Thế giới đang vật lộn với dịch bệnh và nhiều bất ổn, tạo nên áp lực không nhỏ tới triển vọng kinh tế. Việt Nam cũng đối mặt với nhiều nguy cơ nhưng được dự báo tăng trưởng tốt, top đầu thế giới.

Tăng trưởng top đầu thế giới

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa công bố báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2020, trong đó dự báo kinh tế Việt Nam năm 2020 sẽ tăng 2,3%, cao hơn dự báo 1,8% đưa ra hồi tháng 9/2020.

Như vậy, so với lần trước, báo cáo cập nhật thêm phần sáng sủa hơn. Triển vọng về dài trung hạn và dài hạn theo ADB không có gì thay đổi, rất tích cực, mà nguyên nhân chính vẫn là Việt Nam kiểm soát tốt dịch bệnh và tham gia khá nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương, có độ mở kinh tế cao.

Theo ADB, việc kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh từ mức 0,36% trong quý II lên 2,6% trong quý III đã giúp tăng trưởng bình quân ba quý đầu năm lên mức 2,1%. Đây là yếu tố khiến ADB dự báo Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng GDP ở mức 2,3% trong cả năm 2020.

Thế giới vật lộn giữa bất ổn, Việt Nam chuẩn bị chu kỳ mới
Nền kinh tế thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid.

Sở dĩ Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng dương và khá cao trong bối cảnh hầu hết các nền kinh tế trên thế giới, bao gồm cả các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á và châu Á vốn ảnh hưởng ít vì đại dịch Covid-19 là nhờ đầu tư công được đẩy mạnh, tiêu dùng trong nước phục hồi, thương mại gia tăng, đặt biệt với Trung Quốc.

ADB dự báo tăng trưởng trong năm 2021 của Việt Nam là 6,1%.

Trong tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng nâng mức dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 lên 2,4% (so với mức 1,6% trong dự báo trước đó), thuộc nhóm cao nhất thế giới nhờ Việt Nam ứng phó kịp thời và ngăn chặn thành công dịch bệnh.

Theo dự báo của IMF, Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm 2021 và lạm phát dự kiến sẽ vẫn gần với mục tiêu của chính phủ là 4%.

Standard Chartered thậm chí còn đưa ra dự báo cao hơn, với tăng trưởng GDP kinh tế Việt Nam trong năm 2020 đạt 3% và năm 2021 đạt 7,8% nhờ hoạt động tiêu dùng gia tăng và lĩnh vực sản xuất tăng tốc.

Còn trong báo cáo trước đó, TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả tại Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi theo hình chữ V từ mức đáy quý II, rồi lấy lại đà tăng trưởng từ quý III và tăng trưởng khá trong năm 2021. Sang năm, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ là 6,5-7%.

Hồi cuối tháng 10, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) dự báo Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng cả năm 2,8%.

Có thể thấy, hầu hết các tổ chức trong và ngoài nước đều đưa ra dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 2,5-3% trong một năm đầy khó khăn 2020. Ở vào thời điểm chỉ còn nửa tháng nữa là kết thúc năm, bức tranh kinh tế 2020 được khắc họa khá rõ nét. Các dự báo này là rất sát trong bối cảnh Việt Nam hồi phục ấn tượng theo từng quý và thường sẽ bứt phá trong quý cuối năm.

Khó khăn còn nhiều

Mặc dù hồi phục khá ấn tượng nhờ sự ổn định kinh tế vĩ mô và việc kiểm soát tốt sự lây lan của Covid nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với khá nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái sâu và chưa thoát ra khỏi ảnh hưởng của đại dịch, kinh tế Việt Nam năm 2020 và tiếp theo được dự báo cũng chịu tác động tiêu cực từ cả phía cung và phía cầu.

Thế giới vật lộn giữa bất ổn, Việt Nam chuẩn bị chu kỳ mới
Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo báo cáo mới nhất của ADB, hoạt động kinh tế ở khu vực châu Á đang phát triển được dự báo sẽ giảm 0,4% trong năm nay. Triển vọng của năm 2021 vẫn được giữ nguyên, song vẫn phải đối mặt với nhiều bất ổn như khả năng dịch Covid tái bùng phát, quá trình phục hồi toàn cầu chậm chạp, căng thẳng thương mại đang diễn ra và khu vực doanh nghiệp gặp khó khăn. Những điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều công ty phải đóng cửa và phá sản, căng thẳng trên thị trường lao động và khu vực ngân hàng.

Trên thực tế, thế giới đã có những bước tiến mạnh về vaccine ngừa Covid-19. Sau nước Anh, Mỹ cũng đã duyệt tiêm vaccine Pfizer/BioNTech cho người dân từ 16 tuổi trở lên. Tuy nhiên, hiện tại, tình hình dịch bệnh vẫn rất tồi tệ tại Mỹ, châu Âu và cả châu Á.

Tại Mỹ, số người nhiễm tăng nhanh lên 17 triệu người, hơn 306 nghìn người tử vọng. Chỉ trong gần 2 tuần đầu tháng 12, Mỹ ghi nhận hơn 30 nghìn ca tử vong.

Tại châu Âu, tình hình bệnh dịch cũng khá phức tạp. Đức áp lệnh phong tỏa toàn quốc trong tuần lễ Giáng sinh và năm mới do số người nhiễm và tử vong vì Covid lên mức cao kỷ lục. Trường học và các hoạt động không thiết yếu sẽ phải đóng cửa.

Tại châu Á, Hàn Quốc nhiều khả năng sẽ thực hiện giãn cách xã hội mức cao nhất để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh sau khi nước này ghi nhận hơn 1.000 ca lây nhiễm trong cộng đồng trong 1 ngày, vào cuối tuần qua.

Những diễn biến khó lường của đại dịch có thể khiến cho sự hồi phục của nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới chậm lại, qua đó ảnh hưởng tới Việt Nam.

Dù vậy, kinh tế Việt Nam vẫn là điểm sáng trong khu vực và thế giới với tốc độ tăng trưởng dương và cao thuộc top đầu. Theo các chuyên gia ADB, triển vọng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và dài hạn vẫn rất tích cực, một phần nhờ việc Việt Nam đã tham gia khá nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương.

Việc hội nhập ngày càng sâu rộng với độ mở nền kinh tế thuộc top đầu thế giới sẽ giúp kinh tế Việt Nam nhanh chóng phục hồi. Không những thế, trong xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam  có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Kinh tế Việt Nam được dự báo hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU).

Với những diễn biến tich cực từ vaccine ngừa Covid, nền kinh tế thế giới có thể sớm hồi phục và đây là động lực để kinh tế Việt Nam bứt phá đi lên trong bối cảnh Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, tiếp tục tăng cường chi tiêu công và những cải cách về môi trường kinh doanh.

Nguồn: vietnamnet

Từ khóa : dự báo kinh tếGDPkinh tế việttăng trưởng kinh tế

Các tin liên quan đến bài viết