Gói biện pháp trừng phạt đầu tiên mà Mỹ áp dụng chống Nga liên quan tới vụ cha con cựu điệp viên Nga Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh hồi tháng 3 chính thức có hiệu lực từ ngày 27/8.
Theo đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt các hoạt động hỗ trợ, buôn bán vũ khí và cấp tài chính dành cho Nga. Bên cạnh đó, Mỹ cũng từ chối các khoản tín dụng và cấm xuất khẩu sang Nga một số mặt hàng công nghệ và an ninh.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin. |
Gói biện pháp trừng phạt này không được áp dụng đối với sự hợp tác giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực vũ trụ.
Phía Nga đã ngay lập tức lên tiếng, tuyên bố rằng bất kỳ phản ứng nào của Tổng thống Vladimir Putin đều phù hợp với lợi ích quốc gia. Điện Kremlin cho biết cần có thêm thời gian để đánh giá tác động của gói trừng phạt rồi sẽ cân nhắc hành động.
Bộ Ngoại giao Nga khẳng định gói trừng phạt mới của Washington sẽ không thể buộc Moscow thay đổi con đường đã chọn, là kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia, và càng khiến cho đối thoại giữa hai nước về hàng loạt vấn đề trở nên khó khăn hơn.
Mỹ dự kiến áp đòn trừng phạt thứ 2 lên Nga vào tháng 11 tới, bao gồm giáng cấp quan hệ ngoại giao, cấm hãng hàng không Nga Aeroflot bay đến Mỹ, cấm xuất – nhập khẩu.
Washington tuyên bố trừng phạt chỉ được gỡ bỏ khi Moscow đảm bảo không sử dụng vũ khí hóa học trong tương lai và cho phép Liên Hợp Quốc tiến hành các cuộc thanh sát “tại chỗ”.
Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới vụ Skripal.
Các tin thế giới quan trọng khác trong ngày 27/8:
– Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) tại La Haye của Hà Lan mở phiên tòa xét xử tranh cãi pháp lý giữa Iran và Mỹ về việc Washington nối lại các trừng phạt làm hủy hoại nền kinh tế Iran. Theo kế hoạch, tòa sẽ nghe tranh tụng trong 4 ngày, nhưng sẽ mất nhiều tháng để quyết định có nên ra phán quyết về đề nghị của Tehran hay không.
Phía Mỹ cho rằng, ICJ không có thẩm quyền xét xử vụ kiện này và yêu cầu của phía Iran nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước về quan hệ thân thiện và kinh tế (TAER) giữa hai nước từ năm 1955.
– Truyền thông Triều Tiên đăng bài viết lý giải về việc tỷ lệ ủng hộ chính quyền Tổng thống Moon Jae In sụt giảm. Theo đó, chính quyền ở Seoul không thực hiện một cách trung thực Tuyên bố Panmunjom đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều hồi tháng 4 nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên bán đảo Triều Tiên.
– Truyền thông nhà nước Litva dẫn lời Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Israel và Nga đang tiến hành một cuộc đối thoại tích cực về các vấn đề Trung Đông. Phát biểu trong chuyến thăm Litva, ông Netanyahu nêu rõ Tel Aviv và Moscow tôn trọng lẫn nhau và đối thoại một cách chân thành.
– Giới chức Afghanistan cho biết, một máy bay không rõ của Nga hay Tajikistan đã không kích vào vị trí phiến quân Taliban tại huyện Durqad, thuộc tỉnh Takhar, đông bắc Afghanistan, sau khi nhiều vụ giao tranh nổ ra tại đây. Vụ không kích khiến ít nhất 8 tay súng Taliban thiệt mạng và 6 tay súng bị thương. Phía Nga khẳng định không liên quan.
– Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẽ đưa ra các đề xuất mới nhằm tăng cường an ninh của Liên minh châu Âu. Ông khẳng định khối này cần chấm dứt việc phụ thuộc vào sức mạnh của Mỹ.
Nguồn: vietnamnet