ĐBSCL kém về chất lượng, rất khó khăn cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Tương tự, quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đô thị hóa ở ĐBSCL phát triển khá nhanh, nhưng nguồn nhân lực được đào tạo, huấn luyện bài bản, có tay nghề, có bằng cấp cũng là vấn đề khó khăn.

Các yếu tố về sinh thái, xã hội, thu nhập hạn chế cũng đóng góp cho nguồn nhân lực hạn chế của ĐBSCL.

Theo ông Toàn, đến năm 2000 Trường đại học Cần Thơ là trường đại học duy nhất của vùng ĐBSCL. Nhưng từ năm 2000 đến nay có thêm hơn 10 trường đại học mới được thành lập trong vùng, nhưng nguồn nhân lực các trường này còn yếu, do đó chưa thu hút được người đi học, dẫn tới nguồn tốt nghiệp cũng có hạn chế về mặt chất lượng.

“Một bộ phận nhỏ ở ĐBSCL, có thể do thiên nhiên ưu đãi nên nhiều người ở nông thôn cũng chưa quan tâm tới vấn đề học hành. Và thu nhập của người dân ĐBSCL còn thấp nên hạn chế trong vấn đề con em đi học. Rồi nhiều tâm lý, tập quán cũng dẫn tới việc đi học của con em ở ĐBSCL còn hạn chế”, ông Toàn nói thêm.

Ông Toàn đề xuất một số giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng ĐBSCL trong thời gian tới.

Về mặt giáo dục – đào tạo, đòi hỏi phải đổi mới chương trình đào tạo thích ứng trong điều kiện mới, ứng phó với biến đổi khí hậu, với vấn đề hội nhập quốc tế; ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin.

Tiếp đến là đào tạo, phân luồng tốt hơn vì hiện nay phân luồng đào tạo nghề và đào tạo trình độ đại học chưa hiệu quả. Ngoài ra, nguồn nhân lực đã tốt nghiệp một thời gian khá dài cần đào tạo lại để nâng cao trình độ, đáp ứng điều kiện mới.

Về mặt khoa học công nghệ, đòi hỏi sự đổi mới về mặt khoa học công nghệ, xây dựng các danh mục sản phẩm khoa học công nghệ. Trường đại học Cần Thơ hiện có 80 công nghệ sẵn sàng chuyển giao cho các doanh nghiệp để doanh nghiệp tiết kiệm thời gian nghiên cứu lại. Trường chuyển giao một cách thuận lợi để doanh nghiệp có thể ứng dụng phát triển sản phẩm của mình…

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : công nghệ sốđồng bằng sông Cửu Longnguồn nhân lực

Các tin liên quan đến bài viết