Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock hôm 20/3 cho biết, nước này đã đạt được cột mốc mới trong việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19, với hơn một nửa số người trưởng thành đã được tiêm ít nhất một mũi.
Theo ông Hancock, tốc độ tiêm chủng vắc-xin của Anh hiện đang đi trước Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu. Điều đó đồng nghĩa với việc nước này đang đi đúng hướng để giảm bớt các biện pháp hạn chế và mở cửa lại nền kinh tế theo đúng kế hoạch của mình.
“Chương trình tiêm chủng hiện đang là lối thoát khỏi dịch Covid-19 của chúng tôi. Dữ liệu chính thức cho thấy 26,9 triệu người đã nhận được liều vắc-xin đầu tiên, tăng so với con số 26,3 triệu người của ngày hôm trước”, Bộ trưởng Y tế Anh cho biết với Sky News hôm 20/3.
Thủ tướng Anh Boris Johnson được tiêm liều vắc-xin ngừa Covid-19 đầu tiên của AstraZeneca tại trung tâm chủng ngừa ở Lodon ngày 19/3. |
Khi được hỏi liệu tỷ lệ lây nhiễm tại những nơi khác ở châu Âu có là điều đáng lo ngại hay không, Bộ trưởng Y tế Anh cho biết dù vẫn cảnh giác, song ông không cảm thấy bất kỳ mối đe dọa nào đối với kế hoạch mở cửa dần các cửa hàng, quán rượu và nhà hàng từ 12/4 tới. “Không có dấu hiệu nào cho thấy chúng tôi sẽ không thể làm được điều này”, ông khẳng định.
Việc triển khai tiêm chủng của Anh, sử dụng các loại vắc-xin của AstraZeneca và Pfizer, được ghi nhận là một trong những đợt triển khai nhanh nhất trên thế giới. Israel hiện đứng đầu thế giới về tỷ lệ dân số đã được tiêm chủng, tiếp theo là Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Chile và Anh.
Đan Mạch có ca tử vong sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca
Đan Mạch hôm 20/3 cho biết, một người đã tử vong và một người khác đang nguy kịch do chứng tụ máu và xuất huyết não sau khi tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.
Hãng thông tấn Reuters, dẫn thông báo từ cơ quan điều hành bệnh viện công ở Copenhagen, cho biết cả hai bệnh nhân đều là nhân viên bệnh viện và đều đã tiêm vắc-xin của AstraZeneca trong vòng chưa đầy 14 ngày trước khi trở bệnh.
Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch cũng xác minh về việc đã nhận được 2 “báo cáo nghiêm trọng”, song không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào khác. Ngoài ra, chi tiết về thời điểm hai nhân viên y tế này đổ bệnh cũng chưa được tiết lộ.
Đan Mạch hiện vẫn nằm trong số hơn một chục quốc gia tạm ngưng sử dụng vắc-xin AstraZeneca, sau khi xuất hiện một số ghi nhận về các trường hợp tụ máu não từ một số ít người đã tiêm chủng loại vắc-xin này.
Tanja Erichsen, quyền Giám đốc phụ trách bộ phận cảnh giác dược thuộc Cơ quan Dược phẩm Đan Mạch, viết trên Twitter hôm 20/3: “Chúng tôi ưu tiên các ghi nhận về những tác dụng phụ nghiêm trọng bị nghi ngờ như vậy, và sẽ kiểm tra chúng một cách kỹ lưỡng để đánh giá xem liệu có mối liên hệ nào với vắc-xin Covid-19 hay không. Chúng tôi đang trong quá trình giải quyết hai trường hợp cụ thể này”.
AstraZeneca đã từ chối bình luận về các trường hợp mới được ghi nhận ở Đan Mạch.
Tuy nhiên, công ty này vẫn trích dẫn phát biểu hôm 18/3 của Giám đốc Y tế Ann Taylor và cho biết: “An toàn của vắc-xin là điều tối quan trọng. Chúng tôi hoan nghênh quyết định của các cơ quan quản lý nhằm khẳng định lợi ích vượt trội của vắc-xin trong việc ngăn chặn dịch bệnh. Chúng tôi tin tưởng rằng, sau những quyết định cẩn thận của các cơ quan quản lý, việc tiêm chủng một lần nữa có thể tiếp tục trên khắp châu Âu”.
Một số tin tức đáng chú ý khác
Theo trang thống kê Worldometer, cho đến sáng 21/3, thế giới có tổng cộng 123.406.083 ca nhiễm Covid-19. Số ca tử vong vẫn ở mức 2.720.994, song số ca bình phục đã lên tới hơn 99.394.827.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết, nước này hiện đang quản lý 121.441.497 liều vắc-xin Covid-19 tính đến sáng 20/3, và đã phân phối được 156.734.555 liều.
Hãng thông tấn CGTN, dẫn lời Ủy ban Y tế nhà nước Trung Quốc, cho biết nước này đã tiêm chủng hơn 70 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho người dân tính đến ngày 20/3.
Theo thông báo từ các nhà tổ chức Olympic hôm 20/3, những khán giả quốc tế sẽ không được phép đến Nhật Bản tham dự Thế vận hội diễn ra tại Tokyo vào mùa hè này, trong bối cảnh vẫn còn xuất hiện nhiều lo ngại về dịch Covid-19.
Viết trên Twitter hôm thứ 20/3, Bộ Ngoại giao Brazil cho biết chính phủ nước này đã đàm phán từ ngày 13/3 về khả năng nhập khẩu một số lượng vắc-xin Covid-19 dư thừa từ Mỹ,
Chính phủ Kenya đã cung cấp vắc-xin Covid-19 miễn phí cho tất cả các nhà ngoại giao đang công tác trong nước, bao gồm hàng nghìn nhân viên của Liên Hợp Quốc. Điều này đã vấp phải sự chỉ trích từ các cơ quan y tế địa phương, do nước này vẫn chưa hoàn tất việc tiêm chủng toàn bộ nhân viên y tế, các nhân viên tuyến đầu khác và người cao tuổi.
Nguồn: vietnamnet