Câu chuyện ấm lòng của một thầy giáo ngoài Phú Quốc tìm cách giúp được cho cô học trò mồ côi. Những tấm lòng nhân ái đến từ nước Đức…

Thầy ơi! Giống như một giấc mơ - Ảnh 1.

Anh Võ Ngọc Hồng trao tiền hỗ trợ cho cô học trò Lê Ngọc Điệp

Tôi gọi nó là “cuộc gặp đặc biệt” bởi nó diễn ra trên tầng 9 của bệnh viện giữa một cô học trò nghèo và người đàn ông hơn 20 năm trước cũng có số phận giống cô học trò đáng thương ấy.

Cuộc gặp gỡ chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 30 phút. Nhưng nó đọng lại trong tôi những ấn tượng khó phai về lòng nhân ái, sự sẻ chia và niềm tin vào cuộc sống.

Chuyện cô học trò

Cách đây không lâu, tôi có đăng lên Facebook cá nhân câu chuyện về cô học trò Lê Ngọc Điệp – lớp 11B8 Trường THPT An Thới, Phú Quốc, Kiên Giang – do tôi trực tiếp giảng dạy. Điệp mồ côi mẹ từ lúc học lớp 2.

 Cha em trước kia đi biển nhưng cơn bão số 5 năm 1997 nhấn chìm chiếc ghe của gia đình ở biển khơi. May mắn sống sót, nhưng gia cảnh rơi vào túng quẫn, cha em phải đi cưa cây thuê nhưng chẳng may bị cây ngã đè gãy chân.

Không tiền chạy chữa đến nơi đến chốn nên chân của ông bị tật. Ba cha con trú ngụ trong một căn chòi rách nát nằm dưới chân cầu. Ai kêu gì làm nấy, người cha chắt chiu từng đồng để lo cho hai con ăn học.

Dù gia cảnh bi đát nhưng Điệp học rất giỏi, năm nào cũng đứng đầu lớp. Để đỡ đần cho cha, ngoài giờ học em đi phụ trong một tiệm trang điểm để kiếm tiền.

Khi bài viết về em đăng trên mạng xã hội, anh Võ Ngọc Hồng – một người con của Phú Quốc đang làm việc tại nước Đức – đã liên hệ với tôi để tìm hiểu kỹ hơn về hoàn cảnh của Điệp. Sau đó, anh Hồng ngỏ ý hỗ trợ Điệp để em tiếp tục đeo đuổi việc học. Nhân dịp về nước, anh Hồng muốn gặp Điệp để động viên em.

Nhớ lại tuổi thơ của mình

Hai thầy trò tôi xin nghỉ một hôm để vào Rạch Giá (Kiên Giang) gặp anh Hồng. Vì anh Hồng đang chăm vợ sinh nên cuộc gặp gỡ giữa chúng tôi diễn ra trên tầng 9 – nơi đặt căngtin của bệnh viện.

Anh Hồng cho biết thấy hoàn cảnh của Điệp, anh nhớ lại tuổi thơ của mình. Hồi nhỏ anh cũng vất vả không kém gì Điệp và hiện nay anh cũng chẳng giàu có gì. Ở xứ người, anh phải cật lực làm việc trong một nhà hàng để kiếm tiền nuôi vợ con hiện còn ở trong nước.

Anh Hồng nhận hỗ trợ Điệp 1 triệu đồng/tháng và trao cho em luôn một năm. Ngoài ra, anh Hồng cũng vận động được bạn bè ở Đức hỗ trợ em Điệp 490 euro và 500.000 đồng.

Anh cẩn thận đọc tên từng bạn bè của anh – những người Việt xa xứ đang mưu sinh ở xứ người – gửi những niềm tin và hi vọng Điệp sẽ thành công trong tương lai. Anh Hồng và những người bạn của mình đã truyền cho Điệp một niềm tin, một nghị lực sống.

Cô học trò bé bỏng rưng rưng không nói nên lời. Em bảo: “Thầy ơi! Giống như một giấc mơ”. Cuộc hạnh ngộ diễn ra trong 30 phút. Anh Hồng phải làm thủ tục xuất viện cho vợ con. Hai thầy trò chúng tôi vội vã lên tàu về lại Phú Quốc để mai còn dạy và học.

Hỏi Điệp muốn mua gì không, em đều lắc đầu. Nhưng khi gợi ý mua sách, mắt em sáng lên. Dẫn em vào nhà sách, chỉ có 15 phút để em lựa chọn cho mình những cuốn sách em cần. Nhưng em cũng chỉ dám mua hai cuốn sách tham khảo mà em ao ước từ lâu.

Niềm vui với sách

hoc sinh phu quoc 2 2(read-only)

Lần đầu tiên được vào nhà sách, Điệp đọc ngấu nghiến những cuốn sách tham khảo mà em ao ước từ lâu 

Hành trình gần 3 giờ đồng hồ trên biển về lại đảo, mặc cho tiếng ồn ào của máy tàu và những hành khách xung quanh, cô học trò bé bỏng không rời mắt khỏi cuốn sách em vừa mua.

Tôi ngồi bên muốn bảo em nghỉ để về nhà hãy đọc nhưng không nỡ làm gián đoạn niềm vui ấy. Với Điệp, đó không chỉ là niềm vui được cầm trên tay cuốn sách mình yêu thích, mà đó là ước mơ, là niềm tin, niềm hi vọng của những tấm lòng tốt đã dành cho em.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : giấc mơhọc tròmồ côiThầy giáo

Các tin liên quan đến bài viết