Một câu hỏi lớn với dư luận là vì đâu mà các ngân hàng “bề thế” và đầy truyền thống này lại rơi vào tình cảnh khủng hoảng ngân hàng?

Một nhân viên thông báo với khách hàng là trụ sở SVB tại California (Mỹ) đóng cửa. SVB đã phá sản chỉ sau một tuần được bình bầu là ngân hàng của năm - Ảnh: AFP

Một nhân viên thông báo với khách hàng là trụ sở SVB tại California (Mỹ) đóng cửa. SVB đã phá sản chỉ sau một tuần được bình bầu là ngân hàng của năm 

Sự sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) và Ngân hàng Signature (SB) tại Mỹ vào tháng 3-2023, và sau đó là việc Credit Suisse – ngân hàng lớn thứ hai của Thụy Sĩ và là một trong những ngân hàng lớn nhất của châu Âu – bị Ngân hàng UBS mua lại, chỉ ra những vấn đề lớn trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng thế giới.

Tại sao các ngân hàng lại rơi vào tình cảnh đó? Nhất là khi các quốc gia và định chế tài chính thế giới đã thực thi hàng loạt các điều chỉnh để tránh lặp trải nghiệm đau thương “Lehman Brothers” tháng 9-2008?

Nhìn sâu về nguyên nhân

Trước hết, có thể thấy những sự sụp đổ đó đến từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao, thua lỗ do điều kiện thị trường thay đổi bất lợi, và thiếu hụt thanh khoản.

Về mặt kỹ thuật, rủi ro phá sản đến từ việc sử dụng đòn bẩy tài chính quá mức (vay nợ nhiều), làm tăng tính dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài và suy thoái thị trường. Chỉ cần một sự thay đổi đột ngột bất lợi của thị trường cũng dẫn đến thua lỗ, mất khả năng thanh toán và lây lan ảnh hưởng.

SVB rơi vào tình trạng đổ vỡ vì huy động vốn ngắn hạn quá mức trong một thời gian dài để cho vay dài hạn. Khi ngân hàng này thông báo phải bán tháo một loạt chứng khoán để huy động vốn cho cân đối bảng tài sản thì các khách hàng đồng loạt rút tiền. Thiếu thanh khoản để đáp ứng các yêu cầu rút tiền gửi gây sụt giảm nhanh chóng giá cổ phiếu của SVB và sự hoảng loạn của thị trường.

Cú sốc SVB cũng đã đẩy SB đến vực phá sản do giá cổ phiếu giảm mạnh và khách hàng ồ ạt rút tiền. Còn với Credit Suisse, sự sụp đổ đến từ cộng hưởng của ba yếu tố: thua lỗ liên tục trong nhiều năm, mất niềm tin của nhà đầu tư, và gia tăng tâm lý một cuộc khủng hoảng hệ thống ngân hàng ở toàn cầu.

Tác động của chu kỳ kinh tế

Bên cạnh đó, nguyên nhân sâu xa của những khủng hoảng này cũng gắn liền với tính chu kỳ của nền kinh tế, sự thay đổi đột ngột của chính sách tiền tệ (tăng lãi suất cơ bản) và nguy cơ suy thoái do những bất ổn địa chính trị trong môi trường kinh tế quốc tế.

Tính chu kỳ của nền kinh tế có vai trò quyết định. Sau khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương đều nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy phục hồi kinh tế. Dòng tiền trong nền kinh tế trở nên quá nhiều thời gian qua, đặc biệt trong và sau đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, kinh tế phục hồi chậm do tác động của đại dịch và xung đột, căng thẳng địa chính trị (xung đột Nga – Ukraine, căng thẳng Trung Quốc – Đài Loan…), từ đó đưa chúng ta vào “bẫy thanh khoản” – tức là tăng trưởng chậm, lạm phát cao.

Tình huống này buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh để kiểm soát lạm phát. Kết quả của chính sách này là tăng lãi suất và giảm cung tín dụng. Áp lực tài chính gia tăng đối với các ngân hàng và thị trường.

SVB và SB là hai nạn nhân đầu tiên của suy thoái kinh tế và sự thay đổi nhanh chóng của chính sách tiền tệ ở Mỹ. Chỉ tính từ tháng 3-2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang (Fed) đã nâng lãi suất cơ bản tám lần (từ 0 – 0,25% lên 4,5 – 4,75%/năm). Dưới áp lực tăng lãi suất, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp lao vào những hoạt động đầu tư kinh doanh với mức rủi ro cao hơn để tránh thua lỗ. Điều này làm gia tăng tính dễ đổ vỡ và bất ổn thị trường.

Vai trò của chính phủ

Ngân hàng có vị trí quan trọng trong huy động vốn của nền kinh tế. Khi khủng hoảng ngân hàng xảy ra, nguy cơ trước mắt là suy giảm niềm tin của các chủ thể kinh tế vào hệ thống tài chính, sự phá sản hàng loạt của nhiều doanh nghiệp và tổ chức tài chính.

Theo đó, thị trường chứng khoán bị tác động trực tiếp. Giá tài sản chứng khoán sụt giảm mạnh. Tiếp đến là giảm cung tín dụng, đầu tư và tiêu dùng, từ đó dẫn đến suy thoái kinh tế với những tác động tiêu cực lên thị trường việc làm và tăng trưởng kinh tế.

Trong bối cảnh đó, các chính phủ và ngân hàng trung ương buộc phải can thiệp hoặc có phương án giải cứu để ngăn chặn khủng hoảng lây lan rộng và duy trì sự ổn định tài chính. Ví dụ, Chính phủ Thụy Sĩ thúc đẩy một thỏa thuận giải cứu khẩn cấp để Ngân hàng UBS mua lại Credit Suisse, song song với việc cấp hơn 9 tỉ USD để bù đắp những tổn thất mà UBS có thể phải gánh chịu trong thương vụ này.

Những khó khăn của ngành ngân hàng tại Mỹ và châu Âu là rủi ro tiềm tàng cho hệ thống tài chính toàn cầu do mức độ hội nhập cao của các định chế tài chính. Nó cũng buộc các nước này phải xem xét lại những thay đổi về chính sách điều phối tài chính và các quy định tăng cường giám sát các tổ chức tài chính.

Trong mấy tháng tới đây, các ngân hàng trung ương cũng phải tính toán lộ trình giảm lãi suất, cung cấp thanh khoản cho thị trường để ổn định tài chính và hỗ trợ đầu tư, tăng trưởng.

Kinh nghiệm chính sách

Bài học lớn nhất là việc thực thi kiểm tra và giám sát thường xuyên rủi ro của các ngân hàng, ngay cả khi có một khung pháp lý tốt, và không nên đánh giá thấp khả năng lây lan khủng hoảng từ sự sụp đổ của các ngân hàng vừa và nhỏ.

Hệ thống tài chính hiện đại có nhiều giao dịch và sở hữu chéo. Hiệu ứng domino cũng sẽ rất lớn trong môi trường kinh tế suy giảm tăng trưởng và có nguy cơ suy thoái.

Trong trường hợp của Mỹ, có vẻ Fed đã chỉ tập trung vào quản lý các ngân hàng quan trọng đối với rủi ro hệ thống, giống như Lehman Brothers, mà bỏ qua các ngân hàng có quy mô vừa.

Nguồn: tuoitre.vn

Từ khóa : khủng hoảng ngân hàngthung lũng silicon

Các tin liên quan đến bài viết