Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, nước này sẽ có biện pháp đáp trả nếu Mỹ nhất quyết rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đã có từ thời Chiến tranh Lạnh.
Ông Putin khẳng định, các loại tên lửa mới của Nga không vi phạm Hiệp ước INF. |
Phát biểu tại một cuộc họp của Bộ Quốc phòng Nga ngày 18/12, Tổng thống Putin một lần nữa cáo buộc Washington đã vi phạm INF, trong khi Moscow vẫn tuân thủ hiệp ước do cố Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ký với nhà lãnh đạo cuối cùng của Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987.
Hiệp ước INF cấm Washington và Moscow phóng các loại tên tửa đạn đạo và hành trình có tầm bắn từ 500 – 5.500 km trên mặt đất.
Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời lãnh đạo Điện Kremlin nói, Nga có thể dễ dàng tạo ra các tên lửa đạn đạo tầm trung đặt trên mặt đất nhằm đáp trả việc Mỹ xé bỏ thỏa thuận đã có từ thời Chiến tranh Lạnh này.
Tổng thống Nga cho biết thêm, hiện không có gì cản trở các nước khác đàm phán để ký kết INF hoặc thảo luận để cho ra đời một hiệp ước mới.
Về chính sách của Nga trong thời gian tới, ông Putin nhấn mạnh: “Tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh đất nước, cũng như xây dựng khả năng bảo vệ chắc chắn trước những mối đe dọa bên ngoài đã và vẫn là ưu tiên, nhiệm vụ then chốt của Nga”.
Các tin tức đáng chú ý khác trong ngày:
– Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm “Cải cách và mở cửa” của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết Bắc Kinh sẽ tiếp tục quá trình cải cách kinh tế. Song, ông Tập khẳng định, Trung Quốc sẽ không tuân theo yêu cầu của bất cứ quốc gia nào về việc nước này phải hoạch định và phát triển ra sao.
– Tổng thống Mỹ Donald Trump lên án Facebook, Twitter và Google đã thiên vị các chính khách Dân chủ. Lãnh đạo Nhà Trắng đặc biệt tố cáo Twitter đã loại bỏ nhiều tên riêng, gây khó khăn hơn nhiều cho những người muốn theo dõi ông trên mạng xã hội này.
– Phát ngôn viên của tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 18/12 tuyên bố, báo cáo mới soạn thảo cho Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ chứa những kết luận hoàn toàn vô căn cứ về Nga, kể cả cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ cũng như tung tin thất thiệt nhằm làm mất uy tín của Công tố viên đặc biệt Mỹ Robert Muller.
– Ông Ken Hu, Chủ tịch Huawei đề nghị Mỹ, Australia và chính phủ các nước khác công khai những bằng chứng cáo buộc tập đoàn công nghệ Trung Quốc này là nguy cơ an ninh. Theo ông Hu, các cáo buộc chống Huawei nhuốm màu sắc chính trị và việc loại bỏ tập đoàn này ra khỏi tiến trình cung cấp dịch vụ, thiết bị viễn thông thế hệ thứ 5 sẽ làm tăng chi phí cũng như cản trở sự đổi mới của thế giới.
– Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vasily Nebenzya cảnh báo, việc Kosovo mới đây đòi thành lập quân đội riêng và được Mỹ ủng hộ là một động thái nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ tái diễn xung đột vũ trang ở vùng Balkan.
– Nhà chức trách Trung Quốc thông báo đã cách chức, khai trừ đảng cũng như chuẩn bị truy tố Tôn Ba, cựu tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc (CSIC) vì các tội nhận hối lộ và lạm dụng chức vụ để mưu cầu lợi ích tài chính. Theo báo South China Morning Post, Tôn Ba cũng đang bị điều tra về nghi vấn cung cấp các thông tin mật liên quan đến hàng không mẫu hạm tự chế đầu tiên của Trung Quốc (tàu sân bay Liêu Ninh) cho các điệp viên nước ngoài.
– Các điều tra viên đã tiến hành lục soát trụ sở Bộ Tài chính Bỉ để phục vụ điều tra nghi án mất tiền trong các tài khoản ngân hàng thuộc về cố lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi đang bị nước này phong tỏa.
– Một tàu chở hàng nặng 16.000 tấn của Nga cùng thủy thủ đoàn gồm 18 người đã bị mắc cạn tại bãi biển Cornwall, phía nam nước Anh. Nhà chức trách địa phương đã điều các tàu kéo giải thoát cho tàu Nga.
Nguồn: vietnamnet