Với đối tượng được nhắm đến là người có thu nhập trung bình thấp, 3-5 triệu đồng/tháng, thủ tục mở thẻ đơn giản…, loại thẻ tín dụng nội địa – do Napas và một số ngân hàng giới thiệu – được kỳ vọng góp phần đẩy lùi tín dụng đen.
Theo ông Nguyễn Quang Minh – phó tổng giám đốc Công ty CP Thanh toán quốc gia VN (Napas), đơn vị vừa cùng với một số ngân hàng (NH) cho ra mắt thẻ tín dụng nội địa, chủ thẻ này vẫn được chi tiêu trước, trả tiền sau với thời gian miễn lãi lên tới 55 ngày, thay vì 45 ngày như một số loại thẻ tín dụng hiện nay.
Không chỉ thanh toán qua thẻ, chủ thẻ cũng có thể rút tiền tại máy ATM/POS trên toàn quốc khi có nhu cầu gấp.
Được chi tiêu trước, trả tiền sau
Cũng theo ông Nguyễn Quang Minh, thẻ tín dụng nội địa nhắm đến khách hàng có thu nhập trung bình/thấp, cung cấp công cụ chi tiêu tiêu dùng dựa trên tín chấp. Đặc biệt, thẻ chip tín dụng nội địa có tính bảo mật cao, xác nhận bằng mã pin, đảm bảo an toàn cho chủ thẻ.
“Chủ thẻ được chi tiêu trước, trả tiền sau và thời gian miễn lãi tới 55 ngày, thay vì 45 ngày như nhiều thẻ tín dụng thông thường” – ông Minh nói, đồng thời cho biết chủ thẻ sẽ không phải trả phí khi thực hiện giao dịch thanh toán mà chỉ phải trả phí khi rút tiền mặt từ thẻ tín dụng.
Mức phí rút tiền mặt khoảng 1-2% giá trị giao dịch, hoặc tối thiểu 10.000-20.000 đồng, chỉ bằng một nửa so với mức phí 4% giá trị giao dịch hoặc thấp nhất 50.000 đồng của các thẻ tín dụng quốc tế. Đây là cơ hội tốt để hộ kinh doanh, công nhân, người dân, nhất là những người ở nông thôn, vùng sâu vùng xa có thể tiếp cận nguồn vốn chính thức với mức phí hợp lý.
Theo ông Minh, thẻ tín dụng nội địa giúp người dân có thêm sự lựa chọn. Khi có nhu cầu vốn khẩn cấp, người dân sẽ tìm đến NH chứ không phải tín dụng đen hay kênh tài chính phi chính thức nào. Do đó, ông Minh kỳ vọng trong 1-2 năm tới, lượng thẻ tín dụng nội địa Việt Nam sẽ chiếm 15-20% trong tổng số thẻ trên thị trường.
“Vì ngoài việc hỗ trợ chủ thẻ thanh toán không tiền mặt, còn có thể vay vốn với lãi suất thấp qua thẻ tín dụng nội địa. Các NH giải ngân qua thẻ tín dụng ngay trong ngày. Các hộ kinh doanh có thể vay một vài chục triệu đồng qua thẻ tín dụng nội địa để mua con giống, thức ăn chăn nuôi…” – ông Minh thông tin.
Theo ông Nguyễn Minh Tâm – phó tổng giám đốc Sacombank, thủ tục phát hành thẻ cởi mở hơn so với khoản vay tín dụng thông thường, thẻ tín dụng nội địa được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy lùi tín dụng đen. “Với tính năng ưu đãi, lãi suất và phí rút tiền thấp, thẻ tín dụng nội địa sẽ giúp nông dân, công nhân có điều kiện để rút món tiền nhỏ khi thực sự cần thiết đáp ứng nhu cầu tiêu dùng” – ông Tâm nói.
Ông Phạm Đăng Khoa, giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank, cũng cho biết thủ tục mở thẻ sẽ tối giản nhất có thể. Theo đó, NH sẽ xem xét lược bỏ những giấy tờ như sổ hộ khẩu, hóa đơn tiền điện… nhưng khách hàng vẫn phải chứng minh bảng lương. Khác với yêu cầu khi mở các loại thẻ tín dụng khác, theo các lãnh đạo NH, với thẻ tín dụng nội địa, mức thu nhập của khách hàng chỉ 3-5 triệu đồng/tháng là có thể sở hữu thẻ này.
Nên miễn, giảm phí duy trì thẻ
Chị Mai Thị Oanh – công nhân một công ty của Nhật Bản có trụ sở tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) – cho biết sau khi nghe thông tin về thẻ tín dụng nội địa mới này, chị muốn nắm các thông tin như hạn mức chi tiêu hằng tháng, phí duy trì thẻ hằng năm, chủ thẻ có mất phí khi thanh toán bằng thẻ này hay không…
Với thu nhập ổn định ở mức 7,3 triệu đồng/tháng, chị Oanh cũng từng được nhiều NH mời phát hành thẻ tín dụng, kể cả thẻ tín dụng quốc tế và thẻ tín dụng nội địa. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, chị Oanh từ bỏ ý định mở thẻ do thủ tục khá phức tạp, như phải chứng minh thu nhập, có sổ hộ khẩu hoặc giấy tạm trú…
Hơn nữa, mức phí duy trì sử dụng thẻ là 500.000 đồng/năm, khá cao với thu nhập của công nhân như chị. Chưa hết, đến hạn phải thanh toán mà chưa trả đủ số tiền đã chi tiêu sẽ phải chịu lãi suất rất cao… Do đó, theo chị Oanh, nếu loại thẻ tín dụng nội địa mới được một số NH giới thiệu có thủ tục đơn giản hơn, phí giao dịch và duy trì thẻ mềm hơn… chị sẽ mở thẻ.
“Tôi mong mở thẻ để không phải trả bằng tiền mặt mỗi khi đóng học phí cho con, mua hàng ở siêu thị… Hơn nữa, nếu như giống một số thẻ tín dụng quốc tế, chủ thẻ được thanh toán trước và trả tiền sau, thậm chí được hoàn tiền mỗi khi chi tiêu mà không mất phí thì quá thuận tiện cho công nhân, người lao động có thu nhập trung bình thấp” – chị Oanh cho hay.
Anh Trần Quang Minh, công nhân Công ty TNHH TNA Vina, cũng cho biết đang xem xét chính sách về thẻ tín dụng nội địa của một số NH, trong đó có thủ tục mở thẻ, mức rút tiền mặt, chi phí duy trì thẻ… Theo anh Minh, trên website của một NH mới đây, phí rút tiền mặt với thẻ nội địa tại ATM/POS do NH này phát hành chỉ 0,5%/giao dịch hoặc tối thiểu 10.000 đồng.
Ngoài ra, chủ thẻ được rút tiền mặt 100% hạn mức tín dụng, được NH công bố là 10 triệu đồng trở lên nhưng không nói rõ 1 lần hay 1 tháng. “Nhưng thủ tục mở thẻ cũng khá phức tạp, khách hàng vẫn phải cung cấp giấy tờ chứng minh thu nhập, bản sao CMND/căn cước công dân, bản sao hộ khẩu hoặc giấy tờ chứng minh…” – anh Minh nói.
Từng phải vay nóng do cần gấp 5 triệu đồng để trả viện phí nhưng không xoay đâu ra được, chị N. – một công nhân tại TP Thủ Đức – cho biết đang tính đến việc mở loại thẻ tín dụng nội địa mới này để tránh nguy cơ lại vay nóng với lãi suất cao khi có nhu cầu gấp.
Tuy nhiên, theo chị N., các NH cần giảm phí duy trì thẻ hoặc có cơ chế khuyến khích mọi người mở thẻ. “Phí duy trì thẻ những năm đầu nên miễn hoặc giảm một nửa so với mức 200.000 đồng mà một số NH đang áp dụng, nhằm khuyến khích người thu nhập trung bình thấp mở thẻ tín dụng nội địa” – chị N. đề xuất.
Nhiều ưu điểm vượt trội
Từ nhiều năm nay, một số NH cũng đã phát hành thẻ tín dụng nội địa. Tuy nhiên, điều kiện để được mở thẻ rất khắt khe. Chẳng hạn, chỉ mở cho cán bộ, công nhân viên có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng và thâm niên làm việc tối thiểu 6 tháng, hợp đồng lao động phải có hiệu lực 1 năm trở lên.
Ngoài ra, hồ sơ mở thẻ gồm nhiều giấy tờ như phải có giấy chứng minh thu nhập, chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, hộ khẩu/giấy xác nhận tạm trú, hợp đồng lao động, sao kê bảng lương… Một số NH chỉ mở thẻ tín dụng nội địa cho khách hàng đang sử dụng thẻ tín dụng quốc tế hoặc có tài khoản thanh toán do chính NH đó phát hành…
Trong khi đó, thẻ tín dụng nội địa được các NH phối hợp với Napas phát hành lần này nhắm đến đối tượng là người có thu nhập trung bình thấp, từ 3-5 triệu đồng/tháng như hộ kinh doanh, công nhân… Khách hàng cũng chỉ cần có bản sao chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh thu nhập là có thể được mở thẻ.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Quang Minh, chủ thẻ tín dụng nội địa mới này không chỉ thanh toán và rút tiền mặt ở trong nước như các thẻ tín dụng nội địa phát hành trước đây mà còn giao dịch được tại Hàn Quốc và một số nước trong nội khối ASEAN như Thái Lan, Malaysia…
Thúc đẩy tín dụng tiêu dùng phát triển
Ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia NH, cho biết tại các nước phát triển, tài chính tiêu dùng nói chung và thẻ tín dụng nói riêng rất phát triển. Các sản phẩm thẻ tín dụng giúp người dân vay chi tiêu tiêu dùng để mua tủ lạnh, tivi, đồ dùng thiết yếu… trong gia đình.
Với đối tượng sử dụng là người thu nhập trung bình và thấp như công nhân, nông dân và lao động tự do có thu nhập thấp, thẻ tín dụng nội địa sẽ góp phần thúc đẩy tài chính tiêu dùng phát triển và hạn chế tín dụng đen.
Để đảm bảo khả năng chi trả của chủ thẻ, hạn mức chi tiêu qua thẻ tín dụng nội địa cần được giới hạn ở mức nhất định như 1 tháng không quá 10 triệu đồng, không rút quá 3-5 lần/ngày và mỗi lần không quá 2 triệu đồng… Thủ tục mở thẻ cũng là vấn đề mà các NH cần cân nhắc, chỉ cần yêu cầu chủ thẻ phải có giấy tờ chứng minh thu nhập ba tháng liền kề và bản sao chứng minh nhân dân/căn cước công dân.
Nguồn: tuoitre.vn