Trên toàn cầu có thêm khoảng 342.000 ca nhiễm mới và 8.500 người tử vong vì dịch Covid-19 trong 24 giờ qua.
Theo trang thống kê Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 3/3, virus corona chủng mới đã lây nhiễm mầm bệnh cho hơn 115 triệu người và cướp đi mạng sống của 2,55 triệu bệnh nhân. Số ca hồi phục đạt trên 91 triệu.
Ảnh |
Trong khi đó ở Brazil, số ca nhiễm Covid-19 đến nay đã vượt quá con số 10 triệu người còn số tử vong vượt quá 257.000. Theo các khoa học trường Imperial (Anh), một biến thể virus dễ lây nhiễm ở Brazil đã được phát hiện ở hơn 20 nước, dễ dàng tái nhiễm cho những người khỏi bệnh.
Sau khi được phát hiện lần đầu ở thành phố Vũ Hán của Trung Quốc hồi cuối năm 2019, đại dịch Covid-19 đã có mặt ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mỹ là nước bị tấn công nặng nề nhất, với hơn 29 triệu người nhiễm và 529.000 người tử vong. Nước này ghi nhận hơn 50.000 ca nhiễm mới và hơn 1.700 người qua đời vì đại dịch trong 24 giờ qua.
Tổng thống Joe Biden ngày 2/3 cảnh báo cuộc chiến chống Covid-19 còn lâu mới kết thúc. Nhận định Mỹ đang đi đúng hướng, ông khuyến cáo tình hình có thể xấu đi khi các biến thể mới lây lan khiến các thành tựu đạt được có nguy cơ bị đảo ngược. Ông kêu gọi người dân tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, giữ vệ sinh và tiêm vắc-xin khi đến lượt.
WHO phân phối 237 triệu liều vắc-xin theo COVAX
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ngày 2/3, thông báo dự kiến có 237 triệu liều vắc-xin Covid-19 được phân phối tới 142 nước tham gia chương trình chia sẻ vắc-xin toàn cầu COVAX đến cuối tháng 5. Số vắc-xin này do hãng AstraZeneca và Viện huyết thanh Ấn Độ sản xuất, được phân phối làm 2 đợt, với đợt 1 trong tháng 2 và 3, đợt 2 trong tháng 4 và 5.
Đây là bước tiếp theo trong chương trình cung cấp vắc-xin ngừa Covid-19 cho các nước nghèo và thu nhập thấp được WHO tài trợ.
Một phụ nữ Nhật Bản chết sau khi tiêm ngừa Covid-19
Đây là ca tử vong đầu tiên ở Nhật Bản sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 nhưng nhà chức trách chưa xác định được mối liên hệ giữa việc tiêm phòng và cái chết.
Người tử vong là nữ giới, 60 tuổi, không có tiền sử bênh lý, được tiêm phòng hôm 26/2 và không dị ứng với vắc-xin.
Indonesia siết chặt nhập cảnh
Quyết định này được đưa ra sau khi Indonesia phát hiện hai trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể B117 có nguồn gốc từ Anh.
Ông Wiku Adisasmito, điều phối viên Nhóm Chuyên gia và là người phát ngôn của chính phủ Indonesia về đại dịch Covid-19, cho biết, chiến dịch giám sát nhập cảnh sẽ được thực hiện bởi nhân viên tại các địa điểm nhập cảnh cùng thành viên các cơ quan chức năng và lực lượng tác chiến chống Covid-19.
Theo ông Wiku, việc giám sát đang được siết chặt và tập trung tại nhiều cửa khẩu dành cho khách quốc tế.
Hôm 1/3, Indonesia phát hiện 2 ca đầu tiên nhiễm biến thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh qua kiểm tra 462 mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp giải trình tự gene (WGS). Thứ trưởng Y tế Dante Saksono Harbuwono kêu gọi chính phủ và toàn thể người dân Indonesia cùng hợp tác đối phó với đại dịch vì biến thể B117 có nguy cơ lây nhiễm nhanh và gây tử vong cao hơn.
Thái Lan tính áp dụng hộ chiếu vắc-xin để hồi sinh du lịch
Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Thái Lan Pipat Ratchakitprakarn vừa đề nghị Bộ Y tế phê duyệt một hệ thống hộ chiếu vắc-xin nhằm khởi động ngành du lịch của nước này trong năm 2021.
Vị bộ trưởng cho biết, chính phủ Thái Lan đang chờ thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về hộ chiếu vắc-xin trước khi ban hành biện pháp này. Theo ông, việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin hoặc một phương pháp tương tự cho phép khách du lịch nước ngoài không phải cách ly sẽ đảm bảo ít nhất 5 triệu du khách nước ngoài sẽ đến Thái Lan trong năm 2021.
Hiện Trung tâm Xử lý Covid-19 Thái Lan đang thảo luận về một cơ chế cho phép du khách rời phòng khách sạn chỉ sau 3 ngày tự cách ly. Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan cũng đã trình kế hoạch cung cấp vắc-xin cho 5 tỉnh phụ thuộc vào du lịch là Phuket, Surat, Chon Buri, Chiang Mai và Krabi.
Nguồn: vietnamnet